Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 63 Điều quy định về các quy định chung; bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm; xử lý tài sản bảo đảm và điều khoản thi hành.
Theo dự thảo, một nghĩa vụ có thể được bảo đảm bởi một hoặc nhiều biện pháp bảo đảm; việc thực hiện trước một hoặc một số biện pháp đã đủ để thanh toán nghĩa vụ được bảo đảm thì không thực hiện biện pháp còn lại.
Trường hợp bảo đảm nhiều nghĩa vụ thì bên nhận bảo đảm đang giữ bản chính Giấy chứng nhận có nghĩa vụ giao Giấy chứng nhận hoặc thực hiện nghĩa vụ khác để bên nhận bảo đảm khác thực hiện được quyền, nghĩa vụ liên quan, bên bảo đảm, người có quyền khác hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đang giữ bản chính Giấy chứng nhận có nghĩa vụ giao lại Giấy chứng nhận ngay cho bên nhận bảo đảm sau khi thực hiện xong thủ tục theo quy định của pháp luật; trường hợp tài sản bảo đảm là phương tiện giao thông hoặc động sản khác thì bên bảo đảm có thể dùng bản sao Giấy chứng nhận trong sử dụng, lưu hành tài sản.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, về cơ bản các ý kiến góp ý nhất trí với các nội dung của dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, về trường hợp tài sản đã được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đang là vật chứng, tang vật hoặc bị kê biên trong giải quyết vụ việc về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hoặc thi hành án tại thời điểm có căn cứ xử lý tài sản bảo đảm, hiện có 02 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với Phương án 1 và cho rằng, việc giải quyết trường hợp này phải bảo đảm theo quy định của luật về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hoặc thi hành án. Tuy nhiên, Nghị định cũng cần có cơ chế pháp lý cụ thể về việc cơ quan, người có thẩm quyền giao lại tài sản bảo đảm cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản thông qua cơ chế bên nhận bảo đảm được nhận trực tiếp tài sản bảo đảm từ cơ quan có thẩm quyền.
Ý kiến này lập luận, Nghị định quy định về vấn đề này trên nguyên tắc tuân thủ quy định của luật về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hoặc thi hành án trong việc giao lại tài sản đang là vật chứng, tang vật hoặc bị kê biên, Nghị định chỉ quy định về việc cơ quan, người có thẩm quyền giao lại tài sản bảo đảm cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản thông qua cơ chế bên nhận bảo đảm được nhận trực tiếp tài sản bảo đảm từ cơ quan có thẩm quyền. Cơ chế pháp lý này không làm xáo trộn về thủ tục giao lại tài sản đã được quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng, thi hành án và cũng không làm phát sinh thủ tục mới về giao lại tài sản do chủ thể thuộc diện được nhận lại tài sản bảo đảm vẫn là chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản nhưng việc nhận lại này được thực hiện thông qua bên nhận bảo đảm;
Chính phủ hướng dẫn cơ chế pháp lý về vấn đề này cũng là cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là “cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực” (khoản 3 Điều 3 BLDS). Trong đó, chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp tài sản mặc dù thuộc diện được cơ quan có thẩm quyền giao lại tài sản theo quy định của luật về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hoặc thi hành án nhưng họ lại không đến nhận lại tài sản hoặc không hợp tác trong việc giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm xử lý thì cần phải xác định đó là hành vi thiếu sự thiện chí, trung thực.
Trong thực tiễn tố tụng, một số cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý vụ án hình sự cũng đã thực hiện giao tài sản đã được dùng để bảo đảm nghĩa vụ mà trở thành vật chứng trong quá trình xử lý vụ án hình sự cho bên nhận bảo đảm để xử lý.
Loại ý kiến thứ hai nhất trí với Phương án 2 và cho rằng, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Thi hành án dân sự đều không có quy định về việc cơ quan, người có thẩm quyền trả lại hoặc giao lại tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm. Do vậy, sẽ không có căn cứ (cơ sở) để Chính phủ quy định chi tiết thi hành nội dung này.
Trên cơ sở 02 loại ý kiến nêu trên, Dự thảo Nghị định thể hiện 2 phương án về vấn đề này và đang thực hiện đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.