Những bóng hồng trong góc khuất
Mặt tối làng thời trang, người mẫu vốn dĩ rất đáng sợ, đó là sự đan cài của việc lạm quyền từ các ông lớn song song với những giấc mộng đổi đời của dàn chân dài nóng bỏng đầy mê hoặc.
Vì sự thật hiển nhiên đó, câu chuyện đổi chác hay xâm hại tình dục ở ngành công nghiệp xa hoa này không còn mới. Nhưng nó vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối được công chúng đặc biệt quan tâm.
Mới đây, tờ New York Times công bố bài điều tra: “Thiên thần trong địa ngục: Văn hóa coi thường phụ nữ ở Victoria's Secret” với nội dung tố cáo thói nhục dục bẩn thỉu của Ed Razek - cựu giám đốc tiếp thị thương hiệu nội y Mỹ.
“Ed Razek cố tình cưỡng hôn vô số người mẫu, yêu cầu được họ ngồi lên đùi. Thậm chí trước thềm show thường niên 2018, ông ta còn chạm vào quần lót một gương mặt tiềm năng”, New York Times viết.
Cụ thể hơn, người mẫu Andi Muise khẳng định bị Razek cưỡng hôn trong lúc tới nhà hàng ăn tối 13 năm trước. Người mẫu này kể lại, vào năm 2007, sau hai năm đeo đôi cánh thiên thần thèm muốn trong chương trình đường băng Victoria Victoria Secret, cô gái 19 tuổi được mời đến ăn tối với ông Razek. Cô rất hào hứng khi vun đắp mối quan hệ chuyên nghiệp với một trong những người đàn ông quyền lực nhất ngành công nghiệp thời trang.
Ed Razek thường đồng hành cùng các người mẫu trong các show diễn nội y |
Ed Razek đón cô trong một chiếc xe sang trọng, trên đường đến nhà hàng, anh cố gắng hôn cô, khi bị người mẫu từ chối, Razek vẫn kiên trì.
Trong nhiều tháng, Ed Razek đã gửi cho cô những email thân mật. Một lần, Ed Razek đề nghị họ chuyển đến sống cùng nhau trong nhà của ông ta ở Turks và Caicos. Một lần khác, Ed Razek kêu gọi cô Muise giúp ông ta tìm nhà ở Cộng hòa Dominican để họ chia sẻ. “Tôi muốn chỗ nào đó thật nóng bỏng để có được em”, Muise kể Razek đã thốt ra câu này. Andi Muise duy trì giọng điệu lịch sự trong các email của mình, cố gắng bảo vệ sự nghiệp của mình. Khi ông Razek yêu cầu cô đến nhà ở New York để ăn tối, cô Muise nói rằng viễn cảnh ăn tối một mình với ông Razek khiến cô không yên tâm nên đã từ chối. Và sau đó, cô bị Victoria's Secret loại thẳng thừng khỏi show diễn.
Còn vô số chuyện Razek tiếp cận người mẫu lúc họ thử nội y, bình luận thô lỗ về bộ ngực Bella Hadid, xin số điện thoại và gạ gẫm đi qua đêm... cũng bị khui ra trong bài báo.
Làn sóng chỉ trích Ed Razek đang diễn ra sôi nổi trên Twitter, Instagram. Rất nhiều tài khoản dùng từ ngữ bày tỏ nỗi thất vọng lẫn chỉ trích vụ việc. Thành viên Greuft chán nản viết: “Tin tức này đã làm nát tan trái tim tôi. Victoria's Secret đưa tôi vào thế giới thời trang, len lỏi đến từng khoảnh khắc tỏa sáng của các thiên thần. Nhưng bây giờ, mọi thứ với tôi chỉ là một chương trình độc hại, đầy rẫy bê bối”.
Một nhiếp ảnh gia ở Mỹ tên Michelle Kinney kể trên trang cá nhân: “Ed Razek quấy rối tình dục một trong những người bạn thân nhất của tôi 10 năm trước tại nơi làm việc của cô ấy. Việc này lặp lại nhiều lần, thậm chí có lần ông ấy cố đưa lưỡi vào miệng bạn tôi”.
Trước hàng loạt mũi dùi, cách mà Ed Razek đối mặt vẫn là lời giải thích chung chung. Ông phủ nhận trong một email: “Bài báo buộc tội tôi không đúng sự thật hoặc đã bị hiểu sai. Tôi đã làm việc với vô số người mẫu đẳng cấp thế giới, các chuyên gia tài năng và rất tự hào về sự tôn trọng mà chúng tôi dành cho nhau”. Còn Thomas Davies, phát ngôn viên của ông Wexner cũng từ chối bình luận về vụ bê bối này.
