Cty CP XNK Tổng hợp 1 (TH1) trước CPH là DNNN thuộc Bộ Công Thương; năm 2006 đã cổ phần hóa và niêm yết giao dịch tập trung trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội từ tháng 11/2009. Gần đây, khi theo dõi một số giao dịch cổ phiếu TH1 không ít người nhận thấy dường như có mưu mô làm thất thoát tiền Nhà nước…
Thoái vốn…
Tại Cty CP XNK Tổng hợp 1, có một cổ đông lớn là Cty CP chứng khoán bảo Việt (BVSC), sở hữu 968.636 cổ phiếu (CP) TH1, tương đương 7,69% khối lượng đang lưu hành.
Ngày 25/12/2012, BVSC thông báo bán ra 100.000CP TH1, thực hiện giao dịch trên sàn HNX từ ngày 28/12/2012 đến ngày 4/1/2013 với lý do công bố là cơ cấu danh mục đầu tư nhưng trao đổi với TH1, lý do lại là “để cân chỉnh sổ sách tại thời điểm 31/12/2012”. Điều đáng lưu ý là, trên bảng điện tử giao dịch của sàn HNX vào những ngày này đã…không có bất cứ chào bán nào của BVSC và do vậy, không có CP nào được bán thành công.
Đến ngày 14/1/2013, BVSC lại công bố bán ra toàn bộ 968.636 CP TH1, thời gian giao dịch từ 18/1/2013 đến 18/2/2013, phương thức giao dịch trên sàn HNX. Nhưng, khoảng thời gian này lại có kỳ nghỉ Tết âm lịch 9 ngày và 6 ngày nghỉ cuối tuần, thời gian còn lại để thực hiện giao dịch là rất ngắn, nếu không có lựa chọn nhà đối tác mua từ trước rất khó thực hiện bán ra được toàn bộ 968.636 CP.
…mặc kệ tiền Nhà nước
Biết tin thoái vốn của BVSC, TH1 phát văn bản đề nghị được cùng thảo luận, xin được quyền ưu tiên mua lại toàn bộ số CP mà BVSC dự định bán ra nhưng mong muốn này không được đáp ứng.
BVSC cũng “không để ý” những khuyến cáo của Bộ Công Thương, UBCKNN và những chỉ đạo từ Bộ Tài chính cũng như đề nghị dành quyền ưu tiên mua vào cho TH1.
Dư luận cũng đặt câu hỏi, tại sao BVSC không có ý định chào bán công khai CP TH1 – như quy trình chào bán tài sản thông thường ở các Cty niêm yết? |
Mối nghi ngờ về việc dùng chiêu bài “thoái vốn” của BVSC nhằm mở “rộng đường” cho những mưu mô thâu đoạt tiền Nhà nước càng nổi lên nếu người ta xem xét kỹ một số dấu hiệu khác thường quanh CP TH1.
Trước tiên, BVSC cung cấp cho TH1 thông tin rằng có nhà đầu tư đặt mua CP TH1 giá trên 30.000đ/CP và bản thân BVSC kỳ vọng bán ra ở mức 39.000đ/CP. Trong khi đó, giá vốn đầu tư CP TH1 của BVSC không thấp hơn 33.000 đ/CP còn giá tiềm năng của CP này là khoảng 35.000đ/CP. Thế nhưng, cuối cùng thì BVSC đã… bán cho đối tác cá nhân 968.636 CP TH1 chỉ với giá 28.000đ/CP. Như vậy, đặt giả thiết chỉ bán được với mức giá tiềm năng, khoảng 35.000 đ/CP, chênh lệch 7.000 đ/CP, thì với 968.636 CP TH1, đã có gần 7 tỷ đồng “bốc hơi” sang túi cá nhân một cách quá dễ.
Được biết, BVSC có đại diện là thành viên HĐQT tại TH1, có điều kiện nắm rõ các số liệu về giá trị và hiệu quả khai thác tài sản của TH1 đang đầu tư (nhất là tài sản cố định và tài chính) bao gồm giá gốc, hệ số sinh lời cũng như giá trị trên thị trường hiện tại. Tại sao với một lý do rõ ràng như “thoái vốn”, BVSC lại “tiền hậu bất nhất” khi thông báo với TH1 rằng chỉ “cân chỉnh sổ sách”? Liệu có khả năng đây chỉ là một công bố có chủ ý không thực hiện, nhằm giải thích (cho nội bộ BVSC) là CP TH1 thanh khoản kém, không có nhà đầu tư quan tâm?
Dư luận cũng đặt câu hỏi, tại sao BVSC không có ý định chào bán công khai CP TH1 – như quy trình chào bán tài sản thông thường ở các Cty niêm yết, có yêu cầu minh bạch giao dịch – đặc biệt khi BVSC là DN có vốn đầu tư của Nhà nước (Tập đoàn Bảo Việt) trên 35%? Việc bán dưới giá vốn nhưng với khối lượng lớn trong khi hoàn toàn có điều kiện bán với giá cao hơn đặt ra cho BVSC một câu hỏi: Đã có đầy đủ trách nhiệm với đồng vốn của cổ đông, trong đó có cổ đông Nhà nước, hay chưa?
Với một giao dịch chuẩn nhưng có nhiều “chuyện lạ” như đã nói, rõ ràng, Ủy ban CK Nhà nước cần chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra, thanh tra làm rõ những động cơ thiếu trong sáng, bảo đảm minh bạch và ổn định cho thị trường chứng khoán.
Thành Nhân