Gỡ khó để doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ liên tục tăng nhưng số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Theo chuyên gia kinh tế, cần rà soát toàn diện việc thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để các nữ doanh nhân phát huy vai trò hơn nữa.
Ấn nút công bố Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Ấn nút công bố Sách Trắng về doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Tăng vị thế phụ nữ, hướng tới phát triển bền vững

Hôm qua (23/1), Bộ KH&ĐT phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố “Sách Trắng” doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) do phụ nữ làm chủ. Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông cho biết, tại Việt Nam, 98% tổng số DN có quy mô nhỏ và vừa, trong đó 20% các DNNVV là do phụ nữ làm chủ.

“Lực lượng này có vai trò quan trọng trong tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động, góp phần tích cực giảm đói nghèo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ở góc độ phát triển xã hội, các DN này góp phần tăng vị thế của phụ nữ, tăng đầu tư cho y tế, giáo dục của trẻ em nhất là các trẻ em gái, làm tăng lợi ích xã hội, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững” - Thứ trưởng nhận định.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực DN, trong giai đoạn 2012 - 2022, số lượng DN do phụ nữ làm chủ liên tục tăng với tốc độ ít nhất 2%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trung bình của khu vực DN. Hiện Việt Nam là một trong các thị trường doanh nhân nữ phát triển thuận lợi, mạng lưới DN nữ hoạt động hiệu quả nhất ASEAN.

“Các doanh nhân nữ là những người linh hoạt, mềm dẻo nhưng cũng rất kiên cường và bền bỉ. Họ cũng là những người tiên phong hướng tới tạo dựng một nền sản xuất sạch, vì sức khỏe của cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Đã có nhiều điển hình doanh nhân nữ thành công trên thương trường và đưa được các thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam ra thị trường quốc tế như Vinamilk, TH True milk, Vietjet” - Thứ trưởng phát biểu.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, hiện nay các DN do nữ làm chủ đa số có quy mô siêu nhỏ và nhỏ; số DN quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít. Nhiều DN gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nhân nữ vẫn phải đối diện với các thách thức, rào cản xuất phát từ một số định kiến xã hội và hủ tục truyền thống.

Cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật

TS Adam McCarty - chuyên gia quốc tế của ADB về Chính sách Giới cho rằng, tỷ lệ 20% số DN tại Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2021 do phụ nữ làm chủ ngang bằng với các quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh trong khu vực như Singapore (24%), Thái Lan (23%) và Indonesia (21%) và thậm chí là với các nền kinh tế phát triển nhất trên toàn cầu (ví dụ: Pháp 24%, Thụy Điển 20%). Hơn nữa, 51% DN Việt Nam có phụ nữ nằm trong cơ cấu chủ sở hữu, điều này một lần nữa là cao hơn so với các quốc gia khác.

“Vì vậy, nếu phụ nữ Việt Nam gần như bình đẳng về trình độ học vấn và tham gia lực lượng lao động, tại sao chỉ có 20% số DN là do phụ nữ làm chủ?” - TS gợi mở và cho rằng một trong những nguyên nhân là hệ thống pháp luật. Theo TS. Adam McCarty, Luật Hỗ trợ DNNVV có nhiều mục tiêu tốt, nhưng thiếu “lăng kính giới tính” và còn tồn tại một số vấn đề trong quá trình thực hiện.

“Các văn bản hướng dẫn thi hành luật hoặc là chưa có hoặc quá phức tạp và việc thực thi ở cấp tỉnh còn cần được tăng cường hơn nữa...” - TS Adam McCarty đưa ra lời khuyên.

Cũng theo TS. Adam McCarty, có một số sáng kiến thực thi Luật Hỗ trợ DNNVV đã được triển khai ở cấp tỉnh nhưng nhìn chung tiến độ còn chậm. Quan trọng nhất là tất cả các sáng kiến này đều thiếu kinh phí và sẽ không bao giờ có thể đáp ứng được nhu cầu của hơn 523 nghìn DNNVV của Việt Nam.

Chuyên gia ADB đề xuất, cần rà soát toàn diện việc thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV. “Mục tiêu của việc rà soát này là giúp DNNVV trở nên cạnh tranh hơn thay vì giúp giảm bớt sự cạnh tranh họ phải đối mặt (tức là không nên áp dụng các trợ cấp gây biến dạng giá như lãi suất vay thấp hơn, cắt giảm thuế hoặc phân biệt đối xử theo hướng có lợi). Chi tiêu ngân sách của Chính phủ cần ưu tiên các chương trình hành động có khả năng tác động đến tất cả các DNNVV (khả năng nhân rộng)” - chuyên gia ADB nhấn mạnh, đồng thời đề nghị cần lồng ghép một cách có hệ thống các cân nhắc về giới và có một hệ thống theo dõi và đánh giá mạnh về khía cạnh giới. Đặc biệt, tiếp tục đưa vấn đề giới vào tất cả các văn bản pháp luật và đo lường dữ liệu phân theo giới tốt hơn.

Đọc thêm