Tỷ lệ sinh thấp kỷ lục
Đầu năm 2024, Hệ thống bán lẻ Gmarket Hàn Quốc cho biết, doanh số bán xe đẩy dành cho thú cưng trong quý 1 đến quý 3 năm 2023 đã vượt doanh số bán xe đẩy trẻ em lần đầu tiên trong lịch sử. Tỷ trọng doanh số bán xe đẩy thú cưng tăng nhẹ lên 33% vào năm 2021 và 36% vào năm 2022, sau đó tăng mạnh lên 57% trong quý 1 đến quý 3 năm 2023. Ngược lại, xe đẩy cho trẻ sơ sinh đã giảm còn 67% vào năm 2021 và 64% vào năm ngoái, xuống còn 43% vào năm nay.
Số liệu này đồng nghĩa với số lượng hộ gia đình có thú cưng tại Hàn Quốc ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh giảm - vấn đề đang gây đau đầu cho giới chức trách tại Hàn Quốc những năm qua. Theo đó, tỷ lệ sinh Hàn Quốc vốn thấp nhất thế giới, tiếp tục giảm đáng kể năm 2023. Thông qua số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ sinh ở nước này, hay số con mà một người phụ nữ dự định có trong đời, giảm xuống 0,72 vào năm 2023, hay giảm gần 8% so với năm trước đó. Con số này thấp hơn nhiều so với tỉ lệ sinh 2,1 trẻ em cần thiết để duy trì dân số hiện tại của Hàn Quốc là 51 triệu người.
Đáng chú ý, không chỉ tại Hàn Quốc, làn sóng tỷ lệ sinh thấp kỷ lục đang càn quét loạt nước phát triển châu Á, đồng thời đối mặt với nỗi lo già hoá dân số ngày càng tăng. Tại Trung Quốc, tỷ lệ sinh năm 2023 cũng giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ năm 1949, ở mức 6,39 trẻ em trên 1.000 dân, so với mốc 6,77 năm 2022. Trung Quốc năm ngoái có 9,02 triệu trẻ sơ sinh ra đời, giảm so với 9,56 triệu trẻ năm 2022.
Phát biểu trước Quốc hội Singapore, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng, bà Indranee Rajah cho biết tỷ lệ sinh của Singapore giảm xuống còn 0,97 con/phụ nữ trong năm 2023, tiếp tục đà giảm so với mức thấp kỷ lục trước đó là 1,04 vào năm 2022 và 1,12 vào năm 2021. Đây là năm đầu tiên trong lịch sử tổng tỷ suất sinh của Singapore giảm xuống mức dưới 1.
Số trẻ em được sinh ra trong năm 2023 tại Nhật Bản giảm cũng xuống mức thấp mới, đánh dấu năm thứ 8 giảm liên tiếp số ca sinh. Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản cho biết trong năm 2023, 758.631 trẻ sơ sinh đã được sinh - giảm 5,1% so với năm trước và là số ca sinh thấp nhất kể từ khi số liệu thống kê được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1899.
Tại Việt Nam, dù tỷ lệ sinh sản được đánh giá cao trong khu vực nhưng năm 2023, mức sinh ở Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm. Theo thống kê của Cục Dân số (Bộ Y tế), ước tính, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, tiếp tục giảm so với năm 2022 (2,01 con/phụ nữ), ngày càng bỏ xa mốc 2,09 con năm 2019. Kết quả này không đạt kế hoạch đề ra là 2,1 con/phụ nữ (tương đương mức sinh thay thế).
Thậm chí Ấn Độ, quốc gia vừa vượt Trung Quốc và trở thành đất nước đông dân nhất thế giới trong năm 2023, cũng đối mặt với vấn đề giảm sinh con. Theo thống kê, tỉ lệ sinh của phụ nữ Ấn Độ từ năm 2020 là 2,1 trong khi tỉ lệ cần thiết để duy trì dân số một quốc gia là 2,2, theo tờ The Times of India.
Tỷ lệ sinh thấp đặt ra nhiều thách thức cho vấn đề nhân khẩu học trong bối cảnh già hóa dân số. Rõ ràng, tốc độ già hóa dân số diễn ra nhanh đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, nguồn nhân lực cho thị trường lao động, tỷ lệ lao động trong tuổi tham gia thị trường lao động sẽ có xu hướng giảm đi. Gia tăng nhanh tỷ lệ dân số phụ thuộc, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế và gia tăng gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội của một quốc gia. Dẫn đến thu hẹp toàn bộ nền kinh tế, khi vừa gây thiếu nhân lực cho ngành sản xuất, dịch vụ, đồng thời cũng làm giảm sức mua, tiêu dùng, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế.
Xu hướng đến từ gánh nặng
Ngại sinh con, kết hôn muộn, trào lưu cuộc sống đơn độc hay “Dual/Double Income No Kids” đang được ngày càng nhiều người trẻ châu Á lựa chọn cho cuộc sống của mình. Xu hướng trên không chỉ gia tăng số người độc thân mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh. Nói cách khác, xu hướng sống của giới trẻ châu Á có mối liên hệ trực tiếp đến thực trạng giảm tỷ lệ sinh.
