“Gồng mình” cho con học trường quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Du học” hay “trường quốc tế” đã trở thành giấc mơ của nhiều phụ huynh Việt Nam. Có những gia đình đầu tư cho con học môi trường song ngữ từ nhỏ, du học từ năm cấp II, cấp III...
Nhiều phụ huynh đang “gồng mình” cho con học trường quốc tế. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo DT)
Nhiều phụ huynh đang “gồng mình” cho con học trường quốc tế. (Ảnh minh họa - Nguồn: Báo DT)

Những giấc mơ không “màu hồng”

Câu chuyện được cộng đồng chú ý gần đây là một phụ huynh đã phải “chắt bóp” từng đồng tiền, đi xin “cơm thừa, canh cặn” để nuôi hai con học trường quốc tế, với mong ước con có tương lai tốt đẹp. Cũng trong thời gian vừa qua, một trung tâm tư vấn du học cho biết, số lượng hồ sơ học sinh đăng ký tư vấn ngày càng có dấu hiệu “trẻ hóa”, từ 18, 20 tuổi xuống 13, 14 tuổi.

Theo đánh giá về thị trường giáo dục ngoài công lập của Vietdata, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu châu Á về số lượng trường quốc tế. Ước tính số lượng trường quốc tế ở Việt Nam là khoảng hơn 120 trường từ mầm non đến trung học phổ thông, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Còn trong Báo cáo thuộc nghiên cứu “Giá trị của giáo dục” với tên gọi “Những nền tảng cho tương lai” được Ngân hàng HSBC công bố vài năm trước đây, số liệu du học sinh Việt Nam đang chiếm số lượng lớn tại 47 quốc gia trên thế giới. Ước tính, chi phí du học của họ vào khoảng 3 tỷ đôla Mỹ mỗi năm.

Tuy nhiên, “trường quốc tế” cũng không phải toàn “màu hồng”, hào nhoáng như tưởng tượng của nhiều bậc phụ huynh. Đầu tiên là chi phí học tập đắt đỏ. Chị Lan Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, con chị học ở một trường quốc tế ở Tây Hồ, Hà Nội, học phí năm cấp II của trường mỗi kỳ khoảng 300 triệu đồng. Nhưng học phí cấp III của trường gần 800 triệu đồng/một năm, nên chị đành cho cháu học trường dân lập ở gần nhà. Chị Phương tâm sự: “Từ năm cấp I con đã học trường quốc tế, ban đầu chi phí cũng không quá cao, nhưng càng lên lớp trên, số tiền càng tăng khiến chúng tôi không thể chi trả nổi nữa”. Do học trường quốc tế từ nhỏ, vốn tiếng Việt và khả năng thích nghi với môi trường giáo dục Việt Nam của con chị rất kém.

Chị Đặng Thị Dung (Nghĩa Tân, Hà Nội) chia sẻ, chị định hướng cho con đi du học sớm. Khi lên lớp 8, con của chị Dung đã tạm biệt bố mẹ để bắt đầu hành trình du học ở Mỹ. Học phí trung bình mỗi năm gia đình chị chi trả khoảng 40.000 đôla Mỹ, chưa tính đến khoản chi phí ăn ở, thuê nhà...

Không chỉ phụ huynh, không ít học sinh đang âm thầm chịu áp lực từ môi trường mang tên “quốc tế”. Như Nguyễn Việt Linh (26 tuổi, du học sinh Pháp) cho biết: “Mới đầu khi sang nước ngoài, dù đã 18 tuổi, nhưng việc phải học bằng tiếng Pháp, nghe bằng tiếng Pháp khiến tôi vô cùng áp lực. Thậm chí do không quen với khí hậu, những tháng đầu tiên tôi liên tục bị bệnh. Việc phải tự chăm sóc bản thân một mình, khiến tôi rất cô đơn, lạc lõng”.

Số liệu do Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2019 - 2020, cho biết Việt Nam có khoảng 190.000 sinh viên học tập ở nước ngoài. Các điểm đến phổ biến là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada. Việc được những trường ở nước ngoài chấp nhận cũng không bảo đảm một tương lai ổn định cho các em trong môi trường “bão hòa” du học hiện nay. Như tại Mỹ, nơi có đông du học sinh người Việt, theo một số liệu, chỉ có 10,2% du học sinh Việt nam tại Mỹ tìm được việc làm thực tập Optional Practical Training (OPT). Tỷ lệ du học sinh Việt Nam ở lại được Mỹ chỉ chiếm 3% tổng số du học sinh.

Cần lựa chọn phù hợp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người Việt Nam là 4,67 triệu đồng/tháng vào năm 2022. Tuy nhiên, số tiền trung bình một phụ huynh phải bỏ ra để cho học sinh học trường tư thục, trường quốc tế hoặc đi du học rơi vào khoảng 10 triệu - 80 triệu đồng/tháng.

Dù biết rằng môi trường chuẩn quốc tế có nhiều ưu điểm nhưng phụ huynh cần phải bảo đảm tiềm lực kinh tế gia đình, chuẩn bị cho con những kỹ năng cần thiết, tránh để tâm lý “sính ngoại” biến việc du học trở thành áp lực, ám ảnh, làm kiệt quệ cả về tinh thần và vật chất. Như PGS.TS Trần Thành Nam từng chia sẻ, việc để học sinh trở thành công dân toàn cầu, để bản thân trở nên ưu tú thì du học, tiếp cận các môi trường quốc tế sớm không phải là con đường duy nhất. Mỗi người cần hòa nhập nhưng không hòa tan, phải giữ bản sắc văn hóa riêng của dân tộc. Vì thế, nếu học sinh chưa chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về vốn văn hóa, kỹ năng, ngoại ngữ thì rất dễ phản ứng ngược.

Đặc biệt, hiện nay, kinh tế Việt Nam đang chú trọng phát huy tối đa lợi thế về văn hóa, tiềm năng, thế mạnh trong nước. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào tháng 11/2021: “Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”.

Nếu như các du học sinh, học sinh trường quốc tế thiếu kinh nghiệm làm việc và hiểu biết về văn hóa, bản sắc Việt Nam, sẽ khó nắm bắt được nhiều cơ hội làm việc tốt. Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Navigos Search miền Bắc, Navigos Group từng chia sẻ, hiện nay, cơ chế đào tạo trong nước đã có những thay đổi tiến bộ cả về kỹ năng mềm, kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ. Do đó, các ứng viên trong nước hoàn toàn có đủ điều kiện để tiếp thu nền giáo dục hiện đại, phát triển. Với chương trình đào tạo vừa học vừa làm, học sinh, sinh viên tại Việt Nam có sự am hiểu về quy trình làm việc, va vấp thực tế, sẽ có khả năng đáp ứng công việc nhanh hơn du học sinh mới về nước.

Chính vì vậy, ở trong thế giới phẳng như hiện giờ, mỗi học sinh đều có cơ hội giáo dục bình đẳng. Ở đâu các em cũng có thể tự học và tiếp nhận tri thức toàn thế giới. Phụ huynh không nên “thần thánh hóa” môi trường quốc tế vì đây không phải yếu tố duy nhất quyết định thành công. Điều quan trọng nhất là sự cố gắng của mỗi học sinh và cả sự phù hợp ở triết lý giáo dục, mô hình giảng dạy, sự quan tâm của giáo viên và gia đình.

Đọc thêm