Giám sát các dự án quan trọng quốc gia: Đánh giá kỹ hơn việc phân cấp cho địa phương

(PLVN) - Đây là đề nghị được Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội đưa ra khi làm việc với Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, diễn ra sáng 22/3. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc. (Ảnh: quochoi.vn)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì cuộc làm việc. (Ảnh: quochoi.vn)

Tạo nền tảng phát triển sau đại dịch Covid-19

Theo Báo cáo của Chính phủ, việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 (Nghị quyết số 43) là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội (QH) trong bối cảnh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có tiền lệ do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Việc xây dựng, ban hành và chấp hành chính sách, pháp luật liên quan đến Nghị quyết số 43 đã được Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động, khẩn trương triển khai nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đưa chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, đúng đối tượng, tránh trục lợi. Qua đó, đã góp phần không nhỏ hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tạo nền tảng phát triển sau đại dịch Covid-19.

Về các hiệu quả cụ thể, báo cáo của Chính phủ cho biết, thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đạt 44.458 tỷ đồng, bằng 90% kế hoạch. Về thực hiện cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, đến hết năm 2023, giải ngân tín dụng ưu đãi đạt 38.400 tỷ đồng cho hơn 615,6 nghìn lượt khách hàng, đạt 100% kế hoạch. Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, đã giải ngân khoảng 3.679 tỷ đồng hỗ trợ cho 128,7 nghìn lượt người sử dụng lao động và gần 5,2 triệu lượt lao động, đạt 55,7% kế hoạch.

Thực hiện chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong số 130,7 nghìn tỷ đồng vốn Chương trình bố trí cho các dự án kết cấu hạ tầng, đã giao chi tiết 130,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 99,6% nguồn lực; trong đó bố trí khoảng 82,1 nghìn tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, bổ sung nguồn lực lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm, liên vùng. Đến ngày 31/1/2024, tổng vốn đầu tư của Chương trình đã giải ngân trong kế hoạch năm 2023 đạt khoảng 84,85 nghìn tỷ đồng, bằng 65% kế hoạch.

Về thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, báo cáo của Chính phủ khẳng định, việc triển khai các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định. Các cơ chế đặc thù được QH cho phép áp dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Rà soát, tổng hợp các quy định còn bất cập

Tại buổi làm việc, cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, các thành viên Đoàn Giám sát cũng cho rằng, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả, vẫn còn một số hạn chế, bất cập, cần giải pháp tháo gỡ nhằm thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra.

Nhấn mạnh về yêu cầu tính kịp thời, khẩn trương, thời sự của Nghị quyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Vũ Thị Lưu Mai chỉ rõ, qua giám sát cho thấy, đến nay, tiến độ là điểm yếu nhất. Đến ngày 31/12/2023 vẫn không giải ngân hết số vốn theo thời hạn đề ra tại Nghị quyết số 43, QH phải gia hạn thời gian thực hiện đến 31/12/2024. Bên cạnh đó, việc bố trí nguồn vốn thuộc trách nhiệm của địa phương còn rất thấp. Do đó, bà Vũ Thị Lưu Mai đề nghị báo cáo của Chính phủ cần chỉ rõ địa chỉ cụ thể, địa phương thực hiện chậm.

Đoàn giám sát cũng nhận thấy, việc điều hòa giữa vốn của Chương trình và nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chậm trễ, chưa hiệu quả nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn; các cơ chế đặc thù có nơi, có dự án còn khó khăn, vướng mắc; công tác giải phóng mặt bằng có dự án không đáp ứng tiến độ... Một số ý kiến lưu ý, Chính phủ cần rà soát, tổng hợp về những quy trình, thủ tục làm mất nhiều thời gian; những quy định pháp luật chưa bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng, minh bạch; những vấn đề chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh... làm kinh nghiệm cho việc thực hiện trong thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành đánh giá kỹ hơn việc thực hiện cơ chế đặc thù của các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình và các dự án quan trọng quốc gia về phân cấp cho địa phương làm chủ quản dự án; việc thực hiện chỉ định thầu, khai thác các mỏ vật liệu; cơ chế phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản một số dự án...

Ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của Chính phủ, Phó Chủ tịch QH đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị rà soát lại bố cục, thông tin, số liệu, đánh giá, nhận định, nêu địa chỉ cụ thể, hoàn thiện các phụ lục, tránh để trùng lắp, không thống nhất trong từng báo cáo và giữa các báo cáo; hoàn thiện những đề xuất, kiến nghị của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết trong bối cảnh tình hình mới hiện nay, gắn với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai trong thời gian tới.

Đọc thêm