Tại phiên họp Chính phủ hồi tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng “giấy phép kinh doanh rất nhiều, rất nhiều, người ta kêu nhiều lắm, cần rà lại. Đây cũng là khâu phát sinh nhiều vấn đề phức tạp”.
Theo Thủ tướng, các Bộ trưởng thấy doanh nghiệp lên xếp hàng rất lâu thì phải xem lại cung cách làm việc của Bộ. Phải loại bỏ điều kiện kinh doanh mang tính áp đặt không hợp lý.
Thống kê của Phòng thương mại và công nghiệp (VCCI) cho thấy, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con).
Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, BizLIVE đã ghi lại ý kiến các doanh nhân xung quanh câu chuyện giấy phép con và góc nhìn của họ trước nỗ lực cải thiện của Chính phủ:
“Cắt bỏ giấy phép con - Không phải muốn hay không mà bắt buộc phải thế”
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VCCI: Việt Nam đặt mục tiêu năm 2020 trở thành một trong 3 nền kinh tế có thể chế cạnh tranh nhất khu vực ASEAN. Để đạt mục tiêu này, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là cắt giảm các giấy phép con rườm rà, rắc rối, phi lý. Đó là yêu cầu để đạt chuẩn của ASEAN.
Tôi nghĩ đây không phải là sự lựa chọn muốn hay không muốn, mà đó là con đường tất yếu phải làm. Với những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành hiện nay, tôi tin rằng mục tiêu giảm được 30-50% điều kiện kinh doanh là hoàn toàn khả thi.
Vừa qua, Bộ Công thương đã chủ động đề xuất cắt bỏ tới 675 điều kiện kinh doanh. Đây cũng là bộ đang dẫn đầu về số lượng giấy phép con nên việc giảm hàng loạt như vậy cũng là hợp lẽ. Cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh hành động quyết liệt này của Bộ trưởng Bộ Công thương. Hy vọng các đề án cụ thể sẽ được ráo riết thực hiện nhằm cụ thể hoá việc cắt giảm này.
Cởi trói cho doanh nghiệp đang là yêu cầu quan trọng nhất hiện nay. Trong đó, việc loại bỏ rào cản từ giấy phép con là giải pháp rất quan trọng. Không chỉ Bộ Công thương mà các bộ ngành khác cũng cần có những động thái tương tự...
“Ám ảnh lớn nhất của người kinh doanh là giấy phép”
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết: Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất với người làm kinh doanh như chúng tôi là giấy phép.
Riêng một dự án chẳng hạn như FLC Sầm Sơn đã cần tối thiểu hàng chục giấy phép con. Chưa nói đến việc không ít trong số đó liệu có thực sự hợp lý và cần thiết, nhưng chỉ riêng khối lượng công sức và quỹ thời gian có thể lên tới hàng năm trời để hoàn thành bằng đó thủ tục hành chính, chắc chắn đã đủ sức làm nản lòng cả doanh nghiệp và địa phương đón nhận dự án.
Trong kinh doanh, thời gian cũng chính là vốn và cơ hội. Điều còn đúng trong năm ngoái, không chắc năm nay còn đúng nữa. Với không ít trường hợp, “vượt rào” trở thành một lựa chọn cực chẳng đã trước những hàng rào tầng tầng lớp lớp, khi mà phía sau mỗi doanh nghiệp và địa phương còn là số phận hàng nghìn người lao động và những người thân của họ.
Trước những động thái cắt bỏ giấy phép con quyết liệt gần đây của Thủ tướng và Chính phủ, như nhiều doanh nhân khác, cá nhân tôi rất vui mừng và hy vọng. Mong sao môi trường kinh doanh của chúng ta sẽ ngày càng bớt đi nỗi ám ảnh về những hàng rào được áp đặt bất hợp lý mà muốn đi qua, đôi khi các doanh nghiệp chỉ còn cách “vượt”.
“Nhiều loại điều kiện kinh doanh chỉ có ở Việt Nam”
Ông Hồ Minh Hoàng – Tổng giám đốc Công ty CP Đèo Cả: “Giấy phép con” lâu nay là một trong những gánh nặng đè lên vai doanh nghiệp. Trong ngành xây dựng chúng tôi, có một số loại giấy phép con phi lý và rắc rối, thậm chí chẳng đâu trên thế giới có mà ở Việt Nam có như giấy chứng nhận đầu tư, chứng chỉ hành nghề xây dựng…
Trước thực tế này, chúng ta đều muốn các thủ tục hành chính, giấy phép, điều kiện kinh doanh càng đơn giản cảng tốt, tuy nhiên việc cắt bỏ cũng cần được thận trọng. Chỉ cắt bỏ những cái vô lý, rườm ra không cần thiết thôi, chứ không thể cắt bỏ một cách ào ào được. Chính phủ thời gian qua đã có rất nhiều nỗ lực trong vấn đề này, doanh nghiệp cũng cần phải ghi nhận và chia sẻ với Chính phủ.
