Giới trẻ cần môi trường để thể hiện trách nhiệm của mình

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Giới trẻ ngày nay không sợ trách nhiệm, họ cần môi trường để thể hiện trách nhiệm của mình. Các cấp, bộ, ngành cần tạo điều kiện, môi trường để thanh niên thể hiện trách nhiệm của mình. Các bạn trẻ đừng nghĩ trách nhiệm là cái gì quá to tát, lớn lao, mà trước hết, hãy thể hiện trách nhiệm với gia đình, xã hội, với cộng đồng và chính bản thân mình đã là điều tuyệt vời”. Đó là ý kiến của PGS - TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội tại diễn đàn “Người trẻ và trách nhiệm với đất nước”.
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách (thứ 2, từ trái qua) cùng các bạn trẻ bàn về trách nhiệm của người trẻ với đất nước. (Ảnh: Lưu Trinh)
Bác sĩ Đỗ Doãn Bách (thứ 2, từ trái qua) cùng các bạn trẻ bàn về trách nhiệm của người trẻ với đất nước. (Ảnh: Lưu Trinh)

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm, sự quan tâm đặc biệt cho thế hệ trẻ. Người căn dặn thanh niên “Không sợ khổ, không sợ khó”, xung phong hăng hái thực hiện khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam luôn được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Việc chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển thế hệ trẻ được xác định vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước và là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh, thế hệ trẻ Việt Nam luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, góp phần không nhỏ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phấn đấu đưa nước ta “sớm sánh vai với các cường quốc năm châu”. Theo suốt chiều dài lịch sử, nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến trong chiến đấu, lao động, học tập và công tác là những người trẻ tuổi.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế và phát triển đất nước hiện nay, thế hệ trẻ vẫn khẳng định là lực lượng hăng hái trong thực hiện các chương trình, mục tiêu của sự nghiệp đổi mới; luôn chủ động sáng tạo, cống hiến, đem sức trẻ và trí tuệ của mình làm rạng danh nước nhà.

Nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trương Tấn Sang viết trong lời giới thiệu cuốn sách “Người trẻ có sợ trách nhiệm?” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản: “Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, bên cạnh biết bao thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, giàu ước mơ, hoài bão và khát khao cống hiến, sẵn sàng lên tuyến đầu trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng trước kia cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, thì trong lớp trẻ vẫn còn tồn tại một bộ phận thanh niên có những biểu hiện tiêu cực, lười học tập và lao động, chạy theo lối sống thực dụng, hưởng thụ, buông thả và chưa nhận thức được vai trò của bản thân đối với đất nước. Chưa xứng đáng với sự hy sinh của ông cha và các thế hệ đoàn viên thanh niên đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của nước nhà. Để phát huy cao nhất sức mạnh rường cột của thanh niên Việt Nam, bên cạnh sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, thì Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan báo chí, truyền thông cần phải đặc biệt chú trọng đến nội dung, phương thức vận động, giáo dục, tổ chức lực lượng thanh niên phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của tuổi trẻ, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng từng thời kỳ.

Với hướng đi đó, được xây dựng trên cơ sở ý tưởng bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” in trên Tạp chí Cộng sản của đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Đảng Cộng sản Việt Nam khi đồng chí còn là một biên tập viên dồi dào sức trẻ, khát vọng cống hiến và bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, cuốn sách “Người trẻ có sợ trách nhiệm?” là những chia sẻ quan điểm, suy nghĩ về thế hệ trẻ của các tác giả đã và đang công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau, với điểm chung là luôn quan tâm, gắn bó, đồng hành cùng lực lượng này. Những phân tích chắt lọc và niềm tin dành cho những người chủ tương lai của đất nước thể hiện qua mỗi bài viết sẽ là thông điệp giáo dục, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần cống hiến cho Tổ quốc trong thế hệ trẻ, thôi thúc họ phát huy vốn quý về nhiệt huyết cống hiến, bản lĩnh dám đổi mới sáng tạo, làm chủ, từ đó mạnh dạn thực hiện quyết tâm, ước mơ, hoài bão của bản thân, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phát triển”.

GS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, cuốn sách “Người trẻ có sợ trách nhiệm?” là tập hợp các bài viết của các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học muốn gửi gắm là sự động viên, khích lệ thế hệ trẻ cần nuôi dưỡng, giữ gìn vốn quý của tuổi trẻ, không ngừng phát triển và sáng tạo ra nhiều giá trị hơn nữa nhằm bảo đảm một tương lai thành công, góp phần hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.

