Theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, tới đây sẽ thực hiện phân cấp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông. Theo đó, quốc lộ, cao tốc đi qua tỉnh nào thì giao tỉnh đó làm chủ đầu tư. Khi đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Đây được cho là giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu phát triển 5.000km cao tốc đến năm 2030.
Nhiều địa phương làm tốt
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Quang Ninh về thực hiện dự án giao thông đầu tư theo phương thức PPP. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, năm 2014 là năm đầu tiên Chính phủ đồng ý để Quảng Ninh thực hiện cao tốc theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Từ đó đến nay, tỉnh này đã thực hiện thành công 7 dự án (tổng vốn hơn 43.000 tỷ đồng), gồm cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long…
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, hiện các cơ quan trung ương đang nghiên cứu, phối hợp tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội sớm thông qua nghị quyết để tạo cơ sở cho các địa phương làm đường cao tốc sử dụng ngân sách nhà nước. Do đó, kinh nghiệm của Quảng Ninh là thực tiễn rất quý báu.
Theo tìm hiểu của PLVN, không chỉ ở Quảng Ninh, một số địa phương khác cũng đứng ra giữ vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền (CQNNCTQ) trong việc triển khai dự án cao tốc. Trước đây, dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn do Bộ GTVT là CQNNCTQ. Sau khi Tập đoàn Đèo Cả trở thành nhà đầu tư, UBND tỉnh Lạng Sơn được giao là CQNNCTQ thay Bộ GTVT.
Trao đổi với PLVN, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, khi UBND tỉnh Lạng Sơn giữ vai trò quản lý nhà nước với dự án, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai rất nhanh, các thủ tục khác cũng được giải quyết sớm, giúp chủ đầu tư sớm triển khai dự án. Kết quả, chưa đầy hai năm, dự án cao tốc này đã hoàn thành – là dự án cao tốc hoàn thành nhanh nhất ở Việt Nam.
Cũng theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, tại dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, kể từ khi UBND tỉnh Tiền Giang giữ vai trò là CQNNCTQ, các thủ tục hành chính liên quan đến dự án, vấn đề giải phóng mặt bằng được xử lý nhanh hơn. “Dự án đi qua địa bàn tác động trực tiếp đến lợi ích kinh tế, xã hội của địa phương nên lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao trong quá trình thực hiện” - vị này nói.
Gỡ vướng mắc để giao quyền cho địa phương
Chia sẻ với PLVN, lãnh đạo Công ty Cầu 75 cho rằng, khi địa phương làm chủ đầu tư hoặc CQNNCTQ thì nhà thầu dự án dễ làm việc hơn vì ở các địa phương không có nhiều dự án trọng điểm. Trong khi Bộ GTVT phụ trách nhiều dự án, nhân lực hạn chế nên việc phối hợp khi sự cố phát sinh thường chậm hơn.
“Vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng, nếu ở địa phương thì lãnh đạo địa phương xử lý rất nhanh, thẩm quyền ở trong tay họ. Trong khi vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng ở cao tốc Bắc – Nam như hiện nay đã kéo dài khá lâu mà Bộ GTVT chưa xử lý được” - lãnh đạo Công ty Cầu 75 nêu ví dụ.
Còn theo ông Hoàng Văn Bình - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh, nhà thầu ở địa phương này không bao giờ lo khan hiếm nguồn vật liệu làm cao tốc, do tỉnh giao thẳng các mỏ vật liệu cho chủ đầu tư, có đơn giá cụ thể cho từng mỏ, từng khu vực.
Theo ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT), Luật PPP quy định, Thủ tướng Chính phủ là người quyết định giao cho bộ, ngành hay địa phương làm CQNNCTQ đối với các dự án hạ tầng đầu tư theo hình thức PPP. Tới đây, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu để tham mưu Chính phủ xây dựng các tiêu chí cụ thể về việc phân cấp, ủy quyền cho từng địa phương làm CQNNCTQ ở các dự án cao tốc triển khai theo hình thức PPP.
Ông Nguyễn Viết Huy cũng cho rằng, vướng mắc hiện nay khi phân cấp cho địa phương làm CQNNCTQ thực hiện dự án PPP là phần vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương tham gia vào dự án. Bởi trong Luật Ngân sách quy định rõ, ngân sách trung ương sẽ chi cho các dự án do Trung ương đầu tư, còn các dự án do địa phương thực hiện sẽ dùng ngân sách của địa phương. “Để tháo gỡ vướng mắc này, sắp tới, Chính phủ sẽ phải trình Quốc hội ban hành nghị quyết riêng để thực hiện”, lời ông Huy.