Công thông tin điện tử của Chính phủ đưa tin, trả lời báo chí về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện trong thời gian qua, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nội bộ Chính phủ đã bàn, thống nhất cao trình Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và các cấp có thẩm quyền để đưa ra các gói hỗ trợ trước mắt cho nhiều nhóm đối tượng khó khăn với trị giá hơn 61.500 tỷ. Gói an sinh xã hội này được dành cho 6 nhóm đối tượng.
Gói an sinh xã hội này giúp người dân giảm thiểu khó khăn vì dịch bệnh, hỗ trợ phần nào cho các doanh nghiệp sử dụng lao động như vay không lãi suất trong khi đang xem xét tháo gỡ khó khăn về giãn, hoãn thuế, hạ lãi suất tiền vay, khoanh nợ, giãn nợ… "Tinh thần 61.500 tỷ đồng này sẽ được phân bổ, cụ thể là ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
Tôi nhấn mạnh, quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là gói hỗ trợ phải rõ ràng, minh bạch, công khai. Gói hỗ trợ đến tận tay người dân, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách, không để xảy ra tình trạng tham nhũng hay thất thoát" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói khi trả lời báo chí.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo dịch COVID-19 đang tác động toàn diện đến phát triển kinh tế-xã hội nước ta, đặt ra thách thức lớn về bảo đảm việc làm, an sinh và ổn định xã hội. Trường hợp dịch kéo dài đến hết quý II/2020 thì tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,32% và nếu được khống chế trong quý III/2020 thì tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,05%.
Theo báo cáo của Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu như cầm cự được dịch và chấm dứt trong tháng 4 thì số lượng doanh nghiệp phá sản chiếm khoảng 6%, số lượng doanh nghiệp dừng sản xuất chiếm khoảng 32%. "Như vậy, đây là con số sẽ ảnh hưởng đến nhiều lao động khi phải nghỉ việc và không có việc làm" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin.