Văn hóa & Pháp luật

Giữ gìn bản sắc dân tộc để chấn hưng văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Điện thoại phủ sóng cả bản rồi. Internet cũng “vào” nhiều lắm. Bọn trẻ mặc quần bò, áo phông cả rồi. Chúng không nói tiếng dân tộc nữa, không hát những bài dân ca của dân tộc mình mà hát những bài nhảy nhót, xập xình trên mạng. Chúng chê văn hóa dân tộc là cổ hủ, lạc hậu”, một già làng ngậm ngùi.
Nhiều người dân tộc Bố Y không còn nhớ tiếng mẹ đẻ của mình. (Ảnh minh họa)
Nhiều người dân tộc Bố Y không còn nhớ tiếng mẹ đẻ của mình. (Ảnh minh họa)

Biến mất trong chính cộng đồng “mẹ đẻ”

Hiện, Việt Nam có 5 dân tộc thiểu số có số dân rất ít người bao gồm các dân tộc: Si La, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo (dưới 1.000 người). Các dân tộc có số dân dưới 1.000 người sống tập trung ở vùng núi cao, biên giới thuộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An, Kon Tum.

Các dân tộc này cư trú chủ yếu ở nơi điều kiện cuộc sống còn khó khăn, giao thông đi lại không thuận tiện, tỷ lệ hộ thuộc diện đói nghèo tương đối cao, nên khả năng tự bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào rất hạn chế, có dân tộc ngay cả tiếng nói, chữ viết, trang phục… cũng bị mai một, thậm chí bị mất hẳn. Có dân tộc đã không còn tồn tại mô hình cư trú, làng bản truyền thống. Trong quá trình tiếp xúc, giao lưu với các dân tộc khác, những đặc trưng văn hoá của họ có sự pha trộn, giao thoa, mai một và có xu hướng bị đồng hoá.

Người Si La chưa có chữ viết riêng. Những lễ nghi trong lễ hội đang mờ nhạt dần trong đời sống của dân tộc này. Người Si La có phong tục đàn ông nhuộm răng đỏ, đàn bà nhuộm răng đen. Tuy nhiên, hiện nay đa số người Si La để răng trắng. Ông Pờ Chà Nga, đại diện dân tộc Si La cho rằng, với số dân còn dưới 1.000 người, trong điều kiện xã hội phát triển nhanh như hiện nay, dân tộc Si La rất dễ bị đồng hóa, mất dần tiếng mẹ đẻ. Đa số các trẻ em dân tộc Si La giờ không biết và cũng không thích hát bài dân ca Si La, không thích mặc trang phục Si La, không biết múa điệu múa Si La…

Một già làng ở Hà Giang bày tỏ: “Chúng tôi là người Pu Péo nhưng chẳng có mấy người biết viết và nói tiếng Pu Péo, đại đa số đều dùng tiếng Mông để giao tiếp. Có dùng tiếng Pu Péo chăng cũng chỉ trong dịp lễ, tết, cúng bái”. Người Bố Y thuộc 2 nhóm địa phương là Tu Dí (Lào Cai) và Bố Y (Hà Giang). Thế nhưng, hiện nay, người Bố Y ở Lào Cai không còn nhớ tiếng mẹ đẻ, đã chuyển sang nói tiếng Quan hỏa (tiếng Hán phương Nam), còn người Bố Y ở Hà Giang lại chủ yếu nói tiếng Giáy và tiếng Tày.

Hay người Phù Lá có 2 ngành là Pu Là và Xa Phó. Người Xa Phó còn giữ được tiếng mẹ đẻ, nhưng người Pu Là đã không nói được tiếng mẹ đẻ và cũng chuyển sang sử dụng tiếng Quan hỏa. Một số dân tộc thiểu số như Kháng, La Ha, Xinh Mun… chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái trong giao dịch. Ngay các bài hát dân ca của người Kháng, người Xinh Mun cũng có tới 70 - 80% là tiếng Thái.

Những già làng, trưởng bản là “linh hồn” níu giữ bản sắc dân tộc nhưng đôi khi chính họ lại là người “ngược dòng”. Có cuộc giao lưu đồng bào thiểu số nhưng nhiều già làng ăn mặc comple cà-vạt, nữ mặc quần tây, váy ngắn. Nếu chính đồng bào không thấy tự hào, tự tôn về bản sắc văn hóa của mình, không có ý thức gìn giữ nó mọi nơi, mọi lúc, không đem nó giới thiệu rộng rãi với các cộng đồng đó thì văn hóa, tiếng “mẹ đẻ” sẽ biến mất ngay từ trong chính cộng đồng “mẹ đẻ” đã sáng tạo ra nó.

Bảo tồn chưa theo kịp tốc độ mai một

Hiện nay, một số địa phương trên cả nước đã mở lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào dân tộc. Một số tỉnh còn đưa tiếng dân tộc vào dạy trong trường học cho học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở như Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Nông… Nhưng, tốc độ bảo tồn bản sắc văn hoá của 5 dân tộc rất ít người: Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Ơ Đu vẫn chưa theo kịp với tốc độ mai một.

Tính từ năm 2006 đến nay đã có những đợt học tiếng Ơ Đu bằng hình thức truyền miệng được mở ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An). Nhưng với vốn từ ngữ sưu tầm quá ít ỏi chỉ khoảng 200 từ do những người già ghi chép lại rất rời rạc, thiếu sự hoàn chỉnh, nên rất khó để truyền khẩu. Mỗi đợt giảng dạy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, bởi vậy vốn từ để người tham gia sau khi hoàn thành khóa học không đủ để nhớ và sử dụng hàng ngày, học rồi lâu dần không sử dụng lại quên mất.

Tài chính, ngân sách là khó khăn chung của tất cả các dân tộc thiểu số trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa. Mỗi năm, số tiền đầu tư cho các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh đều rất thấp, có tỉnh chỉ dành 15 ngàn đồng/1 đầu người/1 năm cho các hoạt động văn hóa. Với chừng ấy tiền thì không thể làm gì được. Mà người dân thì không có mấy điều kiện để đóng góp khi đời sống còn khó khăn.

Hơn ai hết, các già làng, trưởng bản, các nghệ nhân mong được Nhà nước hỗ trợ hơn nữa trong việc cải thiện đời sống tinh thần và giúp họ gìn giữ cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc biệt trong ngôn ngữ độc đáo. Bởi nếu không nhanh, những luật tục thú vị và bản sắc về văn hóa của các dân tộc sẽ chỉ còn thấy qua sách vở và biến mất dần trong đời sống theo dòng thời gian đầy biến đổi và khắc nghiệt...

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt. Theo nhà nghiên cứu Ma Văn Đức, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang thì tiếng nói, chữ viết là hồn cốt của một tộc người. Bên cạnh việc dạy tiếng nói, chữ viết tiếng dân tộc, việc các văn nghệ sỹ người dân tộc thiểu số sáng tác thơ, văn, sáng tác bài hát bằng tiếng dân tộc, sáng tác song ngữ tiếng dân tộc là một trong những phương thức bảo tồn tốt nhất.