Góp ý cho Dự thảo kinh doanh xăng dầu: Cần sửa đổi nhiều điều khoản quyết định 'tính thị trường'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện các Bộ, ngành đều đã có những góp ý cụ thể cho dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu nhằm thay thế hoàn toàn cho 3 nghị định hiện hành. Các góp ý khá tập trung, đặc biệt về vấn đề điều hành giá và quyền mua bán lẫn nhau giữa các thương nhân phân phối.
Theo dự thảo, các thương nhân phân phối bị hạn chế quyền mua bán. (Ảnh: DMS)
Theo dự thảo, các thương nhân phân phối bị hạn chế quyền mua bán. (Ảnh: DMS)

Không cho mua bán lẫn nhau là đi ngược thị trường

Dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương quy định “không cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau”. Lý giải cho điều này, Bộ Công Thương dẫn ý kiến của các cơ quan thanh tra, kiểm tra cho rằng nếu cho phép thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau sẽ dẫn đến mua bán lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian, đẩy giá xăng dầu lên cao.

Tuy nhiên, theo Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), lập luận này không có cơ sở và đi ngược lại quy luật thị trường. Bởi thông thường, thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân phân phối có giá thấp hơn.

Giả sử có một nguồn hàng giá rẻ, nhưng do bị mua bán qua nhiều trung gian khiến giá bán tăng lên, thì người mua sẽ tìm đến tận gốc nguồn hàng để có thể mua rẻ hơn. Thương nhân phân phối nào bán giá cao sẽ bị đào thải khỏi thị trường do không thể cạnh tranh với các thương nhân đầu mối và phân phối khác có giá rẻ hơn.

Ngoài ra, VCCI cho rằng việc “lo lắng mua bán lẫn nhau có thể khiến số liệu báo cáo về tình hình dự trữ xăng dầu không chính xác” là không có cơ sở bởi theo dự thảo, nghĩa vụ dự trữ lưu thông chỉ áp dụng cho thương nhân đầu mối, không áp dụng cho các thương nhân phân phối. Chưa kể, hiện nay thương nhân đầu mối phải kết nối mạng với Bộ Công Thương, do đó, các dữ liệu về kho chứa xăng dầu, tồn kho xăng dầu đều đã được Bộ Công Thương nắm bắt được.

Góp ý về vấn đề này, Bộ Tư pháp cũng cho rằng, việc giới hạn các thương nhân phân phối mua bán lẫn nhau “sẽ làm hạn chế lựa chọn nguồn cung xăng dầu của các thương nhân phân phối xăng dầu, có thể chưa phù hợp với chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; hoặc có thể được xác định là hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường.

Do đó, cả 2 cơ quan nêu trên đều đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi dự thảo theo hướng cho phép các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Đề xuất bỏ giá trần

Dự thảo cũng đưa ra cơ chế mới để quản lý giá bán xăng dầu. Cụ thể, doanh nghiệp (DN) được quyết định giá xăng dầu nhưng không cao hơn mức trần. Giá trần được tính nguyên tắc chi phí cộng tới, gồm chi phí tạo nguồn, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức và thuế. Như vậy, theo cơ chế này, cơ quan nhà nước sẽ công bố các chi phí thành phần, rồi DN tự tính ra giá trần, thay vì như hiện nay là cơ quan nhà nước công bố giá trần.

Tuy nhiên, theo VCCI, góp ý của các DN cho thấy, cơ chế này chỉ thay đổi về hình thức, chứ không thay đổi bản chất việc quản lý giá xăng dầu. Công thức tính giá và các chi phí thành phần cũng không có sự thay đổi đáng kể so với hiện hành.

Nếu thực hiện theo cơ chế này, giá trần sẽ rất sát với giá thành của toàn bộ các khâu trong cung ứng xăng dầu. Vì thế, đại đa số DN vẫn sẽ phải bán theo giá trần, chứ khó có khả năng bán với giá thấp hơn để cạnh tranh với DN khác. Như vậy, cơ chế mới này không có khác biệt trên thực tế so với hiện hành.

Dự thảo cũng bổ sung quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục kê khai giá bán xăng dầu với cơ quan nhà nước. Nhưng theo phân tích nêu trên, trong trường hợp đại đa số các DN bán xăng dầu với giá trần, thủ tục kê khai giá này không mang lại ý nghĩa quản lý.

Nhiều DN lo ngại cơ chế này sẽ tăng thêm thủ tục hành chính không cần thiết cho cả DN và cơ quan quản lý. Mỗi DN sẽ phải kê khai giá từng tuần khi cơ quan nhà nước công bố chi phí tạo nguồn mới, dẫn đến số lượt làm thủ tục rất lớn.

Với các phân tích trên, VCCI đề nghị Bộ Công Thương cân nhắc đến phương án cho phép DN tự quyết định giá bán (không có giá trần), đi kèm với các quy định về công khai, minh bạch giá (bằng cách kê khai giá trên một cổng thông tin chung và được công khai ngay lập tức) để người tiêu dùng có thể so sánh giá giữa các cây xăng.

Thêm vào đó, cơ quan nhà nước theo dõi diễn biến thị trường thường xuyên để phát hiện các trường hợp vi phạm Luật Cạnh tranh như lạm dụng vị trí độc quyền, vị trí thống lĩnh để bán giá cao bất hợp lý hoặc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh khi bắt tay làm giá.

Trả lời Báo PLVN, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong dự thảo trình Chính phủ tiếp theo, Vụ sẽ tiếp thu các ý kiến của các Bộ, ngành và sẽ báo cáo các phương án còn có nhiều ý kiến. Riêng về quy định mua bán giữa các thương nhân phân phối, Bộ vẫn sẽ đưa đủ 2 phương án, bao gồm “được quyền mua bán với nhau” và “không được quyền mua bán với nhau” để Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Báo PLVN, nhiều khả năng cơ quan soạn thảo vẫn nghiêng về phương án “không được quyền mua bán xăng dầu với nhau”.

Đọc thêm