Giảm thuế giá trị gia tăng - 'Liều thuốc' kích thích sản xuất, kinh doanh

(PLVN) - Chiều 28/5, tại phiên thảo luận ở hội trường của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, gắn với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân phát biểu tại phiên họp.

Theo các đại biểu, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế thế giới có nhiều biến động bất ổn không thể lường trước, việc tiếp tục ban hành chính sách này có thể xem là một biện pháp hướng vào tiêu dùng nội địa nhằm thúc đẩy tăng trưởng, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% đã đề ra.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, việc tiếp tục giảm thuế GTGT là một trong những chính sách tài khóa có hiệu lực tức thời nhằm kích thích tiêu dùng.

Phân tích, Đại biểu chỉ rõ, thuế GTGT có phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi sản xuất - lưu thông - tiêu dùng, áp dụng cho cả tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.

Việc giảm thuế lần này càng có ý nghĩa khi đất nước bước vào giai đoạn chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp và sắp xếp lại bộ máy chính quyền. Ban Chấp hành khóa mới sẽ là lực lượng tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2025 - 2030.

“Việc giảm thuế GTGT như liều thuốc kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh, là sự động viên của Đảng và Nhà nước với người dân và doanh nghiệp khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới, tiến tới hoàn thành Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030”, Đại biểu nhấn mạnh.

Dẫn số liệu của Bộ Tài chính, Đại biểu cho biết, chính sách giảm thuế lần này dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 121 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, các năm qua, dù hỗ trợ người dân và doanh nghiệp qua giảm thuế GTGT, nhưng tổng thu ngân sách các năm sau đều cao hơn năm trước và đều thu vượt dự toán. Nhờ các chính sách kích thích kinh tế, tăng trưởng GDP trong 3 năm gần đây lần lượt đạt 8,54%; 5,47% và 7,09%.

Đại biểu cũng nhấn mạnh thành quả kiểm soát lạm phát trong nước, khi chỉ số giá tiêu dùng ba năm qua ổn định ở mức 3,15%, 3,25% và 3,65%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới. Điều này tạo dư địa thuận lợi để thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng, thúc đẩy đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Về thời gian áp dụng, Đại biểu Trần Khánh Thu đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế GTGT từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026, gấp 3 lần so với các năm.

Đại biểu cũng đồng tình với việc mở rộng đối tượng được giảm thuế GTGT, bổ sung thêm một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin; sản phẩm kim loại đúc sẵn; và cả xăng dầu – vốn thuộc nhóm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo Đại biểu, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay từ việc giảm giá hàng hóa, dịch vụ; còn doanh nghiệp được giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, qua đó tăng sức cạnh tranh và mở rộng hoạt động.

Cơ bản tán thành với các nội dung của dự thảo Nghị quyết, về thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng, Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) cũng bày tỏ tán thành với việc quy định thời gian áp dụng giảm thuế là đến hết ngày 31/12/2026.

“Giảm thuế trong thời gian ngắn chỉ áp dụng trong trường hợp cần giải quyết các vấn đề cấp bách, tức thời mà doanh nghiệp đang phải chống chọi, như trong thời gian xảy ra dịch COVID-19. Việc quy định thời gian áp dụng giảm thuế đến hết ngày 31/12/2026 là phù hợp, để doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, có định hướng chiến lược, quyết sách hoạt động trên cơ sở mức giảm thuế này”, Đại biểu nói.

Cùng với đó, Đại biểu Nguyễn Văn Thân cũng đề nghị đưa vào Nghị quyết quy định về trách nhiệm của cơ quan thu và cơ quan hoàn thuế GTGT. “Hiện nay, vấn đề này đang rất bức xúc trong doanh nghiệp vì lúc thu thì rất dễ nhưng lúc hoàn thuế thì rất khó”, Đại biểu cho hay.

Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu nêu tại phiên họp, về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa nhận, trong quá trình tổ chức thực hiện quy định về hoàn thuế GTGT, có trường hợp thời gian hoàn thuế dài hơn. Thời gian tới, các cơ quan sẽ đảm bảo thời gian hoàn thuế sớm nhất có thể cho các doanh nghiệp.

Đọc thêm