Giữa đại dịch, Startup Việt vẫn kéo được vốn 'khủng'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2021, vốn đầu tư mạo hiểm cho các Startup Việt đạt được mức cao kỷ lục, với tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD năm 2019.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia (NIC) trực thuộc Bộ KH&ĐT và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures vừa đồng phát hành Báo cáo ĐMST và Đầu tư Công nghệ Việt Nam. Đây là năm thứ hai Báo cáo được phát hành trên cơ sở hợp tác giữa Do Ventures - một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc khối tư nhân và NIC - một cơ quan nhà nước, với mục tiêu chung xây dựng hệ sinh thái ĐMST tại Việt Nam.

2021 - Năm kỷ lục của đầu tư mạo hiểm

Phát biểu tại sự kiện này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông nhận định, đại dịch COVID-19 kéo dài với diễn biến phức tạp đã và đang làm thay đổi sâu sắc trật tự, cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị toàn cầu, cách thức hoạt động kinh tế và tổ chức đời sống xã hội của tất cả các quốc gia trên thế giới. “Tuy đặt ra nhiều thử thách cho nền kinh tế, COVID-19 lại trở thành một chất xúc tác thúc đẩy ĐMST và chuyển đổi số tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Công nghệ số đã giúp nhiều DN vượt qua cơn khủng hoảng và còn giúp nhiều DN có thể đạt được tăng trưởng vượt bậc”- Thứ trưởng khẳng định.

Chia sẻ về kết quả của báo cáo, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures cho rằng, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra nhiều biến động cho thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam vẫn đạt được mức cao kỷ lục trong năm 2021. Tổng số tiền đầu tư đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng gấp 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Ngoài ra, tổng số thương vụ đầu tư cũng đạt con số cao nhất từ trước đến nay là 165, tăng 57% so với năm 2020.

Số vốn đầu tư vào khởi nghiệp ở Việt Nam chiếm 13% tổng giá trị đầu tư vào toàn bộ các công ty ở Đông Nam Á, tăng 5 điểm phần trăm so với năm 2020. Tỷ trọng số lượng đầu tư của Việt Nam trong năm 2021 cũng tăng 2 điểm phần trăm so với năm trước đó. Tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam cũng tăng 60%, phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Trong số đó, quốc gia có số lượng nhà đầu tư tích cực nhất trong năm 2021 là Singapore, tiếp theo là Việt Nam và Hoa Kỳ.

“Khẩu vị” của các nhà đầu tư đã nhanh chóng dịch chuyển để tập trung vào các nhóm ngành không bị tác động mạnh bởi đại dịch. Hơn nữa, sự thuận tiện của các ứng dụng hội thảo trực tuyến cũng khiến cho việc hạn chế đi lại không còn là rào cản trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.

Vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam.

Vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam.

Đặc biệt, trong năm 2021, Việt Nam đón chào sự xuất hiện thêm của 2 “kỳ lân” công nghệ mới là Momo và Sky Mavis, nhờ vào tần suất sử dụng các sản phẩm số ngày một tăng cao của người dùng trong thời gian dịch bệnh. Thành công của 2 công ty này càng khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm công nghệ mới nổi của khu vực. Hiện, Việt Nam có 4 kỳ lân gồm VNG, Sky Mavis, VNLife và Momo.

ĐMST tại Việt Nam được nhận định sẽ có một tương lai đầy hứa hẹn khi hiện có hàng chục công ty với định giá vài trăm triệu đô la Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và sẽ sớm trở thành những “kỳ lân” mới trong những năm tiếp theo.

Dòng tiền đầu tư vào các vòng gọi vốn tăng kỷ lục

Theo báo cáo được công bố, số tiền được đầu tư vào các vòng gọi vốn trên 10 triệu USD đạt kỷ lục gần 1,2 tỷ USD, chiếm hơn 82% tổng số vốn đầu tư của cả năm 2021. Trong khi đó, tỷ trọng tương đương của những năm trước đó là 74% vào năm 2021 và 78% vào năm 2019.

Nguồn vốn dành cho các vòng có giá trị nhỏ hơn 10 triệu USD cũng đã đạt ngưỡng mới là 256 triệu USD, tăng 118% so với năm 2020. Vốn đầu tư được phân bổ tương đối đồng đều giữa các giai đoạn gọi vốn trong những năm gần đây cho thấy sự phát triển ổn định của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Trong khi nguồn vốn chảy vào vòng Seed (hạt giống) tăng lên mức cao kỷ lục cả về số lượng và giá trị thương vụ, thì nguồn vốn chảy vào các vòng sau series A (vòng trong) đã trở về mức trước COVID-19.

Đặc biệt, năm 2021 chứng kiến sự xuất hiện của 5 giao dịch trị giá trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực thanh toán, thương mại điện tử và Gaming. Với số lượng lớn các công ty giai đoạn đầu đầy tiềm năng và môi trường kinh doanh thuận lợi nhờ vào sự hỗ trợ sâu sát của Chính phủ, hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam đã sẵn sàng để bước vào giai đoạn trưởng thành hơn.

“Hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp ở nước ta đã có những bước hồi phục ấn tượng trong năm 2021 nhờ vào sự bền bỉ của các DN cũng như sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ. Với đà phát triển hiện nay, tôi tin rằng các nhà sáng lập Việt Nam sẽ tiếp tục gặt hái được thành công và đưa Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ đáng chú ý trong khu vực.”- bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Quỹ Do Ventures nói.

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, NIC sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các cơ chế chính sách vượt trội, khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) nhằm khuyến khích hoạt động ĐMST trên phạm vi cả nước, đảm bảo sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

“Với những thành quả chúng ta đã đạt được trong năm 2021, chúng ta có thể tin rằng 2022 sẽ là năm bản lề để hệ sinh thái ĐMST Việt Nam có những bước phát triển đột phá, mở ra nhiều cơ hội cho giai đoạn phát triển tiếp theo của DN ĐMST và nền kinh tế số Việt Nam.”- Đại diện NIC nhấn mạnh.

Đọc thêm