Gói chính sách tài khóa, tiền tệ: Cần có cam kết cụ thể, kết quả tính toán được

(PLVN) - Đây là ý kiến được đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đưa ra tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sáng nay, 7/1.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên họp.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phát biểu tại phiên họp.

Không chấp nhận bội chi để đầu tư mục tiêu chưa thực sự cấp bách

Theo đó, đề cập các mục tiêu khái quát của gói chính sách tài khóa, tiền tệ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, nếu không có cam kết về những kết quả đạt được thì khó có thể có thước đo chính xác để đánh giá hiệu quả sau này.

“Cần đưa ra những cam kết cụ thể, có thể có những sản phẩm hữu hình, có những kết quả vô hình nhưng đều có thể tính toán được”, đại biểu nói.

Về căn cứ và tiêu chí để đầu tư nguồn lực, theo đại biểu, căn cứ Luật Đầu tư công và các Nghị quyết về phân bổ ngân sách, một trong những nguyên tắc quan trọng là tất cả nguồn lực được phân bổ phải dựa trên những nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện ràng buộc.

“Lần này, chúng ta phân bổ hơn 346.000 tỷ cho nhiều mục tiêu khác nhau, có những mục tiêu được phân bổ trực tiếp, có những mục tiêu thông qua các công cụ khác như công cụ thuế, công cụ hỗ trợ lãi suất… Tuy nhiên, dù trực tiếp hay gián tiếp thì cũng cần nguyên tắc, tiêu chí cụ thể tương ứng với từng gói chính sách”, đại biểu nói và đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết những nội dung cụ thể về nguyên tắc tiêu chí tương ứng với từng gói chính sách.

Liên quan đến danh mục dự án, không tán thành với có ý kiến cho rằng danh mục dự án cần bao quát mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai kiến nghị cần tập trung vào hai lĩnh vực cụ thể là những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất.

“Chúng ta không chấp nhận bội chi, không chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, đại biểu nhấn mạnh.

Liên quan đến dự thảo nghị quyết, đại biểu cho rằng, “tờ trình có hay đến mấy thì điều quan trọng nhất vẫn là nghị quyết vì đó là căn cứ pháp lý duy nhất để thực hiện sau này”.

Tuy nhiên, đối chiếu với nội dung, đại biểu kiến nghị cần bổ sung thêm một số nội dung, bao gồm đối tượng áp dụng chính sách, thời hạn hoàn thành, các quy định cụ thể về trách nhiệm, các quy định về thẩm quyền, quy định cụ thể lộ trình thanh toán nợ gốc và những cam kết về sản phẩm đầu ra gắn với nội dung Nghị quyết.

“Đề án trình Quốc hội lần này là chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nhưng đây cũng là công việc hết sức khó khăn, là thử thách, đòi hỏi trí tuệ và sự quyết tâm. Tôi nghĩ rằng chúng ta chấp nhận rủi ro nhưng cũng cần có những bước đi thực sự vững chắc, cũng không bị tác động bởi bất cứ xu thế quốc tế nào bởi mỗi quốc gia có một con đường riêng, có cách đi khác nhau, cũng không chịu áp lực bởi bất kỳ mục tiêu tăng trưởng hoặc mục tiêu thành tích. Điều cốt lõi cần đạt được là yếu tố thực chất và hiệu quả”, đại biểu nhấn mạnh.

Quy định chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý sai phạm

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) tán thành cao với sự cần thiết Quốc hội ban hành nghị quyết về giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Cho rằng việc này có cơ sở pháp lý và nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tiễn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đại biểu tin tưởng rằng, với các giải pháp tài khóa, tiền tệ được Quốc hội ban hành, được triển khai thực hiện đúng đối tượng, kịp thời, phù hợp với yêu cầu thực tiễn sẽ sớm phục hồi, phát triển kinh tế xã hội và tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển cho cả giai đoạn 2021 - 2015.

Về cơ bản, đại biểu tán thành với các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội được nêu tại Nghị quyết.

Tuy nhiên, để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra tại dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cần rà soát các giải pháp phù hợp, đảm bảo tính khả thi.

“Nghiên cứu dự thảo Nghị quyết cho thấy, việc bố trí nguồn lực khá lớn, quy định thời gian thực hiện khá ngắn, chủ yếu trong 2 năm 2022 - 2023. Đề nghị trong triển khai thực hiện cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, cần quy định thứ tự của tiên, các nội dung cụ thể cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để đảm bảo tính khả thi”, đại biểu nói.

Ngoài các giải pháp được quy định tại dự thảo Nghị quyết, đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Cùng với đó, đại biểu kiến nghị cần quy định chặt chẽ công tác giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong hoạt động đầu tư công, quản lý tài chính nhà nước.

“Để đảm bảo mục tiêu phòng, chống tham nhũng, tránh lợi dụng chính sách trục lợi, lợi ích nhóm cần quy định đảm bảo cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong thực hiện các mục tiêu của chương trình. Tại dự thảo Nghị quyết cần quy định các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện nghị quyết”, đại biểu nói.

Đồng tình với phương án huy động vốn trình Chính phủ, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) đề xuất làm rõ dự kiến nguồn huy động trong nước, nguồn vốn vay nước ngoài. Theo quan điểm của đại biểu, nên huy động nguồn vốn trong nước là chính.

Về hỗ trợ 2%/năm lãi suất thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trị giá 40 nghìn tỷ đồng, theo đại biểu, cần hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hỗ trợ một số lĩnh vực phải chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch như du lịch, vận tải hành khách, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ ăn uống...

Đồng thời, ngành ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận gói chính sách này. Cùng với đó, cần kiểm soát thật chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng doanh nghiệp, người dân vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà đem đầu tư tài chính, đầu tư bất động sản và một số lĩnh vực rủi ro khác.

Phân tích sâu tác động của đại dịch COVID-19 tới vấn đề lao động và việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) kiến nghị tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, áp dụng cả với lao động chính thức, lao động khu vực phi chính thức; dành khoản kinh phí thỏa đáng trong gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân; dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.

Đọc thêm