Gỡ khó cho hoạt động vận tải sau dịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Do áp dụng các Chỉ thị phòng chống dịch, hoạt động vận tải không tránh khỏi những khó khăn, bất cập. Khi dịch bệnh nhiều nơi đã được kiểm soát tốt hơn, các doanh nghiệp vận tải mong muốn nhanh chóng có phương án đồng bộ giúp khơi thông đi lại giữa các địa phương.
Doanh nghiệp mong muốn có cơ chế thống nhất đối với vận tải liên tỉnh.
Doanh nghiệp mong muốn có cơ chế thống nhất đối với vận tải liên tỉnh.

Nhiều tài xế nghỉ việc

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, trong thời gian thành phố áp dụng Chỉ thị 15 sau khi nới quy định phòng, chống dịch, vẫn tiếp tục duy trì các chốt ở cửa ngõ. Việc vận chuyển hàng hoá sẽ tạo điều kiện tối đa cho các xe luồng xanh đi qua thành phố; vận chuyển hàng hoá trong nội đô sẽ được tạo điều kiện tối đa để đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân. Trong khi Thủ đô nới lỏng một phần hoạt động vận tải công cộng nội đô, hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh dự kiến vẫn tiếp tục dừng.

Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp vận tải đều phấn khởi chuẩn bị cho việc “trở lại các con đường”. Tuy nhiên, sau thời gian dài giãn cách xã hội, không ít lái xe đã tìm sinh kế khác, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu tài xế trầm trọng. Trên các trang tin, mạng xã hội về tuyển dụng, rất nhiều doanh nghiệp vận tải liên tục đăng tin tuyển gấp các vị trí lái xe chở hàng hoá, đủ điều kiện sẽ cho chạy xe luôn.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 1,3 - 1,5 triệu lái xe ô tô kinh doanh vận tải, trong đó có hơn 400.000 lái xe vận chuyển hành khách và hơn 1 triệu lái xe vận chuyển hàng hoá các loại. Lực lượng này đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển con người, hàng hoá cho việc phục hồi và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tại mỗi địa phương.

Đặc biệt khi dịch bệnh bùng phát, họ còn có thể trợ giúp tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho địa phương có dịch, hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Dù vậy, nghề lái xe ô tô trong mùa dịch ngày càng ẩn chứa rất nhiều áp lực, ví như phải xét nghiệm PCR liên tục, phải ăn ngủ trên xe sau những chuyến đi dài, phải xuất trình nhiều loại giấy tờ khác nhau trong khi cơ chế đi lại có thể thay đổi liên tục, bất cứ lúc nào cũng có thể bị cắt giảm do hạn chế chuyến đi...

Về phía doanh nghiệp, hoạt động vận tải hạn chế cũng khiến ngân sách của họ ngày càng “eo hẹp”. Không chỉ phải “gánh” khoản chi cho nhân sự, họ liên tục phải điều chỉnh các kế hoạch tài chính, kế hoạch kinh doanh cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Do vậy, họ cũng không thể ngăn cản quyết định bỏ nghề của rất nhiều tài xế trong đội ngũ nhân sự.

Cần cơ chế đồng bộ

Nói về kịch bản tổ chức hoạt động vận tải sau giãn cách, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam trả lời trên báo chí cho biết, việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa các địa phương thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 19 sẽ theo hướng tập trung thực hiện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhu cầu thiết yếu của người dân.

Cụ thể, đối với địa phương thực hiện Chỉ thị 15, tạm dừng hoặc tổ chức lại giao thông công cộng để hạn chế đi lại từ vùng có dịch đến các địa phương khác, tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 30% so với bình thường và bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đối với vùng thực hiện Chỉ thị 19, sẽ tổ chức lại giao thông công cộng. Tùy theo loại hình vận tải, địa phương cho phép mở lại hoạt động vận chuyển hành khách công cộng với chuyến xe, số lượng xe không vượt quá 50% so với bình thường, bắt buộc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Với trạng thái bình thường mới, cho phép hoạt động vận tải hành khách công cộng trở lại trạng thái hoạt động bình thường, khuyến khích lái xe, hành khách áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiện Bộ GTVT đang chỉ đạo Tổng cục, các Cục chuyên ngành xây dựng kịch bản vận tải cụ thể khi các địa phương nới lỏng giãn cách xã hội. Kịch bản vận tải sẽ có tính kết nối giữa các phương thức và có những nguyên tắc nhất định đảm bảo việc đi lại, chống ùn tắc, thuận lợi cho người dân, theo quy định phòng, chống dịch của địa phương. Theo đó, có thể xây dựng kịch bản cho từng lĩnh vực cụ thể phù hợp với những đặc thù trong vận tải hàng hoá và vận tải hành khách.

Mặc dù có nhiều tín hiệu khởi sắc, phần lớn các doanh nghiệp vận tải vẫn “nửa mừng nửa lo”. Đặc biệt khi nhiều địa phương dần nới lỏng giãn cách, mỗi tỉnh, thành kiểm dịch theo một cách khác nhau, kịch bản phục hồi vận tải trên cả nước sẽ hoạt động như thế nào? Có còn tình trạng thiếu thống nhất giữa các địa phương, mỗi địa phương “tự sản sinh” ra những “quy định riêng” hay không?

Theo các doanh nghiệp vận tải, nhiều tài xế xin nghỉ việc vì phải test COVID-19 liên tục 3 ngày/lần, thậm chí có nơi yêu cầu 24h phải xét nghiệm lại. Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng cần xem lại quy định thời hạn giấy xét nghiệm COVID-19. Với tài xế thực hiện chuyến xe nội tỉnh và vùng lân cận thì thời hạn 3 ngày như hiện nay phù hợp, nhưng nếu xe chạy liên tỉnh Bắc-Nam cần tối thiểu 7 ngày, chưa kể thời gian chờ giao hàng. “Quy định thời hạn 3 ngày khiến các doanh nghiệp lúng túng khi giấy xét nghiệm của tài xế bị quá hạn. Họ phải dừng lại tại nhiều tỉnh, thành phố trên đường để tiếp tục xét nghiệm, rất tốn kém”.

Đọc thêm