Giới trẻ “bơi” trong thị trường lao động

(PLO) - Một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực không đúng với chuyên môn được đào tạo, ít được hưởng bảo hiểm xã hội khiến nguy cơ năng suất không được cải thiện trong tương lai đi cùng với nhiều rủi ro khó lường... 
Gần 50% lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động có trình độ chuyên môn không phù hợp với công việc đang làm. (Ảnh minh họa)
Gần 50% lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động có trình độ chuyên môn không phù hợp với công việc đang làm. (Ảnh minh họa)

Khai thác hai bộ số liệu có tính đại diện toàn quốc là điều tra lao động việc làm trong 10 năm từ 2007 đến 2016 và điều tra chuyển tiếp từ trường học tới việc làm trong hai năm 2012 và 2015, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới được công bố đã mô tả khá rõ thực trạng, xu hướng tham gia thị trường lao động, việc làm và các nhân tố tác động tới việc tham gia thị trường lao động và lựa chọn nghề nghiệp của lao động trẻ ở Việt Nam. 

60% lao động trẻ có việc làm bấp bênh 

Kết quả vừa được VEPR công bố cho thấy một tỷ lệ lớn lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực hộ gia đình hoặc phi chính thức hoặc không đúng với chuyên môn được đào tạo, đồng nghĩa với việc họ ít có điều kiện tích lũy kỹ năng. Nghiên cứu cũng chỉ ra, lao động trẻ cũng có khuynh hướng ít được hưởng bảo hiểm xã hội khiến nguy cơ năng suất sẽ bị cản trở trong tương lai đi liền với rủi ro ngày càng lớn. 

“Thêm vào đó, sự tìm kiếm việc làm thường qua các quan hệ cá nhân chứ không phải qua các trung gian chuyên nghiệp trên thị trường, cho thấy một thị trường lao động thực thụ chưa phát triển. Kết quả là, các chính sách thúc đẩy lao động việc làm ít phát huy tác dụng. Mặc dù đã được cải thiện qua thời gian nhưng chất lượng việc làm là vấn đề cần quan tâm- Nghiên cứu của VEPR vừa công bố nhận định.  

Theo VEPR,  hơn 60% lao động trẻ hiện nay có trình độ trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia vào thị trường lao động nhưng làm việc trong các hộ kinh doanh cá thể hoặc lao động gia đình trong khi đây là khu vực có năng suất thấp, việc làm bấp bênh và thu nhập không ổn định.  

Bên cạnh đó, cũng có gần 50% lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động có trình độ chuyên môn không phù hợp với công việc đang làm trong đó khoảng 33% là thiếu trình độ. Và khoảng 70% lao động trẻ tham gia vào thị trường lao động nhưng không có bảo hiểm xã hội trong khi tỷ lệ lao động làm công ăn lương có xu hướng tăng nhanh. 

Vai trò mờ nhạt của các “bà đỡ”  

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR, người trẻ có trình độ đại học, cao đẳng tham gia vào thị trường lao động có tỷ lệ rất nhỏ và sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ Việt Nam cũng còn giản đơn rất nhiều. Điều này lý giải vì sao năng suất lao động của Việt Nam “đội sổ” trong khu vực.

Cũng theo TS. Thành, người trẻ tuổi tham gia lao động ở những ngành nghề dễ bị tổn thương hoặc là không có bảo hiểm tuy có xu hướng giảm theo thời gian nhưng hiện vẫn còn ở mức rất là cao. “Giới trẻ làm việc trong những khu vực không chính thức, họ làm việc không đúng nghề, đúng chuyên môn, không được bảo vệ thì khả năng học hỏi của họ không được cao”- Chuyên gia này nói.   

Viện trưởng Viện VEPR cảnh báo có 2 đặc điểm lớn của giới trẻ Việt Nam cần phải hết sức lưu ý. Một, khi họ tham gia vào thị trường lao động họ phải chọn lựa những ngành nghề mà họ không tích lũy được kỹ năng cho tương lai. Mà không tích lũy được kỹ năng cho tương lai thì họ không tăng được năng suất. Trong khi năng suất lại là điều phản ánh thu nhập cho đối tượng này trong tương lai.  

Thứ hai, bản thân ngành mà giới trẻ chọn lựa thường không có bảo hiểm cho họ nên khi có rủi ro trong quá trình lao động chẳng hạn thì họ là đối tượng rất dễ bị tổn thương. “Dịch chuyển lao động là cái tạo ra năng suất chính của Việt Nam nhưng trên thị trường lại hoạt động không tốt, làm chậm quá trình dịch chuyển. Vấn đề của thị trường lao động Việt Nam đang rất cần hoàn thiện để làm sao cho lao động thị trường được tốt hơn”- ông Thành nêu quan điểm.

PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cũng cho rằng đang tồn tại nghịch lý đối với sự tham gia của giới trẻ vào thị trường lao động. 

Theo bà Hương, một mặt tỷ lệ thất nghiệp của lao động trẻ là cao nhưng mặt khác việc làm còn trống để giới trẻ có thể tham gia cũng không phải là ít.  Chuyên gia này nhận định, doanh nghiệp vẫn cần rất nhiều lao động trẻ cho ngành dệt may, da giày, điện tử nhưng họ lại không thể tuyển dụng được.  Trong khi giới trẻ rời ghế nhà trường tham gia vào thị trường lao động vô cùng sớm nên kỹ năng mà lao động này được trang bị đang vẫn còn một khoảng cách rất xa so với kỹ năng mà bản thân doanh nghiệp họ cần.  “Việc làm thì còn trống và người lao động thì đang tìm việc… rõ ràng 2 cái này đang còn khoảng cách”- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội nhấn mạnh. 

Cũng theo chuyên gia về lĩnh vực lao động này, Việt Nam hiện có 1.000 cơ sở đào tạo nghề nhưng hàng năm số lượng người vào các cơ sở này rất thấp. Toàn bộ chính sách phân luồng dựa trên quan điểm thị trường là con đường đúng đắn nhưng thực tế là Việt Nam chưa làm được. “Chính vì vậy, chi phí để tạo ra một lao động có thể là cao nhưng tính hữu dụng cho thị trường lao động của lao động này là rất thấp. Điều này cho thấy vai trò của tất cả các chương trình “bà đỡ” cho thị trường lao động, các chương trình hỗ trợ chuyển dịch lao động cũng như các chính sách về an sinh xã hội kém hiệu quả ”- vị này đánh giá .     

Báo cáo của VPER cũng cùng quan điểm khi chỉ ra, lao động trẻ thiếu thông tin về thị trường lao động vì cả doanh nghiệp và người lao động đều tuyển dụng và tìm việc thông qua các mối quan hệ cá nhân, họ hàng hay bạn bè. Vai trò cầu nối thông tin của các trung tâm dịch vụ việc làm rất mờ nhạt.    

Đọc thêm