Gian lận điểm trong kỳ thi THPT Quốc gia: Khi lời xin lỗi trở nên xa xỉ!

(PLO) - TS Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đã từ lâu, ai cũng biết tiêu cực xảy ra trong việc thi cử xảy ra ở tất cả mọi cấp, mọi nơi, chỉ là với những mức độ khác nhau và có bị phát hiện hay không mà thôi. Thế nhưng giữa cái “ai cũng biết” và “có bằng chứng” là một khoảng cách lớn. Vụ Hà Giang gây sốc bởi vì đó là bằng chứng, một bằng chứng không thể rõ ràng hơn về việc tham nhũng, bất công, đã chen vào học đường…
Hình minh họa
Hình minh họa

Xin lỗi, quá khó?

Có thể nói, trong suốt hai tuần qua, khi sự việc xấu xí hậu kì thi THPT quốc gia như lốc xoáy càn quét các tỉnh khu vực phía Bắc, hay khi những nghi vấn bất thường rộ lên, không một địa phương nào không khẳng định là “đúng quy trình”, nghiêm túc, an toàn tuyệt đối. Đơn cử như Hà Giang, dù Giám đốc Sở GD-ĐT Vũ Văn Sử đã biết vi phạm của ông Vũ Trọng Lương từ ngày 7/7/2018 và đã báo cáo cấp trên nhưng trong tất cả phát biểu về kỳ thi tại Hà Giang, ông Sử luôn khẳng định tính nghiêm túc trong mọi khâu!

Với Sơn La cũng vậy, ngày 19/7/2018, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT đã chia sẻ với báo chí: “Về kết quả điểm thi cao nổi bật so với các năm trước là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô, các em học sinh và ngành Giáo dục tỉnh nhà. Để đạt được kết quả như trên, bản thân tôi cũng rất vui mừng”.

Cũng ngày đó, ông khẳng định: “Toàn bộ quy trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh được thực hiện rất nghiêm ngặt, không hề có bất kỳ tiêu cực nào. Đến thời điểm này, qua báo cáo của các điểm thi, các tổ chấm cho thấy không có sự bất thường”.

Và khi sự việc được mang ra ánh sáng, là những vị đứng đầu ngành tại địa phương, không một vị lãnh đạo nào nhận lỗi về trách nhiệm của người đứng đầu.

Đồng thời, trước sai phạm trong chấm thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang và Sơn La, ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã trao đổi với báo chí về trách nhiệm của Bộ cũng như sẽ có chỉ đạo rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là quy trình chấm và bảo quản bài thi. Sau bài phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Nhà giáo, TS Toán học Lê Thống Nhất đã viết tâm thư gửi Bộ trưởng, đưa ra một số góp ý về kỳ thi THPT quốc gia.

TS Lê Thống Nhất nhấn mạnh, Bộ trưởng Nhạ đã rất nhấn mạnh việc “chỉ đạo giải quyết và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm” thông qua việc thành lập các tổ công tác để phối hợp với Bộ Công an tiến hành điều tra sự việc. Tuy nhiên, TS Lê Thống Nhất cũng cho rằng, bằng kiến thức rất đơn giản về thống kê thì lẽ ra Bộ GD-ĐT và đặc biệt là những cán bộ phụ trách thống kê điểm thi phải biết đầu tiên về những bất thường của điểm thi.

Thậm chí, “Sự việc ở Hà Giang đã được báo cáo về Bộ từ ngày 7/7/2018 nhưng không hiểu có tới Bộ trưởng hay không mà để Bộ trưởng khẳng định thành công của kỳ thi bởi không có sai phạm gì xảy ra?”, ông Nhất đặt câu hỏi.

Theo TS Lê Thống Nhất, quy trình tốt là để chống lại những hành vi tiêu cực của con người. Nếu con người vẫn gian dối được chứng tỏ quy trình chưa tốt và thậm chí là sai sót và kém. Để xảy ra tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La có 2 nguyên nhân. Trước hết là con người cố tình làm sai kể cả người nâng điểm, phi tang đĩa sao phiếu trả lời gốc và người giám sát.

Sau Hà Giang, Sơn La, Bộ GD-ĐT có kiên quyết để thay đổi (Ảnh minh họa)
Sau Hà Giang, Sơn La, Bộ GD-ĐT có kiên quyết để thay đổi (Ảnh minh họa)

Cũng theo vị chuyên gia giáo dục này, những tiêu cực trong một kỳ thi không phải chỉ ở khâu chấm thi. Tất cả các khâu khác như in sao đề thi, coi thi đều có thể tiêu cực nếu như ở những khâu này có những cán bộ cố tình tiêu cực và có cán bộ lơ là trách nhiệm giám sát.

