'Giao Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ là cần thiết'

(PLVN) - Các đại biểu tán thành quy định Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với một số trường hợp cụ thể.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh phát biểu tại phiên họp.

Chiều 3/6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đoàn Đồng Tháp) và nhiều đại biểu khác đồng tình bổ sung các chức danh Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao vào đối tượng cảnh vệ.

“Quy định như vậy là phù hợp, kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các lãnh đạo cấp cao theo Kết luận số 35 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”, Đại biểu Nguyễn Hải Anh nói.

Cùng với đó, các đại biểu cũng tán thành quy định Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại dự thảo Luật.

Theo Đại biểu Lê Nhật Thành (Đoàn Hà Nội), công tác cảnh vệ luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Ngoài bảo đảm an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ còn phục vụ tích cực công tác đối ngoại, hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Đại biểu nhấn mạnh, để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Luật đã giới hạn rõ các trường hợp cấp thiết mà Bộ trưởng Bộ Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi “bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng cho rằng việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết để đảm bảo việc trao quyền cho các lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp cảnh vệ trong trường hợp khẩn cấp, đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi sự linh hoạt nhanh chóng, kịp thời của công tác cảnh vệ.

Tuy nhiên, theo Đại biểu, với mục tiêu mà điều luật nêu ra là để bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và đảm bảo công tác đối ngoại thì đây đều là những mục tiêu rất lớn, có ảnh hưởng đến chính trị quốc gia.

Vì vậy, theo Đại biểu, với trường hợp cấp thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia, để đảm bảo công tác đối ngoại, ngoài giao trách nhiệm cho Bộ trưởng Bộ Công an, vẫn cần có cơ chế thống nhất và báo cáo trong các trường hợp này để tăng sự cẩn trọng và sự lựa chọn tối ưu cho các quyết định.

“Có thể xem xét đến trách nhiệm của các cơ quan trọng yếu có liên quan đến những trường hợp này như là Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao. Bên cạnh đó, nên xem xét bổ sung một số tiêu chí để xác định rõ trường hợp cần thiết theo quy định là những trường hợp nào”, Đại biểu nói.

Đọc thêm