Đẩy mạnh hợp tác quốc phòng Việt-Lào
Ngày 16/10/1945, ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt và sau đó là Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt (ngày 30/10/2019). Đó là những văn kiện chính thức đầu tiên tạo cơ sở pháp lý để hai nước Việt Nam và Lào hợp tác, đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung.
Trong những năm 1945-1947, T.Ư Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định xây dựng và phát triển các đơn vị Việt kiều Giải phóng quân. Các đơn vị này đã gắn bó chặt chẽ với các đơn vị vũ trang yêu nước Lào trong xây dựng lực lượng và chiến đấu, cùng một số đơn vị bộ đội của Việt Nam sang phối hợp với bạn chiến đấu bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ.
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Ngày 30/10/1949 được lấy làm Ngày Truyền thống Quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam (QTN&CGVN) tại Lào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gặp gỡ các chuyên gia Việt Nam sang giúp cách mạng Lào đã căn dặn: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi quan hệ Việt Nam-Lào là “quan hệ đặc biệt”.
Đó là quan hệ của chủ nghĩa quốc tế trong sáng, vô tư, thủy chung, giúp đỡ lẫn nhau: “Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Còn Chủ tịch Souphanouvong khẳng định: “Mối tình Lào-Việt là mối tình thủy chung, trong sáng, cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm và ngát thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất”.
Nét đẹp ấy thể hiện qua mối quan hệ đặc biệt bền vững giữa Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam và QĐND Lào như: Quân đội hai nước thường xuyên tổ chức các đoàn đại biểu quân sự cấp cao thăm, làm việc; tăng cường giúp đỡ nhau trên các lĩnh vực, đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển quân đội hai nước ngày càng hiện đại. Đến nay, đã có hàng nghìn học viên quân sự Lào theo học tại các học viện, nhà trường quân đội ở Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Lào cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên quân sự Việt Nam sang học tiếng Lào trong các học viện, nhà trường của Lào. Số học viên quân sự hai nước thực sự trở thành cầu nối quan trọng, vững chắc, gắn kết quan hệ đặc biệt, bền vững, lâu dài giữa quân đội hai nước. Cùng với đó, quân đội hai nước còn tích cực phối hợp trong công tác tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ QTN&CGVN hy sinh trong thời kỳ chiến tranh tại Lào về Việt Nam.
Đại tá, TS. Trương Thị Mai Hương, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam cho biết, QĐND hai nước cũng chung tay xây dựng đường biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Đến nay, hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã cắm được 1.002 mốc và cọc dấu, được xây dựng tại 905 vị trí.
Việt Nam và Lào cũng phối hợp xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định thư về đường biên giới, cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa hai nước. Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Lào cũng hợp tác hiệu quả trong các cơ chế đa phương, nhất là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), có nhiều đóng góp thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của hai bên, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng, phát triển, củng cố tiềm lực quốc phòng, thế trận quốc phòng toàn dân của mỗi nước.
Vun đắp tình hữu nghị bằng những việc làm thiết thực
Ông Nguyễn Văn Nghiệp, Phó Trưởng ban Liên lạc toàn quốc cựu QTN&CGVN tại Lào cho biết: “Gần 40 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, các lực lượng QTN&CGVN đã phát huy và tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, cao quý của Bộ đội Cụ Hồ. Các lực lượng QTN Việt Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa tinh thần yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế trong sáng.
Chiến đấu giúp bạn để chống kẻ thù chung vì nghĩa vụ quốc tế đối với cách mạng Lào và vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Tất cả không ngại gian khổ, hy sinh, đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi cách mạng Lào cần. Không ít người đã phục vụ cách mạng Lào từ tuổi đôi mươi đến lúc nghỉ hưu, trọn nghĩa, trọn tình, trọn đời với cách mạng Lào.
Nhiều anh được nhận làm con em kết nghĩa, đặt cho tên Lào vừa thân thương vừa dễ nhớ, dễ gọi, không phân biệt Việt-Lào. Các bô lão còn gọi QTN là đội quân nhà Phật. Qua thời gian và thử thách trong chiến đấu, trong quan hệ hợp tác, những tình cảm cao quý đó góp phần tạo nên mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, một di sản vô giá của hai dân tộc.”.
Ngày 22/12/1974, đồng chí Khamtay Siphandon, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Lào gặp mặt đoàn chuyên gia quân sự và QTN Việt Nam tại Xamneua đã nói: “Xương máu của bộ đội Việt Nam hòa quyện với xương máu của nhân dân và bộ đội Lào. Những tấm lòng trong sáng, thủy chung của các đồng chí bộ đội Việt Nam mãi mãi khắc sâu trong tâm trí nhân dân các bộ tộc Lào...”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, hai dân tộc cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, vì sự phát triển bền vững, lâu dài của mỗi nước.