Áng Phao là thôn có số hộ, nhân khẩu lớn nhất xã Cao Dương. Từ bao đời nay, người dân Áng Phao tự hào về nghề mộc truyền thống, nổi tiếng với làm nhà gỗ và đồ gỗ dân dụng mà cha ông để lại. Vì vậy, gìn giữ và phát triển nghề không chỉ là điều mong muốn, tâm niệm mà còn là nhiệm vụ của mỗi thế hệ người dân làng Áng Phao. Toàn thôn hiện có hàng chục phó cả- chức danh cao nhất dành cho người thợ tay nghề cao và mỗi một phó cả này có trong tay hàng chục lao động.
Giới thiệu họa tiết của nghề mộc Áng Phao. |
Trong thôn, nghề mộc chia theo hướng, một phần thợ trong làng chuyên tâm nghề theo hướng xây dựng các ngôi nhà truyền thống theo kiểu cổ hoặc hiện đại, phục chế và làm mới đình, chùa, miếu, nhà thờ… nguyên bản, số còn lại tập trung sản xuất đồ mộc dân dụng cao cấp, đồ thờ cổ, tượng sơn son thếp vàng. Những sản phẩm từ bàn tay khéo léo của người thợ nơi đây tạo ra rất đa dạng và phong phú với đường nét kỹ thuật, chạm khắc tinh xảo đã có chỗ đứng trên thị trường, tạo được tiếng vang xa.
Ngoài giới thiệu các sản phẩm điêu khắc gỗ, nhiều hoạt động đặc biệt nhằm quảng bá các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thăng Long – Hà Nội do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức tại nhiều địa điểm trong khu phố cổ từ 19/11- 15/12. Đây là chuỗi hoạt động văn hóa chào mừng kỷ niệm 16 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005 – 23/11/2021).
Giao lưu âm nhạc truyền thống tại Phố cổ Hà Nội. |
Lễ khai mạc vào chiều hôm nay 19/11 được tổ chức trực tuyến và trực tiếp tại Trung tâm Giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội. Chương trình giao lưu âm nhạc truyền thống diễn ra vào 14h ngày 21/11 tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, phát trực tuyến trên fanpage Phố cổ Hà Nội và Đình làng Việt.
Dịp này, tại Trung tâm thông tin văn hoá Hồ Gươm, Ban tổ chức còn trao giải cuộc thi thiết kế mỹ thuật “Hoàn Kiếm – 60 năm một tình yêu” và triển lãm 60 tác phẩm chọn lọc từ cuộc thi ảnh Di sản Việt Nam với chủ đề “Nghề truyền thống Việt Nam”.