Hơn 5.000 giấy phép con mới chỉ là phần nổi
Ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty thép Việt Nam: Điều quan trọng hơn cả việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh đó là cần sự đổi mới về tư duy. Phải thay đổi tư duy, chuyển từ hành chính sang phục vụ mới là điều quan trọng nhất. Nếu anh cắt bỏ thủ tục giấy tờ nhưng vẫn cung cách coi doanh nghiệp như đối tượng bị quản lý chứ không phải đối tượng cần được phục vụ thì môi trường kinh doanh cũng khó thay đổi.
Ngoài hơn 5.000 giấy phép con hiện hữu cần cắt bỏ, chúng ta còn vô số những điều kiện kinh doanh mà tôi gọi là giấy phép “ẩn”. Chẳng hạn như hệ thống môt loạt quy hoạch vùng, quy hoạch sản phẩm... Những giấy phép quy hoạch vùng ngành, quy hoạch sản phẩm... được coi một loạt giấy phép con.
Nhà nước chỉ nên đưa ra các định hướng, còn việc quyết định đầu tư ở đâu, đầu tư như thế nào và bao nhiêu thì nên để doanh nghiệp căn cứ vào năng lực và thị trường quyết định. Còn kiểu quy hoạch như vậy thì sẽ vẫn còn xin - cho. Nếu chưa thể bỏ ngay được, tôi nghĩ rằng cần có định hướng đổi mới lại vấn đề này.
Giấy phép con kìm năng lực cạnh tranh doanh nghiệp
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Thuỷ sản Thuận Phước: Giấy phép con là một rào cản lớn của doanh nghiệp. Việc sinh ra càng nhiều giấy phép con đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý nhà nước được trao quyền nhiều hơn, gây phiền hà, phiền toái hơn rất nhiều cho doanh nghiệp.
Các cơ quan quản lý, họ cho rằng phải sinh ra thật nhiều các điều kiện giấy phép để gác cổng, quản lý tốt hơn. Họ đặt doanh nghiệp là đối tượng để quản lý và rồi doanh nghiệp tiêu tốn rất nhiều vào các thủ tục rồi thanh tra, kiểm tra. Cuối cùng mục tiêu kiểm soát đâu có đạt được.
Bộ Công thương mới đây đã có có những chuyển biến rất tích cực với đề xuất bỏ gần 700 điều kiện kinh doanh. Tuy số lượng điều kiện kinh doanh còn lại không phải là ít và rất cần được rà soát thêm song đây cũng là nỗ lực rất đáng hoan nghênh. Doanh nghiệp rất phấn khởi.
Tuy nhiên, các bộ ngành còn lại thì sao? Nhiều bộ còn chần chừ trong việc bãi bỏ giấy phép con. Trong ngành thuỷ sản, chúng tôi thấy nhiều các điều kiện vượt xa yêu cầu cả các tổ chức thế giới, thông lệ quốc tế. Chưa kể tần suất kiểm tra, thanh tra cũng quá nhiều.
Khi cải cách cần phải đặt nặng vấn đề hậu kiểm thay vì cơ chế tiền kiểm quá chặt chẽ. Nói chung thời quan qua dù có nhiều thay đổi tích cực nhưng bấy nhiêu là chưa đủ. Doanh nghiệp vẫn tốn rất nhiều chi phí, năng lực cạnh tranh bị thấp xuống...
Nhiều bức xúc “được mở” nhưng mãi vẫn chưa “được đóng”
Ông Hoàng Việt Hà – Giám đốc Điều hành FPT: Năm vừa qua là năm có nhiều sự kiện đối thoại, nhiều hoạt động, nhiều tuyên bố liên quan tới chủ trương và triển khai thực thi Chính phủ kiến tạo, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Các sự kiện trên đã tạo nên một không khí đổi mới, phấn khởi cho cộng đồng doanh nhân nói chung.
Tuy nhiên các vấn đề nêu lên thì chỉ một số nhỏ được giải quyết, việc triển khai thực thi còn chậm, còn vướng nhiều vấn đề giữa các bộ ngành với nhau.
Tôi lấy ví dụ việc FPT đại diện đề nghị cắt giảm thủ tục liên quan tới xuất nhập khẩu hàng điện thoại, máy tính; mỗi lần nhập lại một lần xin giấy phép nhập khẩu. Một năm nhập 4000 lần thì 4000 cái giấy phép, mỗi cái mất hai tuần gây tốn kém khủng khiếp cho doanh nghiệp về chi phí và tồn kho tuy nhiên vẫn chưa thấy có sự thay đổi gì.
Nhiều vấn đề nêu ra bỏ đó chưa được giải quyết. Tiến độ giải quyết các vấn đề đến đâu cũng không được thông báo. Nói chung các bức xúc “được mở” nhưng mãi vẫn chưa “được đóng”. Chúng tôi mong muốn Chính phủ hành động và hành động nhanh hơn nữa.