Rà soát chấm thẩm định tiếp tại một số tỉnh có điểm thi cao bất thường

(PLO) - Sau Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, ngày 21/7/2018, 3 tổ chấm thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai chấm thẩm định tại các Hội đồng thi tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre - nơi có điểm thi cao mang dấu hiệu bất thường.
Ông Mai Văn Trinh thông tin về kết quả rà soát, chấm thẩm định tại Sơn La.
Ông Mai Văn Trinh thông tin về kết quả rà soát, chấm thẩm định tại Sơn La.

Sơn La: hàng chục bài thi có dấu hiệu sửa điểm

Đêm 21/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) thông tin tới báo chí cho biết, qua rà soát, với sự chủ trì của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La phối hợp với Tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã điều tra, xác minh làm rõ những dấu hiệu sai phạm. Bước đầu đã phát hiện những dấu hiệu sai phạm trong thực hiện quy chế thi, đặc biệt là ở khâu chấm thi, trong đó có dấu hiệu của sự can thiệp, làm thay đổi kết quả thi của thí sinh.

Hiện công an đang tích cực xác minh, điều tra làm rõ những sai phạm. Còn Bộ GD&ĐT đang tiến hành chấm thẩm định một số bài thi môn Văn. Trước đó, cơ quan công an cho biết đã phát hiện hàng chục bài thi ở Sơn La có dấu hiệu sửa điểm thi.

Như vậy, sau Hà Giang thì Sơn La là địa phương thứ hai bị phát hiện có gian lận sửa điểm. Sự việc cũng được phát hiện từ nghi ngờ điểm cao bất thường. Theo bảng thống kê trong top 15 thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm nay, có 2 thí sinh đến từ Sơn La là N.B.N và T.N.D. Đáng nói, điểm công bố của 2 thí sinh này đều cách xa so với điểm thi thử trước đó diễn ra tại trường.

Thêm nữa, khi chuyên gia phân tích kết quả dữ liệu điểm thi của Sơn La cũng thấy có nhiều bất thường khi số thí sinh được 9-9,8 điểm có tới 30 học sinh. Riêng với môn Lý, sự bất thường này còn cao hơn khi số học sinh có điểm 9.0 trở lên là 13 em. Tức là số thí sinh có điểm cao môn Vật lí ở Sơn La chênh lệch gấp 12 lần so với phân bố quốc gia.

Tại Lạng Sơn, chiều tối 21/7, tổ công tác của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Lạng Sơn cũng đã tổ chức họp báo công bố kết luận sơ bộ sau 3 ngày xác minh điểm thi bất thường tại tỉnh này. Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Tổ trưởng tổ công tác cho biết, tổ công tác đã rà soát phiếu trả lời trắc nghiệm gốc của 2 nhóm đối tượng gồm: tất cả thí sinh có điểm số cao của các bài trắc nghiệm ở các điểm thi và 35 thí sinh tự do có điểm cao tổ hợp 3 môn trên tại điểm thi số 1. Kết quả như sau, bài thi trắc nghiệm không có dấu hiệu bất thường. Kết quả đối với bài thi trắc nghiệm: 100% số bài thi sau chấm có điểm không thay đổi so với điểm thi mà hội đồng thi Sở công bố ngày 11/7.

Qua chấm thẩm định 51 bài Ngữ văn tự luận, có 43 trên 51 bài thi không thay đổi kết quả, có 8 bài giảm điểm, chiếm 15,7%. Trong đó có 4 bài thi giảm 1,25 điểm, 3 bài thi giảm 1,5 điểm, 1 bài thi giảm 1,75 điểm. Bài bị giảm 1,75 điểm thực chất chỉ giảm 1,25 so với điểm hội đồng chấm thẩm định. Lý do là khi cộng điểm cơ học thì cộng nhầm tăng của bài này lên 0,5 điểm. Từ kết quả rà soát, tổ công tác nhận định đến thời điểm xác minh chưa phát hiện dấu hiệu sai phạm trong công tác chấm thi của hội đồng thi Lạng Sơn. 

Có nên trả lại kì thi đại học?

Sau Hà Giang, một loạt các địa phương điểm cao bất thường đang được rà soát. Điều đáng nói, địa phương nào cũng khẳng định mình làm “đúng quy trình” trong mọi khâu của kì thi. Và nếu Bộ không xác minh tận nơi, cơ quan Công an không quyết liệt điều tra thì đã không có một Hà Giang “hô biến” điểm thi thần kì.

Như vậy, vấn đề không phải là quy trình, mà bởi con người. Sau 13 năm tổ chức kỳ thi đại học ba chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả thi), năm 2015 Bộ GD&ĐT bắt đầu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học.

Trong hai năm 2015-2016, thí sinh tập trung về một số cụm thi lớn, do các trường đại học chủ trì. Thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp sẽ do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì. Từ năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia đổi mới theo hướng trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Sở GD&ĐT tổ chức với sự tham gia của các trường đại học. Thí sinh thi ngay tại địa phương mình. 

Và năm 2018 này, kỳ thi xảy ra sự cố gian lận quy mô lớn ở Hà Giang. Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT xác định có 114 thí sinh với hơn 330 bài thi được nâng tổng điểm từ 1 đến 29,95. Sau Sơn La, Lạng Sơn thì đến lượt Hòa Bình, Lâm Đồng và Bến Tre… cũng bị rà soát do nghi vấn điểm thi của nhiều thí sinh cao bất thường. Đành rằng, thi tốt nghiệp THPT kiêm tuyển sinh đại học như hiện nay với mong muốn tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho xã hội, thí sinh không phải vất vả ùn ùn về các thành phố lớn dự thi, nhưng hai kỳ thi này khác nhau về bản chất.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, một kỳ thi chỉ để đánh giá mức độ hoàn thành mục tiêu chương trình học phổ thông, tốt nghiệp THPT, trong điều kiện thi nghiêm túc, có thể 100% thí sinh đạt điểm rất cao hoặc thậm chí điểm tối đa cũng không có vấn đề gì. Với tính chất như trên, kỳ thi tốt nghiệp THPT có thể giao hoàn toàn cho các Sở GD&ĐT tổ chức.

Khi đó, chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông được tổ chức tại các địa phương, còn kỳ thi tuyển sinh đại học do các đại học hoặc Bộ GD&ĐT, chuyện thao túng kết quả với mục đích giúp con em những người có tiền, có quyền bước chân vào đại học bằng mọi chiêu gian lận sẽ bị hạn chế.

Thậm chí, với tỷ lệ gần 100% thí sinh tốt nghiệp THPT thì không cần tới kì thi này nữa, chỉ nên giữ kì thi đại học. Thế nên, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra là, từ khi kì thi này được tổ chức tại địa phương, có bao nhiêu em trượt oan và đỗ cao bởi  những “phù phép” như Hà Giang? 

Theo thầy Lê Phạm Thành, Giáo viên giảng dạy môn Hoá học tại Học 24h (học24h.vn), Giám đốc công ty CP Đầu tư Giáo dục THÀNH ĐẠT thì Bộ GD&ĐT nên rà soát lại toàn bộ bài thi điểm từ 7 trở lên của kỳ thi THPT quốc gia 2018 trên phạm vi toàn quốc. Bởi lẽ, việc làm này giúp lấy lại niềm tin của nhân dân cả nước.

Nhân sự việc lần này, nếu Bộ GD&ĐT làm nghiêm sẽ thể hiện tinh thần cầu thị, biết lắng nghe và vì nhân dân, trả lại tính công bằng- minh bạch của kỳ thi. Qua đó giúp tuyển chọn được những học sinh xứng đáng, và loại bỏ những em không đủ năng lực. Đồng thời, qua việc làm này cũng giúp kiểm tra được tính nghiêm túc của bộ máy giáo dục, đặc biệt là ở các Sở GD&ĐT địa phương.

Ở góc độ khác, TS Toán Lê Thống Nhất đặt câu hỏi: Với những gì đang diễn ra, kết quả kỳ thi THPT quốc gia có đáng tin để xét tuyển đại học không? Với tốt nghiệp THPT: Bộ giao cho các Sở GD&ĐT thực hiện, thi hay xét chỉ còn là việc thống nhất, nếu xét mà vướng Luật Giáo dục hiện hành thì cũng xem nên sửa đổi Luật để thực hiện hay không? Với tuyển sinh đại học, cao đẳng: Bộ để các trường tự chủ. Các trường báo cáo phương án, Bộ xem xét điều chỉnh rồi duyệt. 

Tiếp tục “nỗi lòng” từ Hà Giang, thầy Trần Trung Hiếu, THPT chuyên Phan Bội Châu (Vinh- Nghệ An) bày tỏ: Phải cảm ơn Hà Giang, để giúp chúng ta “ngộ” ra rằng, việc học tập, thi cử bây giờ không đơn thuần chỉ là việc của học sinh và thí sinh. 

Từ Hà Giang, giúp Bộ GD&ĐT cần thẳng thắn, trung thực nhìn lại thực chất của kỳ thi “2 trong 1” và nhiều nhược điểm, sự bất cập của hình thức thi trắc nghiệm. Lâu nay người ta đã khen nhiều về cái gọi là sự “ưu việt”, “khách quan”, “an toàn”...!

Cuối cùng nhưng lại quan trọng nhất và quyết định nhất là công tác tổ chức cán bộ, là con người. Cảm ơn Hà Giang, vì biết đâu từ sau kỳ thi THPT quốc gia 2018, có thể có những thay đổi lớn. Dẫu là không nên kỳ vọng nhiều nhưng vẫn phải có chút hy vọng sau cơn mưa trời sẽ sáng hơn. Đôi khi trong cái rủi biết đâu lại có cái may, cái hay.

Chiều 22/7, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã công bố kết quả chấm thẩm định điểm thi của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 của tỉnh Lâm Đồng. 

Đoàn công tác đã chấm thẩm định 1.485 bài thi trắc nghiệm (môn Toán 497 bài, Ngoại ngữ 483 bài, Khoa học tự nhiên 350 bài và Khoa học xã hội 155 bài thi). 

Kết quả tất cả các bài thi được chấm thẩm định có số điểm trùng khớp với điểm thi của Hội đồng thi Sở GD&ĐT Lâm Đồng chấm và công bố. 

Đoàn công tác cũng kiểm tra quy trình chấm bài thi môn Ngữ văn với 64 bài thi. Theo hồ sơ lưu trữ, quy trình chấm bài thi môn Ngữ văn được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 25, chấm bài thi tự luận của Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia

Rà soát kết quả thi THPT quốc gia trên toàn quốc

Chiều 21/7, Bộ trưởng bộ GD&ĐT, Trưởng Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 Phùng Xuân Nhạ đã có công văn gửi Trưởng Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Trưởng Ban Chỉ đạo thi nghiêm túc rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức của kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi.

Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD&ĐT và căn cứ tình hình cụ thể  có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của quy chế và pháp luật.

Các địa phương triển khai công tác phúc khảo bài thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo theo kế hoạch tổ chức kỳ thi, đảm bảo đúng quy định của quy chế và quyền lợi chính đáng của thí sinh. Phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện tốt nhất để triển khai công tác chấm thẩm định theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.

Tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2018 theo tinh thần trung thực, nghiêm túc, báo cáo Bộ GD&ĐT; đồng thời phổ biến, quán triệt, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn các kì thi tiếp theo.

Quy trình chấm thẩm định giống như chấm lần đầu

Theo  ông Trần Văn Nghĩa,  Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), chấm thẩm định là một khâu bình thường của một kỳ thi. Trong một kì thi có việc chấm thi, chấm phúc khảo và chấm thẩm định. Thực hiện chấm thẩm định cũng giống như là lúc chấm thi bình thường. Quy trình chấm thi như thế nào, thì chấm thẩm định cũng như vậy. 

Về sử dụng kết quả chấm thẩm định, trong Quy chế thi THPT quốc gia đã quy định: Hội đồng chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT có thẩm quyền quyết định cuối cùng về điểm chính thức của bài thi. Nghĩa là căn cứ thực tế kết quả chấm sẽ quyết định lấy điểm nào (điểm gốc hay điểm sau khi chấm thẩm định) là điểm chính thức của bài thi.

Hội đồng chấm thẩm định sẽ dùng con dấu của Cục Quản lý chất lượng để thực hiện việc chấm thẩm định. Tất cả những vấn đề này đều quy định trong Điều 31 của Quy chế thi THPT quốc gia. Như vậy, có thể nói chấm thẩm định là một khâu quan trọng của kỳ thi và mục đích của chấm thẩm định để Bộ GD&ĐT có cơ sở đánh giá tổng thể về chất lượng của công tác chấm thi.

Đọc thêm