Học để trở thành “tiểu thư, thiếu gia”
Không phải chỉ có Danielle Liu, 7 đứa trẻ khác bao gồm cả bé trai, tuổi từ 7-11, cũng được những cha mẹ cho theo học một lớp về lễ nghi, ứng xử trên tầng thượng của một khách sạn 5 sao tại trung tâm Thượng Hải, vào mỗi thứ 7 cuối tuần. 4 bé trai bảnh bao trong vest đen, thắt nơ cổ, đi giày bóng loáng. 4 bé gái mặc váy xòe và tươi cười. Những bậc phụ huynh của các “cậu ấm, cô chiêu” này đều có chung một mong muốn, đó là những buổi học này sẽ giúp con của họ trở thành “tiểu quý cô”, “tiểu thiếu gia”, để rồi tỏa sáng giữa những đứa trẻ xuất thân trong các gia đình giàu có ở Trung Quốc.
“Cháu có vấn đề về sự ổn định”, ông Guillaume de Bernadac, chuyên gia về phong cách ứng xử kiểu Pháp tại Thượng Hải, nói với một cậu bé đang cố bước đi và giữ thăng bằng cuốn sách trên đầu.
Sau bài tập này, những đứa trẻ trong lớp tiếp tục với bài tập về cách ăn uống, theo đó chúng phải ngồi thẳng lưng và giữ khuỷu tay luôn ở ngoài bàn ăn trong bữa trưa. “Cháu sợ”, cậu bé tên Zachary lặp đi lặp lại câu nói khi đang cố gắng vừa ăn món súp đậu xanh, vừa giữ cho hai tờ giấy trắng kẹp hai bên nách không bị rơi xuống. Những tờ giấy này có tác dụng giữ khuỷu tay đúng vị trí, nhưng giữ chẳng bao lâu, sàn nhà đã rơi đầy những tờ A4.
Những cô bé, cậu bé trong lớp học còn phải thắt một dài duy băng màu đỏ đằng sau vai để giữ cho lưng luôn thẳng. Nếu không làm được, chúng sẽ bị Bernadac hoặc trợ giảng phê bình bằng tiếng Anh hoặc tiếng Trung.
Cạnh tranh khốc liệt
Mẹ của cô bé Danielle Liu là chị Cheng Liyan, tuy nhiên chị đã đổi tên sang tiếng Anh là Shirley, luôn mong muốn đứa con duy nhất của mình phải “hoàn hảo”. “Để trở thành một người phụ nữ quý phái, sang trọng, khỏe mạnh và uyên bác, tôi hy vọng con bé có thể phát triển toàn diện bản thân”, chị Cheng Liyan nói với giáo viên. Ngoài học lễ nghi phương Tây, chị Cheng Liyan cũng cho cô con gái Danielle học bơi, piano và khiêu vũ, bộ môn mà cô bé yêu thích.
“Tôi luôn trò chuyện với con và hỏi con bé rằng nó có thích không?”, chị Cheng Liyan nói và đồng thời thừa nhận có một cuộc cạnh tranh khốc liệt để khẳng định vị thế tại Thượng Hải, thành phố quốc tế nhất Trung Quốc với khoảng 25 triệu dân.
Chị Cheng Liyan và 7 phụ huynh khác trong lớp học đã phải chi trả cho giáo sư Guillaume de Bernadac số tiền 2.688 nhân dân tệ (tương đương 390USD) cho 4 giờ đồng hướng dẫn con cái họ. Trong tiếng nhạc cổ điển, những đứa trẻ học các kỹ năng xã hội, cách ăn uống, ứng xử, giao tiếp, đi lại. Những bài tập khác bao gồm tự giới thiệu bản thân và chào hỏi mọi người, trong đó có cả học “hôn gió” và những chủ đề thích hợp để thảo luận trên bàn ăn tối.
Giáo sư Bernadac, người đến Trung Quốc du học từ nhiều năm trước, cho hay nhu cầu học lễ nghi phương Tây đã tăng lên kể từ khi anh mở công ty Academie de Bernadac vào năm 2014. Chính quyền Thượng Hải gần đây đã đề nghị ông thiết kế chương trình cho các trường học trong thành phố. Ông Bernadac cũng mở lớp dạy cho người lớn cùng các công ty tư nhân.
Giáo sư Bernadac không được đào tạo, cũng như không có chuyên môn chính thức về các nghi lễ, ứng xử. Nhưng ông kể rằng ông nội và người chú “vĩ đại’ của ông đã được cử đến Morocco với tư cách là gia sư cho giới quý tộc vào những năm 1920. Nhà vua Hassan II (Quốc vương Morocco từ năm 1961-1999) từng là học trò của họ. Tuy nhiên, Bernadac kiên quyết rằng anh không chỉ đang giúp cho những đứa trẻ Tây hóa. “Quan điểm của chúng tôi thực sự mà nói là nếu bạn ra nước ngoài, hay thậm chí chỉ trong Trung Quốc, khi bạn bước vào một môi trường quốc tế và tiếp xúc với các văn hóa khác, chúng tôi sẽ cho bạn chìa khóa để thích nghi”, ông giải thích.
Chị Cheng Liyan ngồi thanh lịch bên cạnh con gái cho đến khi lớp học kết thúc, cố gắng gạt đi những lo ngại rằng, ở tuổi của con mình đáng ra nó nên được vui chơi không lo nghĩ. “Trẻ em nên là trẻ em, điều đó là đúng, nhưng ít nhất chúng cũng nên biết được một số quy tắc. Ví dụ, ở nơi công cộng chúng không được la hét và phá phách quá mức”, chị Cheng chia sẻ. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, không phải bị bắt ép, bản thân những đứa trẻ này cũng khá thích thú với lớp học “tập làm người lớn”, chứ không hề mệt mỏi hay khó chịu, ngoại trừ bài tập về cách ăn uống hay đi lại.