'Gỡ khó' cho hoạt động tố tụng hình sự giữa dịch COVID-19, phiên tòa trực tuyến được tổ chức từ 1/1/2022

(PLVN) - Chiều nay (12/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Đây là giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự do áp dụng biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19...
Những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản sẽ được tổ chức xét xử trực tuyến. (Ảnh minh họa)
Những vụ án có tình tiết, tính chất đơn giản sẽ được tổ chức xét xử trực tuyến. (Ảnh minh họa)

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến với tỷ lệ 93,79% số đại biểu có mặt tán thành.

Nghị quyết vừa được thông qua quy định Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Tỷ lệ biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Tỷ lệ biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Nghị quyết giao Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này. Tòa án nhân dân Tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết này trong báo cáo công tác hằng năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Trước đó, sáng 24/10, tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết, phạm vi và cách thức tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Theo kinh nghiệm của các nước, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu. Hơn nữa, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến không trái với đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước cũng như phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Đề cập đến dịch COVID-19 đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, nghiêm trọng và khó lường trên phạm vi toàn thế giới và ở Việt Nam, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xét xử bình thường của ngành tòa án, đại biểu nhất trí cần tiến hành các biện pháp ứng dụng khoa học, công nghệ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự do những phức tạp của việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Chính phủ và địa phương.

Nhấn mạnh đây là một vấn đề mới, cần bước đi cẩn trọng, chặt chẽ và tránh xảy ra sơ suất, đại biểu đề nghị phương án trước hết áp dụng trong án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Cần chuẩn bị chu đáo việc đào tạo, tập huấn cho đội ngũ tham gia hoạt động tố tụng và bổ trợ tư pháp.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm