Chiều 5/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tiến hành 2 phiên họp chuyên đề, trao đổi chuyên sâu, trong đó có chuyên đề: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế”.
Không nên có gói hỗ trợ tài khóa quá lớn
Phát biểu đề dẫn Phiên chuyên đề này, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường, Giảng viên cao cấp Học Viện Tài chính trao đổi về dư địa chính sách tài khóa và phối hợp chính sách tài khóa - tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
Phân tích tình hình thực trạng ngân sách giai đoạn vừa qua, ông Vũ Sỹ Cường nhận định, dư địa thực hiện chính sách tài khóa của Việt Nam vẫn còn nhưng không quá lớn. Do vậy, gói tài khóa trong hai năm 2022 và 2023 khoảng từ 3,8 - 4% GDP là phù hợp, nếu chưa tính đến chi phí y tế.
Về dư địa của chính sách tiền tệ, ông Vũ Sỹ Cường phân tích, trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát tương đối chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán hàng năm nên dư địa chính sách tiền tệ còn ở mức độ nhất định. Thậm chí, năm 2021, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động duy trì ổn định mặt bằng lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, tạo điều kiện giảm chi phí vay vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19, cả tổng cung và tổng cầu bị suy giảm, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc có một gói hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết. Với kịch bản tăng trưởng khoảng 6,5%, Việt Nam cần duy trì gói hỗ trợ tài khóa thêm khoảng 2,4 - 2,8% GDP cho năm 2022 và giảm xuống còn 1,4% GDP cho năm 2023 (theo số GDP mới).
Từ năm 2024, kết thúc gói hỗ trợ mức bội chi sẽ quay về mức trung bình là 3% GDP. Với kịch bản này, nợ công chỉ dao động khoảng 48% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp giai đoạn 2022-2025 sẽ tăng không đáng kể khi Chính phủ sẽ huy động các khoản vay qua trái phiếu Chính phủ dài hạn.
Đưa ra gợi ý chính sách, ông Vũ Sỹ Cường cho rằng, việc thực hiện chính sách tài khóa cần cân nhắc tính bất định của giai đoạn tiếp theo, không nên có gói hỗ trợ tài khóa quá lớn, trong hai năm 2022 và 2023 khoảng 6% GDP (nếu tính cả hỗ trợ về y tế). Bảo đảm hài hòa hai chính sách tài khóa và tiền tệ trong quá trình thực hiện. Đẩy mạnh khả năng giải ngân, thực hiện hàng loạt giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Theo ông Vũ Sỹ Cường, để giảm lãi suất cho vay, bên cạnh điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu, cần thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng, cũng như sử dụng các biện pháp kỹ thuật để ngân hàng có không gian rộng hơn về huy động tín dụng.
Sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ
Nhìn nhận về thách thức trong thời gian tới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho rằng, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu. Các ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà. (Ảnh: ĐBND) |
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ hết sức lưu tâm vấn đề này trong năm 2022 và những năm tiếp theo.
Song song với thách thức vẫn có những cơ hội. Đó là với lượng thanh khoản tốt, thị trường vốn và chứng khoán rất lớn có cơ hội tăng vốn cho ngân hàng, trong đó có ngân hàng thương mại lớn. “Hiện, dư nợ nền kinh tế đạt 10,1 triệu tỷ đồng, trong đó tổng lượng vốn tự có của tổ chức tín dụng là hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu tăng một đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế”, ông Phạm Thanh Hà chia sẻ.
Cùng với đó, chuyển đổi số cũng là cơ hội cho ngành Ngân hàng và thực tế ngân hàng đang tiên phong trong vấn đề này. Thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai chuyển đổi số, cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.
Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Jacques Morisset nhận định, năm 2021 là năm rất khó khăn với Việt Nam. Trong khi kinh tế thế giới tăng trưởng khoảng 5 - 5,5%, Việt Nam chỉ tăng trưởng khoảng 2 - 2,5%.
Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Kinh tế trưởng WB cho rằng, cần thay thế các ưu đãi thuế dựa trên lợi nhuận (miễn, giảm thuế suất) đã lỗi thời bằng các ưu đãi thuế dựa trên chi phí cho phép các doanh nghiệp mục tiêu được khấu trừ bổ sung, như chi phí vốn, chi phí lao động, chi phí lãi.
Tạm thời giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hóa và dịch vụ; tăng cường các quy định chống chuyển dịch lợi nhuận; áp dụng hoặc tăng cường đánh thuế đối với nền kinh tế kỹ thuật số; giảm danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện miễn thuế giá trị gia tăng hoặc hưởng thuế suất 5%; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và áp thuế carbon; ban hành thuế tài sản…
Sau một ngày làm việc, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra, thành công rất tốt đẹp.
Điểm lại các nội dung được thảo luận tại Diễn đàn trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua Diễn đàn đã toát lên một số thông điệp như: chúng ta phải tự cường, phải có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp. Nhiều diễn giả cho rằng chúng ta phải lạc quan, tự tin vào chính mình, tự tin vào dân tộc mình, tự tin với khả năng biến nguy thành cơ, tự tin trong tìm kiếm cơ hội…
“Thông điệp rất nhất quán, rất thống nhất và được nói nhiều ở Diễn đàn là chúng ta đồng hành với nhau. Ngạn ngữ có câu muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Muốn đi xa trong điều kiện đường sá khúc khuỷu, gập ghềnh, khó khăn, thách thức như thế thì càng phải đoàn kết, sát cánh cùng nhau, không chỉ đoàn kết trong nước mà còn tăng cường đoàn kết, hợp tác quốc tế, khu vực. Tôi cho đây là thông điệp hết sức quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, các thông tin của Diễn đàn với những kiến nghị, giải pháp rõ ràng, cụ thể sẽ là đầu vào dữ liệu hết sức quan trọng đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan xây dựng hoàn thiện chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội và đề xuất các gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ cho phòng, chống dịch COVID-19 và chương trình tổng thể phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. “Sau cơn mưa trời lại sáng và sẽ rực rỡ hơn, hãy biến COVID-19 thành cơ hội của chúng ta”, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng.