Giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam: Cần thay đổi ngay từ chính sách pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ thấp còi ở mức cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Theo số liệu thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 5 tuổi năm 2018 là 23%, tương ứng cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi.
Cần thay đổi chính sách thai sản để giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Báo DT và PT)
Cần thay đổi chính sách thai sản để giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Báo DT và PT)

Vẫn nhiều trẻ suy dinh dưỡng nặng

Con số trên được đưa ra tại Lễ tổng kết Dự án Happy Việt Nam ngày 30/7 vừa qua. Trong 3 năm triển khai từ tháng 7/2020 đến 7/2023, Dự án Happy Việt Nam đã được triển khai tại 7 tỉnh, thành có tỷ lệ trẻ mắc bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng cao như: Lào Cai, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong 3 năm, Dự án Happy Việt Nam đã khám tầm soát cho hơn 3.600 trẻ và tập huấn cho 1.300 giáo viên tiểu học, mẫu giáo, cho 3.600 phụ huynh học sinh và 200 nhân viên y tế, góp phần giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết sâu về các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, đồng thời có thể tầm soát sớm và chữa trị hiệu quả căn bệnh thấp còi, suy dinh dưỡng ở trẻ em.

Còn nhớ, tháng 11/2022, tại chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Việt Nam, Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell bên cạnh việc đánh giá cao Việt Nam với nhiều thành tựu đã đạt được trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cũng đồng thời lưu ý công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở Việt Nam vẫn còn đối mặt nhiều thách thức, đơn cử như vẫn còn tình trạng trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng.

Theo báo cáo của UNICEF tại Việt Nam, sự thiếu hụt về sức khỏe và dinh dưỡng có thể khiến 1,9 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, để lại tổn thương não và thể chất vĩnh viễn. Hậu quả của tình trạng thấp còi dẫn đến những khó khăn nhất định như khó khăn trong học tập của trẻ, thu nhập người dân thấp, sự tham gia của cộng đồng hạn chế và năng suất cũng như tăng trưởng chung của đất nước bị cản trở.

Theo Giám đốc điều hành UNICEF, tổ chức này đang vận động đưa điều trị suy dinh dưỡng nặng và suy dinh dưỡng mãn tính vào Chương trình bảo hiểm y tế quốc gia của Việt Nam và tăng cường trợ cấp trợ xã hội để ngăn ngừa suy dinh dưỡng trong trẻ em.

Tiến tới mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp thai sản

Từ ngày 1 - 7/8/2023 là Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ năm 2023 với chủ đề: “Tăng cường hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc”. Nhận thức được tầm quan trọng của sữa mẹ đối với sự phát triển của trẻ trong giai đoạn đầu đời, trong thời gian qua, một loạt chính sách hỗ trợ đã được triển khai như Bộ luật Lao động năm 2019 quy định thời gian nghỉ thai sản là sáu tháng và Luật Quảng cáo cấm tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ, tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đã được cải thiện từ 19% lên 45% trong vòng 10 năm (2010 - 2020).

Tuy nhiên, theo Tổng Điều tra dinh dưỡng 2019 - 2020, tỷ lệ trẻ được tiếp tục bú mẹ từ 12 đến 23 tháng tuổi không cải thiện và chỉ dừng ở mức 26% vào năm 2020. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ phụ nữ đi làm cao trên thế giới với 70% phụ nữ độ tuổi 15 - 64 tham gia lực lượng lao động và quay trở lại làm việc sau khi sinh con, đây là nguyên nhân lớn nhất khiến người mẹ dừng cho con bú.

Theo báo cáo của Alive & Thrive (Dự án tăng cường các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ thông qua việc tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ và cải thiện thực hành cho ăn bổ sung) vào ngày 2/8, ở Việt Nam có hơn 800.000 trẻ em Việt Nam trong số hơn 1,6 triệu trẻ sinh ra mỗi năm có mẹ không được hưởng chế độ thai sản. Việc này dẫn đến lao động nữ sẽ phải đi làm sớm để mưu sinh, phải cai sữa sớm, tăng nguy cơ suy dinh dưỡng cũng như bệnh tật cho trẻ và mẹ.

Theo Alive & Thrive, không người mẹ nào đáng bị đặt trong tình huống phải lựa chọn giữa bảo đảm thu nhập hay bảo đảm nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho con mình. Vì thế, Alive & Thrive và Nhóm công tác về dinh dưỡng Việt Nam (SUN CSA Việt Nam) cho rằng việc mở rộng chính sách thai sản và tạo môi trường làm việc thân thiện hơn với lao động nữ sẽ giúp mọi trẻ em Việt Nam sinh ra đều có khởi đầu dinh dưỡng tốt nhất.

Được biết, mặc dù chính sách thai sản của Việt Nam có rất nhiều điểm tiến bộ so với các quốc gia trong khu vực nhưng đối tượng thụ hưởng chính sách mới chỉ giới hạn trong khoảng 36% lao động nữ thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi đó Việt Nam là nước có tới 64% lao động nữ đang làm việc trong khu vực phi chính thức thuộc nhóm bảo hiểm tự nguyện.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung đã đưa vào quy định chế độ thai sản cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức hưởng trợ cấp thai sản một lần là 2 triệu đồng cho một trẻ, thay vì hiện nay họ không được hưởng chế độ này. Tuy nhiên, kể cả với chính sách mới này thì vẫn có tới khoảng 87% lao động nữ khu vực phi chính thức không có khả năng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, kéo theo là họ sẽ không được chế độ thai sản khi sinh nở.

Để giải quyết tình trạng này, theo SUN CSA Việt Nam, Chính phủ nên tính tới mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp thai sản này cho mọi phụ nữ sinh con bất kể có tham gia bảo hiểm xã hội hay không. Dự báo, Nhà nước sẽ cần chi khoảng 0,04% GDP vào năm 2020, giảm xuống 0,02% GDP vào năm 2030. Chi phí cho chính sách vẫn thấp hơn tổn thất về sức khỏe người mẹ và trẻ em phải gánh chịu khi lao động nữ không được nghỉ thai sản và duy trì bú mẹ được ước tính là 0,54% GDP (2 tỷ đô la) mỗi năm.

Ngày 10/4/2023, tại Tọa đàm về nghiên cứu phương án mở rộng chế độ thai sản trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của Việt Nam do Trung ương LHPN Việt Nam phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Hội LHPN TP HCM tổ chức, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội LHPN Việt Nam, bà Đàm Thị Vân Thoa nêu ý kiến, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng các chính sách bảo trợ, chính sách xã hội, cần quan tâm đến nhóm người lao động không tham gia BHXH bắt buộc cũng như tự nguyện để trẻ em khi sinh ra sẽ không phụ thuộc vào việc bố hay mẹ có tham gia BHXH hay không, vẫn được hưởng chế độ để bảo đảm sự chăm sóc tốt nhất.