Góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi): “Xã hội hóa” không chỉ dựa vào… học phí

(PLVN) - Vừa qua, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã tổ chức phiên họp chuyên đề góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Các vấn đề “nóng” về triết lý giáo dục, xã hội hóa giáo dục, phân luồng, hướng nghiệp… được các đại biểu bàn thảo...
Hình minh họa
Hình minh họa

Luật Giáo dục không chỉ là nhà trường

Đó là ý kiến của Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Dương Trung Quốc bởi hiện nay khi sửa Luật Giáo dục, chúng ta vẫn đang bàn đến giáo dục học đường, mà giáo dục học đường chỉ là một bộ phận chứ không phải tổng thể của giáo dục. Giáo dục còn có gia đình, cộng đồng.

Vì vậy, khi nói tới xã hội hóa giáo dục là đòi hỏi toàn xã hội tham gia vào giáo dục, chứ không phải do một số người không hiểu hết mà biến báo xã hội hóa thành chuyện “tiền”.

“Tôi rất muốn Luật Giáo dục đi vào thực tiễn đời sống hôm nay. Ví dụ nói về sách giáo khoa, tại sao đối với những ngành kỹ thuật, công nghệ chúng ta lại không đặt ra việc cho phép được sử dụng sách giáo khoa của nước ngoài. Trên thực tế Luật 10, 15 năm sẽ phải thay đổi nên những gì phù hợp trong giai đoạn này - một giai đoạn chuyển đổi rất lớn - chúng ta phải đưa vào”, ông Quốc nêu quan điểm. 

Một trong những vấn đề quan trọng được đề cập trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) là chính sách xã hội hóa giáo dục. TS. Phạm Thị Ly, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cho rằng, mặc dù chủ trương xã hội hóa giáo dục đã được khẳng định từ lâu trong các nghị quyết của Đảng, của Chính phủ và sự tham gia của khu vực tư đã tạo ra nhiều thay đổi đáng kể trong giáo dục, vẫn đang có những điểm bất cập đòi hỏi chúng ta phải cân nhắc để có những chính sách phù hợp.

Cho tới nay, các luật chuyên ngành về đất đai, tài chính, tín dụng, thuế đã có chính sách ưu đãi xã hội hóa nói chung, nhưng chưa có chính sách riêng hỗ trợ chính sách xã hội hóa giáo dục. Các quy định về bảo hộ, ưu đãi, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực GD&ĐT còn chung chung, không cụ thể.

TS. Phạm Thị Ly cho rằng, cần phải xác định lại quan điểm, hiểu đúng về xã hội hóa. Xã hội hóa không phải chỉ dựa vào học phí, xã hội hóa phải dựa vào các nguồn lực đa dạng của xã hội, không chỉ dựa vào người học. Điều này, theo TS Phạm Thị Ly, đã thể hiện tương đối rõ trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Đơn cử, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đã nêu ra nhiều điểm cụ thể để hỗ trợ cho khu vực giáo dục tư, chẳng hạn như Điều 96 quy định “các khoản đóng góp, tài trợ của cá nhân cho giáo dục được trừ vào thu nhập chịu thuế, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình phục vụ giáo dục, ủng hộ tiền hay hiện vật thì được xem xét để ghi nhận bằng hình thức thích hợp”.

Bài toán phân luồng 

Góp ý liên quan đến nội dung phân luồng, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Nghị định 75 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục có quy định cụ thể về phân luồng. Nếu thực hiện nghiêm chỉnh quy định đó, chắc chắn phân luồng sẽ có chuyển biến. Tuy nhiên, vấn đề phân luồng đến nay vẫn còn nhiều hạn chế.

Lý giải ý kiến của mình, TSKH Nhật Tiến nhắc đến nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân còn ít được nhắc đến đó là chúng ta chưa quan tâm đặt bài toán phân luồng trong mối quan hệ với bài toán liên thông và cả hai cần nhìn trong một bối cảnh mới là học tập suốt đời.

“Bài toán phân luồng phải đặt trong mối quan hệ với bài toán liên thông và cả hai bài toán cần được tìm lời giải trong khuôn khổ của việc xây dựng hệ thống học tập suốt đời. Lý do rất đơn giản: Nếu phân luồng gắn với liên thông thì người học đi vào luồng nghề sẽ không còn cảm thấy đi vào ngõ cụt như trược kia mà vẫn có thể học tiếp ở các trình độ cao hơn; tiếp nữa đặt trong bối cảnh học tập suốt đời sẽ tạo điều kiện và động lực để người lao động nâng cao trình độ theo sở thích, năng lực và điều kiện cụ thể của cá nhân”,  ông Tiến phân tích.

Do đó, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, lời giải của bài toán phân luồng và liên thông phụ thuộc vào việc xây dựng và tổ chức thực hiện thành công khung trình độ quốc gia.

Vì vậy, để đóng góp về phương diện pháp lý cho việc tổ chức thực hiện thành công nhiệm vụ phân luồng và liên thông trong giáo dục, bên cạnh các quy định về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như trong Nghị định 75, cần bổ sung trách nhiệm của các bộ đó trong việc hoàn thiện và tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia. 

Đọc thêm