Về đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài
Đối với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, dự thảo Nghị định đặt ra những quy định không thống nhất với pháp luật đầu tư, pháp luật doanh nghiệp.
Hiện nay, việc góp vốn, mua cổ phần, phần góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở các lĩnh vực ngành, nghề được quy định tại Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó. Trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa, Luật Đầu tư đã quy định tại Phụ lục IV rằng hoạt động Sở giao dịch hàng hóa là ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện. Nghị định 51/2018/NĐ-CP đã đặt ra điều kiện để giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn góp, cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Sở giao dịch hàng hóa ở mức 49%.
Qua rà soát nội dung của Luật Cạnh tranh, Luật này không quy định về thủ tục góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa ( /Điều 1 Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật này gồm: (1) hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; (2) hành vi cạnh tranh không lành mạnh; (3) tố tụng cạnh tranh; (5) xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; (6) quản lý nhà nước về cạnh tranh). Vì vậy, đối với các quy định về nhà đầu tư nước ngoài trong dự thảo Nghị định, cơ quan chủ trì soạn thảo cần loại bỏ và điều chỉnh các quy định có dẫn chiếu, có “tham khảo” từ Luật Cạnh tranh. Cụ thể:
Khoản 2 Điều 85 của dự thảo Nghị định quy định: “Bất kỳ giao dịch chuyển nhượng, mua lại cổ phần nào của Sở giao dịch hàng hoá đều phải thực hiện thủ tục thông báo tập trung kinh tế, thẩm định sơ bộ và thẩm định chính thức theo quy định của Luật Cạnh tranh”. Thủ tục thông báo này tương đối giống với các quy định tại Chương V (Tập trung kinh tế) của Luật Cạnh tranh năm 2018, trong đó gồm: trường hợp phải thông báo, gửi hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định sơ bộ, thẩm định chính thức hồ sơ, quyết định về việc tập trung kinh tế. Ngưỡng phải thông báo tập trung kinh tế được xác định theo khoản 2 Điều 33 của Luật Cạnh tranh 2018 và đã được quy định chi tiết tại Điều 13 Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24/3/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh.
Các tiêu chí xác định ngưỡng phải thông báo gồm: a) Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; b) Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế; c) Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên; d) Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
Do khoản 1 Điều 85 dự thảo Nghị định quy định nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần của Sở giao dịch hàng hóa không vượt quá tỷ lệ 30%, nên nhà làm luật đặt ra yêu cầu phải thông báo tập trung kinh tế như tại khoản 2 Điều 85 dự thảo Nghị định. Điều này hoàn toàn không đúng với các tiêu chí đã được quy định tại Điều 33 của Luật Cạnh tranh và không thống nhất với quy định tại Điều 13 của Nghị định số 35/2020/NĐ-CP.
Khoản 3 Điều 85 dự thảo quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc góp vốn thành lập, chuyển nhượng cổ phần của Sở giao dịch hàng hóa trong khi trường hợp này không thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo Luật Đầu tư 2020.
Do vậy, đề nghị bỏ khoản 2 Điều 85, đồng thời chỉnh sửa cơ bản lại toàn bộ nội dung Điều 85 dự thảo để bảo đảm không trái Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh.
Khoản 2 Điều 86, khoản 2 Điều 87 quy định thủ tục góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đối với thành viên kinh doanh hàng hoá tương lai, thành viên môi giới hàng hoá tương lai phải “thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật Cạnh tranh và các quy định pháp luật khác có liên quan”. Các điều, khoản này đặt ra nhiều nội dung chưa thống nhất với Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, đồng thời lồng ghép nhiều yêu cầu, thủ tục của Luật Cạnh tranh đối với vấn đề đầu tư nước ngoài, dẫn tới nảy sinh chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật chuyên ngành, tạo thêm nhiều thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Đề nghị bỏ khoản 2 Điều 86 và khoản 2 Điều 87 dự thảo Nghị định, đồng thời ra soát, chỉnh sửa lại toàn bộ các quy định về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại hai Điều này để bảo đảm không trái với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư về quyền của nhà đầu tư nước ngoài, cũng như chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Đảng và Nhà nước.
Về vấn đề xử lý vi phạm
Việc xử lý vi phạm trong hoạt động thương mại (mà hoạt động Sở giao dịch hàng hóa là một loại hoạt động thương mại) đã được quy định tại Chương VIII (Xử lý vi phạm pháp luật về thương mại) của Luật Thương mại năm 2005; Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP).
Tuy nhiên, các quy định về xử lý vi phạm tại Điều 124 và Điều 126 của dự thảo Nghị định chỉ đơn thuần dẫn chiếu đến các văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có Luật Cạnh tranh, vừa không thống nhất với pháp luật thương mại, vừa trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại Điều 8 quy định: “Không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có quy định mới”.
Theo đó, dự thảo Nghị định có 11 Điều lồng ghép nhiều nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn chi tiết Luật Cạnh tranh. Các quy định lấn sân này vừa không phù hợp với các điều khoản có liên quan của Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, vừa trái với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu để bỏ các quy định không thuộc phạm vi quy định chi tiết Luật Thương mại, trong đó có các quy định thuộc phạm vi quy định của Luật Cạnh tranh, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch hàng hóa nói riêng.
Trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nỗ lực và quyết tâm xóa bỏ các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nước ta. Do vậy, Bộ Công Thương cần rà soát, phân tích, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung đồng bộ các Luật do Bộ chủ trì soạn thảo như Luật Thương mại, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Cạnh tranh để cải cách về điều kiện đầu tư kinh doanh thật sự đạt được mục tiêu của Chính phủ cũng như mong muốn, kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Trọng Thạch
Giám đốc công ty luật Hữu Nghị,
Thành viên Ban quan hệ quốc tế - Đoàn LS TP Hà Nội