Giao xe máy cho thiếu niên sử dụng: Thương con cũng cần thương đúng cách

(PLVN) -  Dù các cấp, các ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông nhưng nhiều phụ huynh dường như vẫn chưa quan tâm đến việc không nên giao xe máy cho con em mình sử dụng khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe theo quy định…

Tiềm ẩn nhiều hệ lụy

Hiện nay, không quá khó để bắt gặp cảnh thanh, thiếu niên, học sinh trung học phổ thông điều khiển xe máy trên 50 phân khối dù chưa đủ tuổi để điều khiển xe theo quy định tham gia giao thông. Theo ghi nhận của PV tại một số điểm trường THPT trên địa bàn TP Cần Thơ, không ít người điều khiển xe mang đồng phục học sinh nhưng có dấu hiệu vi phạm một lúc nhiều lỗi hành chính như: chưa đủ điều kiện (chưa đủ 18 tuổi) điều khiển xe máy trên 50 phân khối, không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều...

Không chỉ thế, trên một số cung đường vắng, nhiều thanh, thiếu niên còn tụm thành nhóm rồi “thể hiện” bản thân bằng cách điều khiển xe máy với tốc độ cao, nẹt pô, lạng lách… gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn tai nạn.

Theo thống kê từ Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt Công an TP Cần Thơ (PC08), trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng CSGT trên toàn TP đã phát hiện và xử lý 690 trường hợp chưa đủ tuổi tham gia giao thông. Riêng trong đợt cao điểm tháng 9, đã xử lý 149 trường hợp vi phạm liên quan đến học sinh, sinh viên; tạm giữ phương tiện 6 trường hợp.

Biện minh cho những lỗi trên, nhiều ý kiến cho rằng, việc trang bị xe máy cho học sinh giúp các em thuận tiện hơn, đỡ vất vả hơn trong việc đi học hoặc “để bằng bạn bằng bè”...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với việc trên và cho rằng, việc trang bị xe máy cho học sinh là thực trạng tiềm ẩn nhiều hệ lụy khôn lường.

Chia sẻ với PV về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Nam (53 tuổi, phụ huynh học sinh tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) nói: “Vẫn biết cha mẹ nào cũng yêu thương con, nhưng phải biết dạy con nên làm gì và không nên làm gì, đặc biệt là trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Do đó, cần phải cân nhắc trước khi trang bị, giao xe máy cho con em mình điều khiển, đừng để có chuyện xảy ra lại hối hận không kịp”.

Tương tự, ông Trần Văn Toàn (ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) chia sẻ: “Thời gian qua, không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra ở lứa tuổi học sinh và thanh, thiếu niên, qua đó đã để lại nhiều hệ lụy đáng buồn; nhẹ thì xe bị hư hỏng, nặng nề hơn là mất cả tính mạng hay bị thương tật vĩnh viễn. Tôi nghĩ đây vẫn là vấn đề mà các bậc làm cha mẹ cần phải thực sự lưu tâm, để ý”.

Gia đình là nơi quản lý, giám sát hiệu quả nhất

Không thể phủ nhận rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông là khâu quan trọng trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các em học sinh, đồng thời cũng là giải pháp căn cơ để hạn chế thực trạng nêu trên. Do đó, thời gian qua, Phòng PC08 Công an TP Cần Thơ đã đẩy mạnh phối hợp cùng các điểm trường trên địa bàn TP, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền trực tiếp nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên… và triển khai hoạt động trao mũ bảo hiểm cho các em học sinh.

Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp tổ chức ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông đối với 175 học sinh, giáo viên; phụ huynh ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên khi chưa đủ điều kiện điều khiển.

Theo Thượng tá Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng PC08 Công an TP Cần Thơ, với những kết quả đã đạt được, thời gian tới, không chỉ riêng Phòng PC08 mà lực lượng CSGT trên toàn TP vẫn sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm công tác xử lý các hành vi vi phạm đối với trường hợp học sinh, sinh viên và thanh, thiếu niên điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe. Đồng thời, tăng cường phối hợp với Ban Giám hiệu các điểm trường trên địa bàn TP nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để các em có nhận thức sâu sắc hơn về việc đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của bản thân và người khác.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, các ngành thì việc gia đình cùng giáo dục con em vẫn là yếu tố quan trọng, góp phần giải quyết dứt điểm thực trạng nêu trên.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, ở độ tuổi phát triển về nhận thức và thể chất, đa phần các em học sinh, thanh, thiếu niên thường có tâm lý háo thắng, thích thể hiện trước bạn bè nên dễ dẫn đến những suy nghĩ và hành động nông nổi. Do đó, gia đình vẫn là nơi quản lý sát sao nhất. Thông qua sự truyền tải nhận thức từ cha mẹ và người thân, các em sẽ dễ tiếp thu và chịu sự giám sát liên tục, thường xuyên.

Bản thân phụ huynh cũng cần hiểu rằng, việc trang bị, giao xe máy, xe máy điện vận tốc lớn cho con trẻ điều khiển khi chưa đủ tuổi cũng là vi phạm và vô tình “tiếp tay” làm tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Đây là vấn đề mà các bậc phụ huynh cần thực sự lưu tâm, suy ngẫm bởi thương con cũng cần thương đúng cách.

Điểm đ khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP

5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng).

Đọc thêm