Andi Muise - một người mẫu tố bị Ed Razek quấy rối |
Liên tiếp dính “phốt”
Ed Razek ngồi ghế giám đốc điều hành Marketing Victoria's Secret 27 năm (tính từ năm 1992-2018, sau 9 năm vào hãng). Nhiệm vụ chính của ông là tổ chức các show thường niên, xây dựng video quảng cáo các dòng nội y.
Trong khoảng thời gian đó, Razek đã bị khiếu nại nhiều lần vì chiêu PR phản cảm. Năm 2014, ông bị chỉ trích khi tung chiến dịch có slogan “The perfect body” (Thân hình hoàn hảo) ám chỉ những người mẫu mảnh mai, eo thon như Behati Prinsloo, Lily Aldridge mới thực sự đẹp. Còn lại đều không đúng chuẩn, khó có thể diện trang phục hãng. Đến 2018, Razek tiếp tục nêu quan niệm rằng mẫu béo và chuyển giới hoàn toàn không có cơ hội sải bước trên sân khấu Victoria's Secret danh giá.
Trong một buổi chụp hình vào tháng 6/2015, trong một bữa tiệc cho nhân viên của Victoria’s Secret, Crowe Taylor (nhân viên quan hệ công chúng) cũng tham dự. Tại bữa tiệc, Razek chặn đường cô và nhìn cô từ trên xuống dưới. Sau đó, trước sự chứng kiến của hàng chục người, Razek mia mai Taylor về cân nặng của cô và bảo cô nên bớt ăn đi. Lúc đó, Crowe Taylor cảm thấy bị xúc phạm, cô phải chạy trốn vào phòng tắm và bật khóc. Cô bỏ việc vài tuần sau đó.
Người mẫu Australia Robyn Lawley kêu gọi khán giả tẩy chay show nội y vì không tôn vinh vẻ đẹp chân thực, mà khiến người ta chạy theo những chuẩn mực phi thực tế. Cô bức xúc: “Tôi ngán ngẩm khi xem chương trình đó mỗi năm. Thử hỏi sự đa dạng ở đâu? Họ hướng đến sự hoàn hảo một cách khốc liệt”.
Truyền thông cũng cho rằng Victoria's Secret quá gan lì khi không chịu thay đổi. Nhiều người mẫu plus-size không ngại bày tỏ khao khát được hợp tác với hãng nội y, song đáp lại chỉ là sự im lặng.
Trong thời gian 27 năm giữ chức Giám đốc điều hành Marketing Victoria's Secret, Ed Razek bị tố cáo đã đụng chạm cơ thể vô số chân dài. Song không ai đủ dũng cảm nói ra sự thật. New York Times cho rằng cựu giám đốc tiếp thị đã chủ trì “nền văn hóa cổ hủ” chuyên đi bắt nạt và quấy rối phụ nữ suốt giai đoạn đương nhiệm.
Trong khi đó, Leslie Wexner - chủ tịch L Brands (công ty mẹ của Victoria's Secret) dù được các cộng sự báo cáo nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ trước hành động quấy rối tình dục của Ed Razek (cánh tay phải đắc lực của ông ở công ty).
Bê bối tình dục
Vụ việc của Ed Razek khiến công chúng liên tưởng tới phong trào #Metoo đã làm điêu đứng nhiều ông lớn, nhất là “trùm Hollywood” Harvey Weinstein.
Đạo diễn sinh năm 1952 đã dùng mọi quyền lực để bắt ép hàng trăm cô gái, trong đó có nhiều mỹ nhân thế giới phải quan hệ xác thịt để đổi lấy vai diễn. Vụ việc chỉ bị làm lớn khi Angelina Jolie, Gwenyth Paltrow, Mira Sorvino... dám đứng lên chống trả Weinstein.
“Người phụ nữ có khuôn mặt đẹp nhất thế giới” Bella Hadid cũng là nạn nhân của Ed Razek |
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Spectator, khi được hỏi về hành vi tấn công tình dục hàng chục nữ diễn viên, nhà làm phim 68 tuổi trả lời bằng thái độ không mấy ăn năn: “Đúng là tôi đã cho họ vai diễn để trao đổi tình dục, nhưng mọi người từng làm và vẫn làm như thế”.
Trước lúc Ed Razek bị “khui”, Victoria's Secret đã vướng nhiều bê bối tình dục. Tháng 7 năm ngoái, Jeffrey Epstein - cố vấn thân cận của chủ tịch L Brands - đã bị Cục Điều tra liên bang Mỹ bắt với các cáo buộc tấn công tình dục.
