GS. David Khayat: ‘Không thể loại bỏ thuốc lá nhưng có thể giảm nguy cơ gây hại của thuốc lá’

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - GS. David Khayat - Cha đẻ của các kế hoạch phòng chống ung thư quốc gia tại Pháp, nguyên Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia Pháp đã cống hiến cho sự nghiệp chống ung thư trong hơn 30 năm qua. Trong suốt khoảng thời gian nghiên cứu và điều trị các loại bệnh ung thư, ông nhận ra rằng thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong căn bệnh ung thư. Cách thức nào để giảm bớt tỉ lệ này là chủ đề mà Báo Pháp luật Việt Nam đã phỏng vấn GS. David Khayat.
Giáo sư David Khayat - bác sĩ Ung thư danh tiếng hàng đầu ở Pháp. (Ảnh: leparisien)
Giáo sư David Khayat - bác sĩ Ung thư danh tiếng hàng đầu ở Pháp. (Ảnh: leparisien)

Thưa ông, vì sao ông cho rằng thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong căn bệnh ung thư hiện nay?

- Cách đây 30 năm, thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong căn bệnh ung thư. Hiện nay, thuốc lá vẫn là nguyên nhân hàng đầu tại Việt Nam cũng như trên toàn cầu.

Chúng ta cần biết, phần lớn ung thư là do hậu quả của việc tiếp xúc với các chất sinh ung thư. Điều đó có nghĩa là mọi người tiếp xúc càng nhiều với các chất sinh ung thư thì nguy cơ bị bệnh ung thư càng cao. Và mức độ tiếp xúc với các chất gây ung thư liên quan đến 2 yếu tố, bao gồm hàm lượng của chất sinh ung thư và khoảng thời gian tiếp xúc với chất sinh ung thư.

Vì vậy, muốn giảm lượng bệnh nhân tử vong vì ung thư có nguyên nhân từ thuốc lá cần phải có biện pháp khác - ngoài biện pháp loại bỏ thuốc lá. Đó là giảm mức tiếp xúc với chất sinh ung thư, tức là sẽ giảm nguy cơ gây ra ung thư.

Theo ông, cách nào có thể giảm mức tiếp xúc với chất sinh ung thư khi hút thuốc lá?

- Các nghiên cứu cho thấy, khi đốt cháy thuốc lá thì sẽ tạo ra khói và trong khói thuốc có hơn 6.000 hóa chất và những hạt siêu mịn. Trong đó có khoảng 100 chất có nguy cơ gây hại hoặc gây hại thật sự, 80 trong tổng số các chất đó được xếp vào những chất có khả năng sinh ung thư.

Khi không đốt cháy ở nhiệt độ cao mà chỉ làm nóng nguyên liệu thuốc lá lên thôi thì lúc đó lại tỏa ra khí hơi (aerosol). Và phần lớn các chất có trong khí hơi này là hơi nước chứ không có nhiều chất độc hại như khi đốt cháy điếu thuốc lá ở nhiệt độ cao.

Nicotine không phải là chất gây ung thư, nicotine là chất gây nghiện. Sở dĩ người ta thích hút thuốc là do nicotine tạo ra cảm giác hưng phấn, tỉnh táo.

Như vậy, có thể khẳng định là người dùng hút thuốc lá do nghiện nicotine nhưng lại chết vì khói thuốc lá (do đốt cháy). Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại rất rõ ràng các chất sinh ung thư có trong khói thuốc lá. Do đó, cai thuốc lá là giải pháp tốt nhất để không bị bệnh gì hết, đặc biệt là không bị ung thư. Ai cũng muốn cai thuốc lá nhưng vấn đề là thuốc lá gây nghiện, rất khó cai. Ngay cả khi điều trị bằng liệu pháp thay thế nicotine dược phẩm (NRT) thì kết quả cho thấy sau 2 năm chỉ có 6% người cai được thuốc lá.

Vậy có cách nào để giảm bớt nguy cơ gây ung thư ở người hút thuốc lá và đã có những bằng chứng khoa học nào cho khả năng này, thưa ông?

- Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn thuốc lá thì chúng ta chỉ còn cách can thiệp để giảm nguy hại của thuốc lá. Và để giảm được tác hại liên quan đến hành vi hút thuốc lá thì chúng ta phải dựa trên những bằng chứng khoa học và những phát hiện về thuốc lá. Và một trong những phát hiện mới liên quan đến việc giảm tác hại do thuốc lá, đó là thuốc lá làm nóng.Tháng 7/2020, FDA - cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ đã đưa ra kết luận “sử dụng thuốc lá làm nóng thì không có hiện tượng đốt cháy thuốc lá”. Tổ chức này đã xếp thuốc lá làm nóng vào nhóm sản phẩm thuốc lá giảm nguy cơ (reduced risk products).

FDA đưa ra kết luận này vì họ đã nghiên cứu và cho thấy, thuốc lá làm nóng có mức độ chất độc thấp hơn thuốc lá điếu thông thường, với mức giảm từ 80 đến hơn 90%. Như vậy, nếu người hút thuốc lá điếu chuyển sang hút thuốc lá làm nóng thì sẽ giảm được nguy cơ tiếp xúc với các độc chất, nói cách khác là giảm được mức độ tiếp xúc với các chất sinh ung thư.

Thêm một nghiên cứu công bố năm 2017 của tác giả William E. Stephens cũng cho thấy việc giảm nguy cơ ung thư của thuốc lá làm nóng xuống chỉ còn 2%, tức là giảm được 98% nguy cơ ung thư.

Kết quả giảm nguy cơ ung thư này còn được xác nhận bởi các nghiên cứu tại Anh, Đức và nhiều nước khác. Chẳng hạn như ở Hà Lan, một tổ chức tương tự như FDA đã thực hiện một nghiên cứu so sánh giữa thuốc lá điếu đốt cháy và thuốc lá làm nóng. Kết luận của nghiên cứu này cho thấy, so với thuốc lá điếu, nếu sử dụng thuốc lá làm nóng thì làm giảm nguy cơ tiếp xúc với các chất sinh ung thư từ 10-25 lần.

Trân trọng cảm ơn ông!

GS. David Khayat đã được trao danh hiệu cao quý nhất ở Pháp “Légion d’Honneur” (Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh) cũng như nhận được hàng loạt danh hiệu và giải thưởng trên thế giới.

Ông cũng là nguyên Viện trưởng Viện Ung thư quốc gia Pháp, nguyên Trưởng khoa Ung bướu tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière ở Paris và là nhà hoạch định Chiến lược phòng chống Ung thư Quốc gia Pháp giai đoạn 2002-2006.

Ông hiện là thành viên của các hiệp hội ung thư danh tiếng của Mỹ như Hiệp hội Nghiên cứu về Ung thư học Hoa Kỳ, Hiệp hội các Chuyên gia Miễn dịch học Hoa Kỳ. Từ 2013, ông tham gia Ban điều hành Hội đồng Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), vốn là cơ sở tham khảo về ung thư học cho toàn cầu.

Từ năm 2007, GS. Khayat đảm nhận vai trò cố vấn cho Giám đốc Điều hành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva.

Đầu năm 2023, GS. Khayat được bổ nhiệm làm thành viên của Học viện Khoa học Nga.

Đọc thêm