Gỡ 'nút thắt' để bệnh nhân hưởng lợi

(PLO) - Theo dự thảo mới của Bộ Y tế, sắp tới thay vì phân tuyến theo đơn vị hành chính như hiện nay, các bệnh viện sẽ được phân theo chuyên môn tuyến dọc. Với cách phân tuyến này, Bộ Y tế kỳ vọng việc phân tuyến, phân hạng, phân tuyến kỹ thuật như trên sẽ giải quyết những bất cập, đảm bảo tính công bằng, có thể áp dụng cho cả y tế công lập và tư nhân, nâng cao niềm tin của người dân, phù hợp mô hình hiện nay ở các nước tiên tiến.
Đề xuất phân tuyến bệnh viện theo chuyên môn, năng lực (Ảnh minh họa internet)
Đề xuất phân tuyến bệnh viện theo chuyên môn, năng lực (Ảnh minh họa internet)

Còn nhiều bất cập, nghịch lý

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có 1.451 cơ sở y tế. Từ trước đến nay, quy định phân tuyến được phân chia theo đơn vị quản lý hành chính gồm: Tuyến Trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã. Phân cấp theo năng lực chuyên môn (phân tuyến kỹ thuật) và phân cấp theo khả năng cung ứng dịch vụ y tế (phân hạng bệnh viện: hạng Đặc biệt (như Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy...), hạng 1, 2, 3, 4 và không phân hạng.

Trong thời gian qua, công tác khám, chữa bệnh đã có những thay đổi vượt bậc, nhiều kỹ thuật phát triển ngày càng đáp ứng sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên, việc phân cấp, phân hạng bệnh viện hiện nay đang bộc lộ những bất cập như chưa đánh giá sát với năng lực của các bệnh viện; thiếu sự kết nối hoặc kết nối lỏng lẻo giữa các tuyến kỹ thuật (do tự chủ tài chính) trong hệ thống chuyển tuyến khám, chữa bệnh.

“Quy định cho phép thông tuyến khám, chữa bệnh ở tuyến huyện làm giảm số lượng người bệnh đến khám và điều trị tại trạm y tế xã. Bệnh viện tuyến huyện có năng lực kỹ thuật cao, thực hiện nhiều kỹ thuật vượt tuyến nhưng không được xếp mức cao hơn. Bệnh viện tuyến tỉnh (đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa) năng lực kỹ thuật thấp hơn nhưng vẫn là nơi bệnh viện tuyến huyện phải chuyển người bệnh lên”, PGS Khuê cho biết.

Theo đại diện Bệnh viện Nội tiết Trung ương, việc xếp hạng bệnh viện như hiện nay cùng với chênh lệch về trần khám chữa bệnh do quỹ bảo hiểm y tế thanh toán khác nhau (tuyến dưới thấp hơn tuyến Trung ương) khiến bệnh viện tuyến dưới thường giữ, không cho bệnh nhân chuyển tuyến điều trị, vì vậy nhiều bệnh nhân khi lên được đến tuyến Trung ương đã trở nặng vì phải điều trị dài ngày ở các bệnh viện tuyến dưới không khỏi.

Cùng đó, theo ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, việc phân hạng theo một nội dung tiêu chí đánh giá và xếp mức chung cho tất cả các tuyến kỹ thuật bệnh viện là không phù hợp, vì mỗi tuyến có chức năng và phân tuyến kỹ thuật khác nhau.

Do đó, việc phân hạng bệnh viện để làm căn cứ xác định mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị cũng không hợp lý, thiếu sự công bằng với các bệnh viện tuyến cao hơn, thực hiện những kỹ thuật cao hơn nhưng ở hạng thấp hơn.

Gỡ “nút thắt” cho nhiều bệnh viện

Trước những bất cập đó, tới đây, Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ đề xuất phương án đổi mới hệ thống khám, chữa bệnh, trong đó có quan điểm về phân tuyến. Thay vì xếp hạng bệnh viện theo quản lý hành chính, Bộ Y tế sẽ thực hiện phân tuyến chuyên môn kỹ thuật căn cứ vào yêu cầu về phạm vi hoạt động chuyên môn, quy mô hoạt động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và năng lực. Đồng thời, theo quy hoạch của Nghị quyết 20 của BCH Trung ương Đảng, Bộ Y tế sẽ không quản lý nhiều bệnh viện như hiện nay mà chỉ quản một số rất ít bệnh viện đầu ngành. 

“Bệnh viện cũng theo lộ trình tự chủ, dự kiến Chính phủ sẽ có Nghị quyết trước mắt thí điểm 4 bệnh viện đặc biệt lớn nhất Việt Nam là Việt Đức, Bạch Mai, K và Chợ Rẫy được tự chủ hoàn toàn như doanh nghiệp công ích, phát triển theo năng lực của mình, tự quyết định, huy động nguồn lực đầu tư của xã hội”, ông Khuê chia sẻ.

Cụ thể, việc phân tuyến được Cục Quản lý khám chữa bệnh đề xuất chia thành 3 cấp theo chuyên môn kỹ thuật: Tuyến 1 là những cơ sở y tế khám, chữa bệnh ban đầu, điều trị ngoại trú; tuyến 2 là những cơ sở y tế điều trị đa khoa được chia làm 2 mức là: đa khoa cơ bản và đa khoa nâng cao - các mức này được xác định dựa trên số lượng chuyên khoa của bệnh viện; tuyến 3 là tuyến điều trị chuyên khoa, chuyên sâu được chia làm 3 mức gồm: chuyên khoa, chuyên khoa kỹ thuật cao và chuyên khoa kỹ thuật sâu.

Trước đề xuất phân tuyến đó, nhiều ý kiến từ các bệnh viện cho rằng việc ra đời Thông tư phân tuyến chuyên môn kỹ thuật là cần thiết và ủng hộ với phương án do Bộ Y tế đề xuất. Thông tư cũng gỡ nút thắt cho các bệnh viện tự chủ tài chính trong việc thanh toán với bảo hiểm y tế.

Tuy nhiên, theo đại diện các bệnh viện, ngoài việc thống nhất các khái niệm, xếp các mức tại tuyến 3 thì tuyến 3 cần giải thích rõ và đưa ra những tiêu chí đối với chuyên khoa, chuyên khoa kỹ thuật cao và chuyên khoa kỹ thuật sâu.

Ngoài ra, về phía Bộ Y tế, với cách phân tuyến này, Bộ kỳ vọng việc phân tuyến, phân hạng, phân tuyến kỹ thuật như trên sẽ giải quyết những bất cập, đảm bảo tính công bằng, có thể áp dụng cho cả y tế công lập và tư nhân, nâng cao niềm tin của người dân, phù hợp mô hình hiện nay ở các nước tiên tiến.