Biến sự sợ hãi làm đòn bẩy để tiến bộ

Với hai chủ đề “Trách nhiệm của người trẻ” và “Những thông điệp gửi tới thế hệ thanh niên”, tại diễn đàn “Người trẻ và trách nhiệm với đất nước” do Trung ương Đoàn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội, các chuyên gia đã chia sẻ suy nghĩ về bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cuốn sách “Người trẻ có sợ trách nhiệm?”.

Tại diễn đàn, bác sĩ Đỗ Doãn Bách (Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai) cũng chia sẻ về nỗi sợ của mình khi làm nghề bác sĩ: “Khi làm nghề bác sĩ, tôi luôn phải đối mặt với những thời khắc sinh tử, những quyết định mà sẽ thay đổi số phận của một người. Đây là lời nguyền và cũng là đặc ân. Đôi khi mình phân vân không biết rằng quyết định của mình là đúng hay sai, là giúp họ hay hại họ. Có những thời gian tôi cảm thấy mình lo lắng và sợ hãi những quyết định này”. Theo anh Bách, khi đưa sợ hãi ra phía trước thì nó sẽ là rào cản làm bạn lùi bước. Tuy nhiên nếu chúng ta thay đổi góc nhìn, thay đổi tư duy để đưa sự sợ hãi ra phía sau thì nó sẽ trở thành động lực.

Chủ nhân của Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2022, Nhà giáo trẻ tiêu biểu Trung ương năm 2022, giảng viên Trường Đại học công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Chu Đức Hà đưa ra ý kiến, tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm” không chỉ là một nguồn cảm hứng, mà còn là một nguyên tắc quan trọng trong suốt sự nghiệp khoa học của mình. Với môi trường nghiên cứu khoa học, anh Hà cho rằng, hai từ “dám nghĩ” được thể hiện bằng sự hiếu kỳ, không ngừng đặt ra những câu hỏi mới, thách thức những bài toán thực tế và mở rộng giới hạn của kiến thức hiện có. “Dám làm” là dám khám phá, dám đổi mới và dám chấp nhận thất bại như một phần trong nghiên cứu khoa học. “Làm sao sản xuất lúa gạo từ 5-6 tấn/ha có thể đạt được 7-8 tấn/ha? Làm sao cây lúa của chúng ta có thể chịu được xâm nhập mặn, ngập úng hay kháng lại được sâu bệnh hại? Sự sáng tạo và tò mò không bao giờ hết chính là những động lực quan trọng giúp các nhà khoa học chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá khoa học”, TS. Chu Đức Hà chia sẻ. Theo giảng viên Chu Đức Hà, thực tiễn từ khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới tới nay, nếu chúng ta không đổi mới tư duy, không có những con người dám nghĩ, dám làm thì đất nước Việt Nam không có được cơ đồ, vị thế như ngày nay.

Nhiều người trẻ sẵn sàng nhận trách nhiệm của mình với Tổ quốc. (Ảnh: Lê Thanh)

Nhiều người trẻ sẵn sàng nhận trách nhiệm của mình với Tổ quốc. (Ảnh: Lê Thanh)

Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ Mobifone Vũ Gia Luyện - Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2021 nhận định, các bạn trẻ hiện nay có thể đảm đương nhiều công việc khác nhau, nhưng còn thiếu sự tập trung cần thiết, đôi khi đặt cái tôi của mình lên quá cao hoặc vô tình tạo ra áp lực cho bản thân. Những hạn chế này dễ khiến các bạn trẻ trở nên rụt rè, thậm chí sợ hãi, sợ trách nhiệm sau khi phạm sai lầm, dù các bạn vẫn muốn làm việc, vẫn muốn cống hiến hết mình. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất không phải là việc né tránh sai lầm mà phải đối diện, học hỏi để trưởng thành hơn. Phải biến sự sợ hãi làm đòn bẩy để tiến bộ mới là dũng cảm và thể hiện trách nhiệm của bản thân mình trước công việc và trước xã hội. “Tuổi trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước. Vì thế, tuổi trẻ cần hiểu rõ trách nhiệm của mình với quốc gia, với dân tộc. Nếu tuổi trẻ không dám chịu trách nhiệm, tương lai của đất nước sẽ đi về đâu?” anh Luyện nhấn mạnh.

Các bạn trẻ tại diễn đàn cũng khẳng định tinh thần “7 dám”: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung của mình để xứng đáng với sự cống hiến và hy sinh của các thế hệ đi trước.

Đọc thêm