Theo dõi trả lời phỏng vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trên các phương tiện thông tin đại chúng, TS Lê Thống Nhất bày tỏ: “Sự việc xảy ra ở các tỉnh với những kết luận ban đầu đã công bố là một thất bại nặng nề của một kỳ thi quốc gia và ai cũng thấy phẫn nộ, đau xót. Niềm tin vào một kỳ thi quan trọng với gần triệu thí sinh, hàng triệu người thân, hàng triệu giáo viên tự dưng tổn thương và mất mát. Tất cả đều chờ một câu xin lỗi”.

Thay đổi hay không?

Ở góc độ khác, TS Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, đã từ lâu, ai cũng biết tiêu cực xảy ra trong việc thi cử xảy ra ở tất cả mọi cấp, mọi nơi, chỉ là với những mức độ khác nhau và có bị phát hiện hay không mà thôi. Thế nhưng, giữa cái “ai cũng biết” và “có bằng chứng” là một khoảng cách lớn. Vụ Hà Giang gây sốc bởi vì đó là bằng chứng, một bằng chứng không thể rõ ràng hơn về việc tham nhũng, bất công, thối nát đã chen vào học đường và tạo ra tác hại như thế nào.

Theo TS Ly, có lẽ ít ai còn nhớ một chuyện tương tự đã xảy ra năm 2006 với Bạc Liêu. Hơn 1.300 trường hợp được nâng điểm, 74 người liên quan, trực tiếp môi giới, đưa nhận hối lộ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng, trong đó ngành GD-ĐT có 38 cán bộ, giáo viên. Đây là thông tin từ kết quả điều tra của Công an tỉnh Bạc Liêu liên quan đến vụ nâng điểm, nhận hối lộ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT 2005 - 2006, tại Sở GD-ĐT tỉnh Bạc Liêu.

Vụ việc xuất phát từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT 2005–2006 của tỉnh Bạc Liêu quá thấp. Để có kết quả “bằng bạn, bằng anh” so với các tỉnh, thành trong khu vực, hai ông Nguyễn Văn Tấn và Ngô Đoàn Nguyễn, Giám đốc và Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo nâng điểm cho 1.300 trường hợp, trong đó hệ THPT từ 57% lên 79%, hệ bổ túc từ 9% lên 50%.

Trong 1.300 trường hợp, bình quân mỗi trường hợp nâng từ 5–7 điểm, có một số trường hợp nâng trên 20 điểm. Vì thế, dẫn đến chuyện nực cười: Có nhiều học sinh kết quả 6 bài thi chỉ đạt 5 đến 7 điểm, có bài thi không có điểm nào vẫn đậu tốt nghiệp. Ông Nguyễn Văn Tấn, ngoài việc chỉ đạo trực tiếp nâng điểm, còn thừa nhận đã gửi hội đồng chấm thi “giúp đỡ” nâng điểm 21 trường hợp là con em người thân trong gia đình và một số quan chức tỉnh để “lấy lòng”.

Tuy nhiên, ở thời điểm năm 2006, thông tin không có điều kiện lan rộng như hiện nay, cho nên vụ việc chìm vào quên lãng. Những tác hại do việc đó gây ra đã không được mổ xẻ phân tích và phục vụ cho việc cải thiện hệ thống. Vì thế khi vụ điểm thi bất thường trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm nay và phổ điểm vô lý của Hà Giang diễn ra, người ta phải tự hỏi: còn bao nhiêu “Hà Giang” nữa chưa được phát hiện vì mức can thiệp vào điểm thi ít hơn nên không gây nghi ngờ?

Hà Giang chỉ trở nên nổi bật là do mức độ, quy mô của nó, và đặc biệt do có sự vào cuộc của những bên có trách nhiệm, cho nên xã hội mới có bằng chứng cụ thể.

Hiện dư luận có nhiều phương án về thi ĐH như: Giữ nguyên kỳ thi 2 trong 1; Quay trở về thời thi ĐH-CĐ 3 chung; Thành lập Trung tâm khảo thí và giao các trường ĐH tự tổ chức thi. Ngoài ra, có các phương án sau về thi tốt nghiệp: Giữ nguyên kỳ thi 2 trong 1, quay trở về thời thi tốt nghiệp riêng; Xét tốt nghiệp qua học bạ, hồ sơ hoặc giao cho các Sở tổ chức thi.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ, Phó Trưởng ban Nghiên cứu, Đánh giá giáo dục - Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho rằng, qua sự việc “gian lận điểm thi”, ngành Giáo dục cần phải thay đổi chính mình, nhằm lấy lại kỷ cương. Qua sự việc này, ngành Giáo dục cần coi là một “cú hích” để cả hệ thống, bao gồm cả ngoài ngành giáo dục cùng chung tay thay đổi mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành, nhằm lấy lại kỷ cương, động lực, làm tốt sự nghiệp “trồng người”.

Đọc thêm