Gian nan xử lý văn bản trái pháp luật

(PLO) - Một trong những phương hướng hoạt động năm 2017 của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp được đề ra từ đầu năm là sẽ tập trung mạnh vào khâu xử lý văn bản sai và phương châm khi thực hiện là “vào cuộc kịp thời, xem xét thận trọng, kết luận phải chính xác, xử lý phải quyết liệt”. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, việc xử lý văn bản đã có kết luận/thông báo trái pháp luật lại không hề là công việc dễ dàng, nếu thiếu sự tích cực từ các bộ, ngành, địa phương.
Gần 2 năm sau khi được đề nghị, Bộ GTVT mới sửa đổi quy định liên quan đến việc hãng hàng không được miễn trừ các nghĩa vụ phục vụ hành khách khi trễ chuyến bay kéo dài.Ảnh minh họa.
Gần 2 năm sau khi được đề nghị, Bộ GTVT mới sửa đổi quy định liên quan đến việc hãng hàng không được miễn trừ các nghĩa vụ phục vụ hành khách khi trễ chuyến bay kéo dài.Ảnh minh họa.

Gần hai năm mới xử lý văn bản sai

Ngày 29/8/2014, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư số 36/2014/TT-BGTVT quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại cảng hàng không, nêu rõ các hãng hàng không phải có trách nhiệm cung cấp nước uống, đồ ăn, chỗ nghỉ cho hành khách trong trường hợp trễ chuyến kéo dài. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2014, Thông tư 36 ban hành trong bối cảnh các hãng hàng không có nhiều chuyến bay bị chậm trễ chuyến.

Cụ thể, nếu trễ chuyến quá 15 phút, hãng hàng không phải thông báo cho hành khách lý do, thời gian cất cánh dự kiến hoặc kế hoạch thay thế, kế hoạch phục vụ hành khách, bộ phận trợ giúp hành khách…

Trường hợp hành khách đã được xác nhận chỗ trên chuyến bay nhưng việc vận chuyển bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến, hãng hàng không có trách nhiệm phục vụ hành khách theo quy định như sau: Thời gian chậm từ hai giờ phải phục vụ nước uống nhẹ. Từ ba giờ trở lên phải phục vụ ăn, uống với loại bữa ăn theo thời điểm: Từ 6 giờ đến 8 giờ phục vụ bữa sáng; từ 12 giờ đến 14 giờ phục vụ bữa trưa; từ 19 giờ đến 21 giờ phục vụ bữa tối. Từ sáu giờ trở lên (từ 7 giờ đến trước 22 giờ) phải bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của cảng hàng không. Chậm sáu giờ trở lên (từ 22 giờ hôm trước đến trước 7 giờ ngày hôm sau) phải bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách.

Có điều, Thông tư 36 cũng cho phép hãng hàng không được miễn trừ các nghĩa vụ trên nếu rơi vào các trường hợp điều kiện thời tiết và nguy cơ an ninh ảnh hưởng đến chuyến bay, hay chuyến bay không thể thực hiện được do quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải do lỗi của hãng vận chuyển. Trong khi đó, nếu đến muộn hơn một chút so với giờ đóng cửa quầy làm thủ tục (40 phút), hành khách sẽ bị mất vé và không được hoàn lại (trừ một số loại vé cho phép hoàn)… Không những thế, với mức bồi thường, hỗ trợ theo quy chuẩn hiện nay được các hãng hàng không áp dụng thì nhiều ý kiến cho rằng là quá thấp, “chẳng thấm vào đâu”, còn hành khách phải chịu đựng tổn thất trong mỗi lần chuyến bay bị hủy hoặc chậm chuyến là rất lớn.

Qua kiểm tra, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có Thông báo số 296/KTrVB-KT ngày 26/10/2015 cho rằng, Thông tư 36 quy định hãng hàng không được miễn trừ việc thực hiện nghĩa vụ tại các điểm b, c, d khoản 3 Điều 7 trong các trường hợp điều kiện thời tiết, nguy cơ an ninh, chuyến bay không thể thực hiện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 145 Luật Hàng không dân dụng, đồng thời chưa phù hợp với Điều 19, khoản 1 Điều 20 Công ước Vacsava. Sau đó, ngày 7/4/2017, Bộ Tư pháp có công văn đôn đốc và Bộ Giao thông Vận tải phản hồi sẽ sửa đổi, bổ sung Thông tư 36. Ngày 28/8/2017, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) Trần Bảo Ngọc cho biết, ngày 25/8 vừa qua Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 27/2017/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 và đã tiếp thu, xử lý nội dung này.

Vẫn còn một số văn bản trái pháp luật chưa xử lý dù đã đôn đốc nhiều lần

Tuy chậm song dù sao Thông tư 36 đã được cơ quan có liên quan tiếp thu, xử lý, chứ thời gian vừa qua vẫn tồn tại một số văn bản đã có thông báo, kết luận là trái pháp luật mà chưa được xử lý. Theo kết quả công tác năm 2016, trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan cấp bộ và địa phương ban hành gửi đến Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật  để kiểm tra theo thẩm quyền và từ nguồn thông tin do công dân, tổ chức, báo chí phản ánh, Cục đã tiến hành kiểm tra 3.034 văn bản, đã phát hiện 124 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền và 681 văn bản sai sót về thể thức, kỹ thuật.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 1.582 văn bản (gồm 197 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1.385 văn bản của địa phương); qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền (gồm 12 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 27 văn bản của địa phương). Ngoài ra, Cục còn phát hiện 418 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức, kỹ thuật trình bày. Công tác theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật được Cục chú trọng đẩy mạnh nhằm đảm bảo trái phát luật được xử lý nghiêm túc theo quy định. 

Bên cạnh đó, trên cơ sở theo dõi, Cục đã xây dựng, trình Lãnh đạo Bộ ban hành Công văn số 1149/BTP-KTrVB ngày 07/4/2017 của Bộ về việc đôn đốc, đề nghị 06 bộ và 17 địa phương khẩn trương xử lý, thông tin về Bộ Tư pháp kết quả xử lý đối với 52 văn bản trái pháp luật đã có thông báo/kết luận của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhưng chưa được xử lý; tham mưu, giúp Bộ trưởng báo cáo đề nghị Thủ tướng xử lý đối với 19 văn bản trái pháp luật (gồm 06 văn bản của cơ quan cấp bộ và 13 văn bản của cấp tỉnh); ban hành Công văn số 238/KTrVB-KGVX  ngày 01/6/2017 của Cục gửi các địa phương để đề nghị kiểm tra, xử lý sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật.

Song song với việc triển khai kiểm tra văn bản theo các chuyên đề nội vụ; lao động, thương binh và xã hội; giao thông vận tải theo kế hoạch đề ra, trên cơ sở phát hiện qua công tác kiểm tra, Cục đã tiến hành kiểm tra theo chuyên đề đối với nhóm văn bản của các địa phương liên quan đến việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, quy định về xét và cấp thẻ ABTC; tổ chức đoàn công tác liên ngành của Bộ thực hiện việc kiểm tra văn bản theo địa bàn kết hợp kiểm tra công tác soạn thảo, ban hành, kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại 03 địa phương: Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên.

Đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền đã được Cục phát hiện và kết luận trong 6 tháng đầu năm, tại cuộc họp diễn ra hôm qua (28/8) dưới sự chủ trì của Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã thông báo tiến độ xử lý. Trong số có 19 văn bản thuộc danh mục đôn đốc thì đã có 9 văn bản được xử lý, như vậy vẫn còn 10 văn bản của bộ, ngành, địa phương đang trong quá trình xử lý.

Theo Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Nguyễn Thị Thu Hòe, hạn cuối mà Bộ Tư pháp phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ là ngày 30/9/2017 nên đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có giải pháp tích cực để Bộ Tư pháp tổng hợp báo cáo Thủ tướng đúng hạn.

Đọc thêm