Rạng rỡ chặng đường 7 năm
Trong bối cảnh thế giới, vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển CNVH (các ngành công nghiệp sản xuất ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, có bản chất vật thể hoặc phi vật thể; thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, có ý nghĩa xã hội và văn hoá để thu về những nguồn lợi kinh tế).
Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, chặng đường 7 năm triển khai Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam (Chiến lược 1755), công tác phát triển các ngành CNVH Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật như: giai đoạn từ năm 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD), trước đó năm 2015 đóng góp 2,68% GDP, các năm 2016, 2017, 2018 đóng góp khoảng 3,61% GDP; bình quân tốc độ tăng trưởng về số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH đạt 7,21%/năm trong 5 năm qua, năm 2022 có khoảng 70.321 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành CNVH và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm...
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, các ngành CNVH đã có sự đóng góp lớn trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cụ thể, sự xuất hiện của các trung tâm CNVH, các thành phố sáng tạo đã và đang làm thay đổi cơ cấu vùng kinh tế; các doanh nghiệp văn hóa, bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Sự thay đổi này đã tạo nên các kết quả đáng ghi nhận ở nhiều ngành như kiến trúc có giá trị gia tăng bình quân tăng 7,37%, thiết kế có giá trị gia tăng của bình quân tăng 6,36%, thời trang có giá trị gia tăng bình quân tăng 7,3%, điện ảnh có giá trị gia tăng bình quân 7,94%...
Không những thế, các ngành CNVH còn đóng góp lớn trong việc quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của “sức mạnh mềm” văn hóa Việt Nam. Trong tiến trình của CNVH, 3 thành phố của Việt Nam là Hà Nội, Đà Lạt, Hội An đã gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm CNVH thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á. Việt Nam lần thứ 4 được vinh danh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2023 sau các năm 2019, 2020, 2022. Những thành tựu này đã dẫn đến ngày 22/11/2023, Việt Nam đã trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 - 2027 với số phiếu rất cao...
Quản lý nhà nước về công nghiệp văn hóa - cần được luật hóa
Ở góc độ chính sách, pháp luật, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và CNVH như: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Trung ương; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014; Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra nhiệm vụ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành CNVH và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa Việt Nam”. Đặc biệt, phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ lớn, trong đó: “khẩn trương phát triển các ngành CNVH, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”.
Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, trong giai đoạn 2018 - 2022, các Bộ, ngành đã rà soát, đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý các ngành CNVH ở Việt Nam; cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thúc đẩy phát triển các ngành CNVH ở Việt Nam: Luật Du lịch 2017, Luật Kiến trúc 2019, Luật Xây dựng sửa đổi 2020, Luật Điện ảnh 2022, Luật Sở hữu trí tuệ 2022... Cũng theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL, về công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, bên cạnh kết quả đạt được, việc phát triển các ngành CNVH vẫn còn nhiều bất cập và thách thức đặt ra. Đó là hiện nay, chưa có một văn bản pháp luật (luật, nghị định) quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH. Đồng thời, còn thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để hỗ trợ, thúc đẩy các ngành CNVH phát triển toàn diện trên cả nước nói chung và ở từng địa phương nói riêng...
Tạo cơ sở pháp lý để thúc đẩy công nghiệp văn hóa
Tại “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển các ngành CNVH Việt Nam, đại diện các Bộ, ngành đã đưa ra nhiều ý kiến xác đáng từ góc độ pháp luật để khẳng định vai trò, vị trí của CNVH trong phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, khơi thông nguồn lực thúc đẩy CNVH phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế như xây dựng văn bản pháp luật quy định thực hiện nội dung quản lý nhà nước về CNVH, xây dựng chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp… Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hiện nay có những ưu đãi chưa đạt được mức mong muốn của từng trường hợp cụ thể và có thể có những sự chưa đồng nhất giữa các loại hình văn hóa khác nhau. Bộ Tài chính ghi nhận, sẽ có tổng hợp, đánh giá, kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền hỗ trợ tối đa cho hoạt động này... Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đưa ra quan điểm về việc Bộ TT&TT sẽ sớm đề xuất một số thể chế, đặc biệt trong hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Báo chí đưa chính sách xuất khẩu các sản phẩm văn hóa thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình trên không gian số...
Nói về khung pháp lý, chính sách để phát triển CNVH, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu kiến nghị, nên lấy doanh nghiệp, những người lao động trong lĩnh vực sáng tạo ngành CNVH là trọng tâm để chúng ta thiết kế những quy định của pháp luật, quy chuẩn về phát triển CNVH; nên có Nghị quyết của Chính phủ, dành nguồn lực từ ngân sách để đầu tư, kiến tạo những động lực cho phát triển ngành công nghiệp này... Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thành phố Hà Nội nỗ lực điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô sửa đổi Luật Thủ đô để đưa ngành CNVH thành ngành mũi nhọn đóng góp cho phát triển Thủ đô một cách bền vững. Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, thành phố Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung những chính sách đặc thù phù hợp với thực tiễn như vấn đề hợp tác đầu tư công - tư bảo tồn phát huy những giá trị di sản, định mức đơn giá trong xây dựng các sản phẩm CNVH...
Từ góc độ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đề cập đến không gian sáng tạo số và vấn đề bản quyền. Theo ông Đoàn Thanh Nô, để bảo vệ tác phẩm trực tuyến khỏi việc sao chép trái phép, cần áp dụng các biện pháp bảo vệ như sử dụng Luật Bản quyền, chuẩn hóa các quy tắc về việc sử dụng tác phẩm và sự tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên của các cơ quan chức năng. Mặt khác, Nhà nước cũng cần sớm hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa chính sách, thúc đẩy nguồn lực xã hội đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tài chính cho văn học nghệ thuật và văn nghệ sĩ ở mức cần thiết. Điều này sẽ tạo ra môi trường thúc đẩy sáng tạo nhằm tạo ra những tác phẩm có giá trị tham gia vào quá trình CNVH.
Điện ảnh là một trong những ngành quan trọng của CNVH, từ góc nhìn này, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD nhấn mạnh việc phải coi trọng luật pháp và sản phẩm văn hóa. “Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng bây giờ tài sản trí tuệ không thể mang ra vay vốn ngân hàng được, tài sản trí tuệ cũng không được bảo hộ. Liên quan đến vi phạm bản quyền, ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù nhưng ăn trộm một bộ phim 30 - 40 tỷ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính”, bà Ngô Thị Bích Hạnh trăn trở.
Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, văn hóa Việt Nam là kết tinh thành quả hàng nghìn năm văn hiến, lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn hóa thế giới để không ngừng hoàn thiện mình và phát triển. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh, con người Việt Nam anh hùng, mến khách, yêu quý bạn bè, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc. Về các quan điểm phát triển các ngành CNVH, theo Thủ tướng, phát triển CNVH phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa; phát triển CNVH phải góp phần quan trọng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng; phải được đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; phát triển CNVH có trọng tâm, trọng điểm CNVH theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, năng động, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao, đồng thời đa dạng hóa, liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; phù hợp với các quy luật cơ bản của kinh tế thị trường và xu thế của thời đại; phát triển CNVH phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước...