'Gỡ khó' khi tiếp cận gói tín dụng ngân hàng 300 nghìn tỷ

(PLVN) - Gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hồi đầu tháng 3/2020 đến nay đã lên tới hơn 300 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, để tiếp cận được gói hỗ trợ này không đơn giản mặc dù NHNN liên tục có các chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn…
Thống đốc NHNN yêu cầu tạo thuận lợi cho các DN, người dân tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng ngân hàng.  (Ảnh minh họa)
Thống đốc NHNN yêu cầu tạo thuận lợi cho các DN, người dân tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng ngân hàng. (Ảnh minh họa)

Tại Hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Nafoods cho biết, dịch Covid-19 là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp phát triển. Bằng chứng là DN này có  mức tăng doanh thu tới 40% trong quý I/2020 so với cùng kỳ 2019.

Ông Hùng cho biết, khi nghe có nguồn tín dụng 250.000 tỷ đồng, DN rất mừng vì đơn hàng có, nguyên liệu có, chỉ cần có vốn để đẩy mạnh sản xuất. Nhưng khi đặt vấn đề với ngân hàng (NH) thì được trả lời rằng chưa có hướng dẫn cụ thể, gói tín dụng còn đợi phân bổ về, các NH còn phải thẩm định, cẩn thận, bởi không có hướng dẫn, sau này hết dịch trách nhiệm đổ lên đầu Giám đốc chi nhánh…

“Chúng tôi đã lên NH làm thủ tục xin gia hạn khoản vay đến hạn vào tháng 3, nhưng NH nói cứ từ từ và khuyên khi đã gia hạn có nghĩa là nợ xấu, sẽ bị đưa vào hồ sơ, DN sẽ gặp khó sau này” - ông Hùng chia sẻ và cho rằng, con số mấy trăm nghìn tỷ đang nằm ở đâu đó, đang nằm ở các NH để cơ cấu chứ chưa xuống DN...

Phản ánh với báo chí, ông Nguyễn Như Khoa - Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hải An cho biết, hiện NH đánh giá mức độ tín nhiệm của từng DN theo tiêu chuẩn thông thường, thay vì dịch bệnh. Theo đó, các NH vẫn đòi tài sản thế chấp nếu DN muốn vay vốn để duy trì hoạt động. Ông Khoa cho biết hiện DN rất cần vốn nhưng lại không có thêm tài sản thế chấp hoặc chứng minh được dòng tiền hoạt động dương để trả nợ. “Đây là điều rất khó với DN lúc dịch bệnh như thế này” - DN này than thở.

Một DN cho biết, một số DN phát biểu trên vô tuyến về gói tín dụng này rất hay, hỗ trợ cho DN trong bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19, nhưng trong số đó, có ý kiến mới chỉ là cảm nhận ở chính sách, còn tiếp cận được không đơn giản. “DN khó khăn, đóng cửa hàng loạt. Thế nhưng, NH lại yêu cầu chứng minh DN thuộc nhóm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cũng như khả năng trả nợ…” - DN này phản ánh.

Để chính sách hỗ trợ của NHNN nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần giúp DN và người dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ổn định và tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, Thống đốc NHNN hôm 16/4 đã có văn bản gửi NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc thiết lập đường dây nóng để xử lý khó khăn, vướng mắc liên quan đến Thông tư số 01. Đồng thời nhấn mạnh: “Giám đốc NHNN Chi nhánh trực tiếp chỉ đạo xử lý cụ thể và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời các phản ánh, kiến nghị, đề xuất liên quan đến Thông tư 01 trên địa bàn…”. 

Trong Báo cáo Chính phủ về các giải pháp chống suy thoái DN, chống thất nghiệp và thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 hôm 21/4, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) cho biết, các DN đặc biệt phản ánh với Chính phủ việc thực hiện các giải pháp từ phía các bộ còn chậm, cũng như việc tiếp cận được các nguồn vay với lãi suất thấp hay các hình thức ưu đãi tín dụng khác là còn rất khó khăn khi thủ tục thực tiễn đang rất rườm rà, phức tạp, yêu cầu các DN phải thế chấp hoặc chứng minh mất nhiều thời gian trong khi nguồn vốn cho việc duy trì sản xuất kinh doanh là rất cấp thiết. 

Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện hầu như các DN công nghiệp rất khó tiếp cận với các hỗ trợ tín dụng tại Thông tư số 01 của NHNN. Nguyên nhân chính là do NHNN dành nhiều quyền tự quyết cho các NH trong việc hỗ trợ DN, trong khi bản thân các NH thực chất hoạt động theo cơ chế của DN thông thường, phải chịu sức ép về chỉ tiêu lợi nhuận với các cổ đông, vì vậy sẽ hạn chế trong việc hỗ trợ các DN đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…

Đọc thêm