Tỷ phú 67 tuổi đã bị truy tố hai tội danh gồm cầm đầu đường dây buôn bán, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Cáo trạng cho hay từ 2002-2005, ông đã trả hàng trăm USD cho các cô gái từ 14 tuổi để quan hệ xác thịt tại biệt thự riêng. Tuy nhiên, khi chưa bị kết án, Jeffrey Epstein đã tự sát và để lại di chúc trao 578 triệu USD cho một người thụ hưởng ẩn danh.
Giữa lúc Victoria's Secret đang ở thời kỳ được dự đoán sẽ không bao giờ có thể vươn mình rực rỡ như trước, bài báo New York Times như rót thêm muôn vàn sự phẫn nộ, khiến đế chế nội y điêu đứng.
Những chuyển biến tích cực
Vắng Ed Razek, hãng tuyên bố hủy show vĩnh viễn vì món ăn tinh thần này đã không còn hấp dẫn người xem. Hiện, Victoria's Secret vẫn chưa tìm ra được hướng đi mới thay những bữa tiệc thời trang thường niên.
Kể từ tháng 3/2019, Victoria's Secret nới rộng cửa chào đón dàn người mẫu ngoại cỡ là Ali Tate Cutler, Lorena Duran đến chân dài chuyển giới Valentina Sampaio gia nhập hãng. Động thái được ví như “cú tát” vào những phát ngôn ngông cuồng của Ed Razek trước đó.
“Tôi tin rằng mình là người mẫu size 14 đầu tiên ký với Victoria's Secret. Tôi rất hạnh phúc khi được làm việc với thương hiệu mình ngưỡng mộ từ khi còn tuổi teen”, Ali Tate Cutler chia sẻ sự vui mừng khi được ngỏ lời.
Thế rồi, hãng đã bắt tay cùng thương hiệu Bluebella trình làng bộ sưu tập nội y tôn vinh cơ thể phụ nữ có vóc dáng đầy đặn, giúp họ luôn tự tin. Chiến dịch được gắn kèm hashtag #LoveYourself (Hãy yêu bản thân mình).
Giới phân tích nhận định với bước đi này, hãng đang muốn tạo dựng lại hình ảnh đẹp trong mắt khách hàng. Nhưng, phải chờ đến khi Victoria's Secret công bố doanh thu sau chiến dịch mới có thể đánh giá đây có phải là cú vực dậy đúng đắn hay không.
Tuy chỉ là một phần nhỏ trong giới, nhưng cái tên Victoria's Secret vẫn cho thấy sức ảnh hưởng lớn đến làng thời trang toàn cầu. Những hậu quả mà hãng đang phải gánh chịu cũng chính là bài học đắt giá cho bất kỳ đế chế nào.
Ở một diễn biến khác, nhờ nắm rõ hướng đi gần như “tuyên chiến” đối thủ của Victoria's Secret, một số thương hiệu nội y đã bắt đầu vùng dậy thời gian qua. Một trong số đó là dòng đồ lót Savage X Fenty của Rihanna.
Siêu sao nhạc RnB đang tạo ra cuộc cách mạng trong ngành thời trang nội y khi đi theo hướng không phân biệt sắc tộc và màu da. Dù phụ nữ thanh mảnh hay có thân hình ngoại cỡ đều xứng đáng diện những bộ đồ lót gợi cảm.
Siêu mẫu Kate Upton tố ông chủ hãng Guess là Paul Marciano có hành vi lạm dụng |
Chiến dịch quảng cáo của Savage X Fenty quy tụ khá nhiều người mẫu có những số đo khác nhau phù hợp với 36 kích cỡ cúp ngực từ 32A đến 44DD, quần lót từ kích cỡ nhỏ XS đến ngoại cỡ 3X. Chiến dịch được đánh giá thành công khi tôn vinh ưu và kể cả khuyết điểm của phụ nữ.
“Hãy đối xử thật tốt với bản thân hoặc một người đặc biệt với bạn” - câu nói của Rihanna trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả phụ nữ nên biết yêu thương và trân trọng cơ thể của mình, điều mà tôn chỉ của Victoria's Secret trước đó không làm được.
Việc tờ New York Times công bố bài điều tra: “Thiên thần trong địa ngục: Văn hóa coi thường phụ nữ ở Victoria's Secret” với nội dung tố cáo thói nhục dục bẩn thỉu của Ed Razek khiến doanh thu của hãng này sụt giảm, lượng rating show thấp kỷ lục, khách hàng quay lưng, các thương hiệu đối thủ “tấn công”, nhiều thiên thần kỳ cựu ra đi và mới nhất là đến bài báo này. Liệu đây có phải động thái cho dấu chấm hết của Victoria's Secret?
Mới đây, Christy Turlington Burns, Amber Valletta, Iskra Lawrence cùng với hơn 100 người mẫu khác của Victoria’s Secret đã ký tên vào một bức thư dài gửi cho CEO John Mehas.
Những “chân dài” kết nối thông qua Model Alliance (tạm dịch là Liên minh người mẫu), một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ cộng đồng người mẫu, để soạn thảo văn bản kêu gọi phải có hành động chống lại “văn hoá sai lầm và lạm dụng” của hãng nội y. Trong thư, họ có đề cập đến những bất cập mà tờ New York Times chỉ ra trong bài báo điều tra “Thiên thần trong địa ngục: Văn hóa coi thường phụ nữ ở Victoria's Secret”.
“New York Times đã nhiều lần báo cáo các khiếu nại về hành vi không phù hợp đối với người mẫu và nhân viên. Chế giễu cơ thể, nhận xét dâm dục, động chạm cơ thể, trả thù vì bị từ chối, sử dụng trái phép hình ảnh người mẫu và gây áp lực để chụp ảnh khoả thân không phí…”, bức thư gửi CEO Mehas viết.
Sau khi chỉ ra các tồn tại, bức thư khuyến khích công ty tham gia RESPECT, được nhấn mạnh là “chương trình trách nhiệm giải trình hiện hành duy nhất được thiết kế bởi người mẫu và cho người mẫu”.
Các công ty tham gia chương trình phải ký cam kết ràng buộc nhân viên, đại lý, nhà cung cấp, nhiếp ảnh gia và các đơn vị hợp tác khác của họ phải tuân theo một bộ quy tắc bảo vệ người mẫu an toàn trong công việc. Các “chân dài” có quyền truy cập vào một cơ chế khiếu nại độc lập, bí mật, với lợi thế giải quyết khiếu nại nhanh chóng, công bằng và trừng phạt thích đáng cho những kẻ lạm dụng. Hơn thế, RESPECT còn bao gồm chương trình đào tạo nhằm mục đích phòng ngừa, đảm bảo mọi người đều hiểu quyền và trách nhiệm của mình.
Bên cạnh người mẫu đang hành nghề và đã giải nghệ, các tổ chức như Time’s Up (phong trào chống quấy rối tình dục) cũng đã ký vào bức thư.
Đáp lại phản ứng mạnh mẽ từ các người mẫu, L Brands – công ty chủ quản của Victoria’s Secret – đã ban hành một tuyên bố trên People: “Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ mục tiêu chung với Model Alliance để đảm bảo an toàn và phúc lợi của các người mẫu. Quy trình Photo Shoot Procedure của chúng tôi, bao gồm đào tạo và giám sát, đã được thực hiện vào tháng 5/2019 và cho thấy những tương đồng với RESPECT, còn hơn thế. Chúng tôi tự hào về những tiến bộ mà chúng tôi đã thực hiện và cam kết cải tiến liên tục. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng tham gia với những người muốn cải thiện ngành công nghiệp”.
Không chỉ Victoria’s Secret, ông chủ hãng Guess là Paul Marciano cũng từng bị siêu mẫu Kate Upton chỉ đích danh và tố cáo lạm dụng, tiếp tục gây xôn xao dư luận. Chân dài 9X tiết lộ cô bị sàm sỡ vòng một và cưỡng hôn ngay trong buổi chụp hình đầu tiên với nhãn hàng vào năm 2010.
Kate tâm sự năm 2011, cô thể hiện rõ thái độ chống đối người sáng lập thương hiệu Guess. Ông Marciano sau đó tung tin đồn xấu về cô, gọi Kate là “con lợn béo” và sa thải cô.
Phản pháo những cáo buộc từ Kate Upton, ông Marciano nhấn mạnh: "Lời tố cáo này sai sự thật. Tôi chưa từng đụng chạm cơ thể Kate Upton, cũng như chưa từng ở một mình với cô ta... Hiện nay, người ta đăng tải mọi thứ lên mạng xã hội mà không quan tâm hậu quả ra sao. Rất nhiều phụ nữ khác, trong đó những người tôi không biết, cũng đứng về phía Upton".
Kate khẳng định cô không cần Marciano phải xin lỗi hay nhận sai. Cô chỉ muốn cảnh tỉnh cho những người mẫu trẻ mới bước chân vào nghề. Cô sẵn sàng hợp tác nếu phía Guess muốn tiến hành điều tra.