Gỡ khó cho vùng tôm

Nếu như đôi tháng về trước, chuyện ký tiếp hợp đồng bảo hiểm hay không và được bồi thường theo quy chế nào làm “nóng” những vuông tôm Cà Mau, thì nay, khi Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bà con nuôi tôm và doanh nghiệp bảo hiểm lại đang náo nức triển khai những hợp đồng bảo hiểm cho mùa tôm mới…

Nếu như đôi tháng về trước, chuyện ký tiếp hợp đồng bảo hiểm hay không và được bồi thường theo quy chế nào làm “nóng” những vuông tôm Cà Mau, thì nay, khi Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bà con nuôi tôm và doanh nghiệp bảo hiểm lại đang náo nức triển khai những hợp đồng bảo hiểm cho mùa tôm mới…

Bảo hiểm cho nông dân là việc làm có tính chất nhân đạo
Bảo hiểm cho nông dân là việc làm có tính chất nhân đạo

Còn không ít khó khăn 

Lúc này, giá thu mua tôm nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn đang đứng ở mức khá cao, từ 80 đến hơn 200 nghìn/kg, thế nhưng người nuôi tôm không có hàng mà bán, khiến các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu đang rất lo lắng trước sự hạn hẹp của nguồn nguyên liệu. Vì không còn vốn đầu tư, người nuôi chọn cách nuôi cầm chừng, “đánh bạc với trời” khiến cho sản lượng sụt giảm, mất cân đối cung - cầu.

“Ngay tại tỉnh Sóc Trăng - vùng nuôi gặp may mắn trúng mùa vụ tôm đầu năm - cũng vẫn còn rất nhiều nông hộ “treo ao”, vừa chờ vay được vốn, vừa chờ ký được hợp đồng BHNN mới dám tiếp tục nuôi” – ông Nguyễn Hoàng Khanh - Giám đốc Bảo Minh Cà Mau – cho chúng tôi biết.

Xuất khẩu thủy sản năm nay tiếp tục gặp khó khăn là vấn đề đã được tiên liệu tại hội nghị liên bộ bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ gạo và thủy sản ĐBSCL năm 2013 vừa tổ chức cách đây chưa lâu, do rào cản thị trường và thiếu nguyên liệu. Thị trường thì ngày càng khắt khe, và nguồn cung vốn cho lĩnh vực sản xuất nguyên liệu càng eo hẹp hơn.

Thống kê của Agribank cho biết, mặc dù xác định nông nghiệp, nông thôn, nông dân và xuất khẩu là lĩnh vực cần ưu tiên vốn, nhưng tính đến hết tháng 5/2013 thì dư nợ cho vay khu vực nuôi trồng toàn vùng ĐBSCL chỉ là 6.655 tỷ đồng, còn vốn cho khu vực chế biến là 10.824 tỷ đồng.

Tháo gỡ khó khăn cho nông dân, mà trước mắt phải tháo gỡ ngay về vốn và mở rộng bảo hiểm cho nuôi trồng thủy sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã khẳng định, ngân hàng sẽ đáp ứng đủ vốn để sản xuất phát triển khi kế hoạch thực hiện được đánh giá khả thi, và đặc biệt là khi hoạt động bảo hiểm nông nghiệp được đẩy mạnh thì ngân hàng sẽ xem xét cấp bảo lãnh tín dụng cho các nông hộ, DN nuôi trồng thủy sản có bảo hiểm nông nghiệp. Điều này cho thấy chính sách tiền tệ đã phối hợp với chính sách tài khóa để mở đường khơi thông nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp ở vùng đồng bằng này.

Không vì sai phạm nhỏ ảnh hưởng chủ trương lớn

Sau khi thị sát thực tế vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo những việc cần làm ngay trong thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, trong đó yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc cần xử lý ngay trong quý 3/2013, đồng thời chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý các tiêu cực trong bảo hiểm nông nghiệp vừa qua để tiếp tục triển khai chương trình này.

“BH cho nông dân là việc làm có tính chất nhân đạo, chia sẻ rủi ro với người nông dân, không vì những sai phạm nhỏ mà không triển khai thực hiện. Bộ Tài chính hướng dẫn ngay việc tiếp tục chi trả cho nông dân, đồng thời có chỉ đạo kịp thời đối với những trường hợp sai phạm” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh. Phó Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan hữu trách cung cấp thông tin chính thống cho các cơ quan thông tin đại chúng, để việc truyền thông được chính xác, không gây thiệt hại cho nhà nước, không gây hoang mang cho người dân và cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Đáp ứng kịp thời yêu cầu rất lớn của vùng ĐBSCL về bảo hiểm thủy sản, Bộ Tài chính và Bộ NNPTNT khẩn trương triển khai việc sửa đổi, bổ sung các quy định bảo hiểm nông nghiệp. Sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 96 sửa đổi, bổ sung Điều 14 Thông tư số 121/2011/TT-BTC và Điều 4 Thông tư số 101/2012/TT-BTC về mức chi bán hàng, chi quản lý, chi hoa hồng BH, chi hỗ trợ, chi thù lao cho các cấp chính quyền địa phương để triển khai thí điểm BHNN, theo ghi nhận của phóng viên tại một số tỉnh ĐBSCL, đến thời điểm này, cùng với dòng vốn lãi suất thấp đã bắt đầu chảy, các DNBH cũng đã bắt tay ngay vào việc triển khai các quy định mới và chuẩn bị tốt cho công tác ký hợp đồng, đánh giá rủi ro… để đón vụ nuôi cuối cùng của năm sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới.

“Nhà nước điều chỉnh phí và mức bồi thường là đúng, bởi như thế mới minh bạch và sự hỗ trợ mới theo nguyên tắc. Cứ nhà nước làm là chúng tôi tin. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia bảo hiểm nông nghiệp, dù biết mức phí đã tăng, và mức đền bù cũng giảm. Làm gì cũng phải theo cái đúng, vừa mắt ta mới ra được mắt người” – ông Nguyễn Văn Nhiệm - Chủ nhiệm hợp tác xã nuôi tôm Mỹ Thanh (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) bày tỏ.  

Mỹ Hà