Trong khi kết hôn được coi là điều kiện tiên quyết để có con, nhưng tỷ lệ kết hôn ở nhiều quốc gia đang giảm sút, bị trì hoãn hay thậm chí không muốn kết hôn là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ sinh giảm. Năm ngoái, Singapore đã ghi nhận 26.500 trường hợp kết hôn và 30.500 ca sinh. Trong 5 năm qua, số người tại “Đảo quốc sư tử” kết hôn và sinh con trung bình hằng năm thấp hơn so với giai đoạn 5 năm trước đó. Đồng thời, thực trạng sinh sản tại nước này cho thấy phụ nữ đang chọn sinh con muộn hoặc không sinh con. Dữ liệu từ Cục Thống kê Singapore chỉ ra phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 29 hiện nay ít sinh con hơn phụ nữ từ 35 đến 39 tuổi.
Số lượng hộ gia đình có thú cưng tại Hàn Quốc ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh giảm. (Ảnh: danviet.vn) |
Tương tự, số lượng cuộc hôn nhân tại Nhật Bản năm 2023 đã giảm 5,9% xuống còn 489.281 cặp đôi, lần đầu tiên giảm xuống dưới nửa triệu cặp sau 90 năm. Một cuộc khảo sát của Viện Dân số và An sinh xã hội Quốc gia Nhật Bản công bố năm 2022 cho thấy 17,3% nam giới và 14,6% phụ nữ trong độ tuổi từ 18 - 34 cho biết họ không có ý định kết hôn - tỷ lệ cao nhất kể từ khi khảo sát này được thực hiện lần đầu tiên vào năm 1982.
Nói về xu hướng này, các chuyên gia cho rằng việc giới trẻ châu Á e dè trước việc hẹn hò, kết hôn do đối mặt với sinh hoạt phí cuộc sống ngày càng cao, thất nghiệp gia tăng. Tại nhiều quốc gia, vấn đề việc làm và nhà ở trở thành những gánh nặng đè lên đôi vai của những người trẻ, khiến họ trở nên lười yêu và sợ kết hôn. Trong khi chi phí sinh hoạt, trang trải cho cuộc sống vẫn còn đang chật vật, việc lo thêm tiền nhà ở là quá sức đối với các bạn trẻ.
Không những vậy, gánh nặng nuôi con và chi phí giáo dục của trẻ em tăng cao cũng là một phần khiến nhiều người trẻ chọn cuộc sống độc thân. Giới trẻ ở Hàn Quốc cho hay chi phí sinh hoạt và giáo dục cao khiến họ ngại kết hôn và sinh con. Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng các quốc gia có chi phí nuôi trẻ đắt nhất thế giới. Theo báo cáo công bố hồi tháng 5/2023, chi phí nuôi dạy một trẻ đến tuổi 18 của Hàn Quốc cao gấp 7,79 lần so với mức thu nhập bình quân trên đầu người, là mức cao nhất thế giới.
Còn với giới Trung Quốc, thị trường việc làm khốc liệt, nhiều người trẻ không đủ điều kiện kinh tế cho hẹn hò và tạo gia đình. Các hoạt động như đi ăn, du lịch tốn kém, khiến tình yêu trở thành cái giá đắt. Nhiều người trẻ, đặc biệt phụ nữ, tìm kiếm sự độc lập và thành công cá nhân thay vì hôn nhân, để tránh áp lực gia đình và chi phí khổng lồ.
Không chỉ về vấn đề tài chính, còn nhiều nguyên do khác khiến giới trẻ e ngại việc sinh con, kết hôn và muốn sống một mình. Bất bình đẳng giới cũng góp phần vào tình trạng này, nhiều phụ nữ đã phải rời bỏ công việc của mình để trở thành những bà nội trợ, cả ngày chỉ tất bật với công việc nhà và chăm con kể từ sau khi kết hôn ở tuổi 30. Sự bất bình đẳng giới rõ ràng hoặc tiềm ẩn trong gia đình, nơi làm việc và xã hội có thể khiến họ coi kết hôn sớm là rủi ro, từ đó dẫn đến việc họ muốn trì hoãn hoặc hoàn toàn tránh xa việc kết hôn. Bên cạnh đó, người trẻ lo sợ sự ràng buộc, chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm, lo ngại về cân bằng giữa công việc và cuộc sống,…
Có thể thấy, song hành với thế giới ngày một phát triển, những xu hướng đang được chuyển biến một cách âm thầm, lặng lẽ, đặc biệt là trong tình yêu, hôn nhân của giới trẻ. Người trẻ có quyền lựa chọn cách sống của mình miễn sao vui vẻ, hạnh phúc và hài lòng với hiện tại. Tuy nhiên, việc ngày càng nhiều người trẻ chọn sống độc thân ngoài ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh sản, còn có thể làm lung lay kết cấu xã hội trong tương lai.