Bộ Nội vụ cho biết, để quy định chi tiết các nội dung được giao trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV) bảo đảm tiến độ, chất lượng, có hiệu lực thi hành cùng với hiệu lực thi hành của Luật thì việc xây dựng Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức là rất cần thiết.
Giảm thiểu các quy định về hành chính
So với quy định tại Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì dự thảo Nghị định bổ sung nhiều nội dung trong việc tuyển dụng công chức.
Cụ thể, trong kế hoạch tuyển dụng, xác định số lượng vị trí việc làm cần tuyển theo từng ngạch công chức trong phạm vi chỉ tiêu biên chế được giao; số lượng vị trí việc làm thực hiện việc thi tuyển riêng đối với người dân tộc thiểu số; số lượng vị trí việc làm thực hiện việc xét tuyển (nếu có) đối với 03 nhóm đối tượng (người dân tộc thiểu số; người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc; người cam kết làm việc 5 năm ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo).
Mục tiêu của quy định tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức bố trí công tác đối với người đạt kết quả thi nhưng không trúng tuyển do hết chỉ tiêu tại cơ quan sử dụng nhưng cơ quan sử dụng khác có chỉ tiêu nhưng không có người trúng tuyển; đồng thời, xác định rõ vị trí việc làm thực hiện xét tuyển riêng đối với từng nhóm đối tượng, bảo đảm thực hiện đúng quy định.
Dự thảo Nghị định cũng rà soát để nhằm giảm thiểu quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong điều kiện tuyển dụng. Bởi hiện nay, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của sinh viên tốt nghiệp các trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cử nhân đều yêu cầu đáp ứng trình độ ngoại ngữ bậc 3.
Ngoài ra, tại các cơ sở giáo dục đại học hiện quy định chuẩn đầu ra trình độ ngoại ngữ đối với sinh viên khi tốt nghiệp theo Quyết định số 1400/QĐ-TTg, mà chuẩn đầu ra về trình độ ngoại ngữ đó phù hợp với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ tương ứng với ngạch công chức tham gia dự tuyển.
Đối với tin học, do hiện nay yêu cầu sử dụng công nghệ thông tin trong các cơ sở giáo dục cũng như quy định việc tổ chức thi tuyển trên máy tính cũng là bước kiểm tra kiến thức và kỹ năng sử dụng tin học.
Do vậy, việc quy định người đăng ký dự tuyển có bằng tốt nghiệp tại cơ sở giáo dục chuyên nghiệp hoặc cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện chương trình đào tạo chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học mà tương ứng với yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học quy định tại tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ của ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm đăng ký dự tuyển thì không yêu cầu phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nhằm mục tiêu giảm thiểu các quy định về hành chính.
Bổ sung cả hình thức thi viết và phỏng vấn
Liên quan đến nội dung thi môn nghiệp vụ chuyên ngành (vòng 2) tại kỳ thi tuyển công chức. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP thì thi vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức thực hiện theo hình thức thi viết hoặc thi phỏng vấn.
Tuy nhiên, để có thể kiểm tra được toàn diện hơn nữa năng lực, trình độ, kỹ năng của người tham gia dự tuyển công chức, qua một số cuộc thảo luận, trao đổi đã có một số ý kiến đề nghị nên kết hợp cả hai hình thức là thi viết và thi phỏng vấn.
Như vậy, hình thức thi vòng 2 kỳ thi tuyển sẽ có sự thay đổi (thi viết hoặc thi phỏng vấn hoặc kết hợp cả hai hình thức thi viết và thi phỏng vấn).
Bộ Nội vụ nhận thấy kiến nghị này là phù hợp và bổ sung hình thức này vào nội dung dự thảo. Tuy nhiên, để quy định được thực hiện thống nhất, không gây khó khăn cho Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện, Bộ Nội vụ đề xuất trường hợp thi vòng 2 bằng hình thức kết hợp cả thi viết và thi phỏng vấn thì thang điểm chấm thi của thi viết và thi phỏng vấn là 50 điểm (tổng của hai hình thức này là 100 điểm), đồng nhất với thang điểm khi chỉ tổ chức theo một hình thức là thi viết hoặc thi phỏng vấn. Thời gian thi viết là 180 phút và thời gian thi phỏng vấn là 30 phút.
Đây là nội dung được Bộ Nội vụ trình xin ý kiến Chính phủ về quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Ngoài ra, còn một số nội dung cụ thể, như: Về đối tượng áp dụng của Nghị định, tại Quy định số 214-QĐ/TW của Bộ Chính trị đã quy định cụ thể về tiêu chuẩn đối với chức danh Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Tuy nhiên, các chức danh này đều được xác định là công chức trong cơ quan hành chính nhà nước. Do vậy, Bộ Nội vụ đề nghị thể chế hóa quy định của Bộ Chính trị tại dự thảo Nghị định này để bảo đảm thống nhất quy định về tiêu chuẩn các chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước.
Về tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII có xác định mục tiêu: Đến năm 2030, đối với cán bộ cấp chiến lược từ 40 - 50% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Tổng cục, cục, vụ, phòng và tương đương ở Trung ương từ 50 - 60% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương từ 25 - 35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Bên cạnh đó, tại Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 19/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Chương trình Quốc gia về học tập ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019 - 2030” cũng đã xác định mục tiêu: Phấn đấu đến hết năm 2025 có 50% cán bộ, công chức ở Trung ương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi); 25% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện ở địa phương (tập trung vào cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng và tương đương trở lên dưới 40 tuổi) đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định; 60% viên chức và 50% viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt trình độ ngoại ngữ bậc 4 trở lên theo quy định...
Tuy nhiên, tại Quy định số 214-QĐ/TW và Quy định số 89-QĐ/TW của Bộ Chính trị chỉ yêu cầu trình độ tin học và ngoại ngữ cần thiết và phù hợp.
Do vậy, để phù hợp với thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, Bộ Nội vụ đề xuất không quy định cụ thể yêu cầu về trình độ tin học, ngoại ngữ tại dự thảo Nghị định này mà sẽ thực hiện theo quy định của từng Bộ, ngành, địa phương (kể cả trường hợp quy định sử dụng tiếng dân tộc thay cho tiêu chuẩn ngoại ngữ) cho phù hợp. Việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ ngoại ngữ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cấp theo yêu cầu của Nghị quyết số 26-NQ/TW và Quyết định số 1659/QĐ-TTg sẽ được triển khai theo kế hoạch riêng.