Có rất nhiều, rất nhiều những người con ưu tú của Hà Nội đang đóng quân ở Trường Sa, ngày đêm kiên cường bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Một trong những điểm tựa vững chắc tạo nên sức mạnh giúp họ vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió chính là hậu phương nơi quê nhà.
Chúng tôi đến thăm gia đình Thiếu tá Vũ Văn Thanh (thôn Vĩnh Trung, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) trong một ngày mưa tầm tã. Chị Vũ Thị Minh Hằng - vợ anh Thanh - tiếp chúng tôi niềm nở và thân mật trong ngôi nhà ngói giản dị: “Anh Thanh ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ được hơn hai năm. Những ngày đầu xa vắng chồng buồn lắm, ra ngẩn vào ngơ, trống vắng... Thế nhưng tôi nghĩ chồng mình đi làm nhiệm vụ thiêng liêng nơi biển đảo xa xôi của Tổ quốc, dù có buồn cũng phải quên vì đó vừa là nghĩa vụ vừa là vinh dự của chị và gia đình”.
|
Đoàn công tác của BTL Thủ đô Hà Nội thăm gia đình những người lính đảo Trường Sa. |
Người phụ nữ nào khi xây dựng gia đình cũng muốn người chồng là bờ vai, chỗ dựa vững chắc cho mình. Làm vợ lính đảo thì phải quán xuyến tất cả những công việc mà chồng không thể sớm chiều sẻ chia. Đó là điều mà chị Hằng thấu hiểu sau gần 3 năm xa chồng. Không có chồng bên cạnh, một mình phải gánh vác mọi công việc gia đình, chị Hằng thành trụ cột trong gia đình: lo toan mọi công việc của gia đình nhà chồng, nhà bố mẹ đẻ, chăm sóc bố, mẹ chồng, anh chồng bệnh tật, nuôi dạy con cái. Là một giáo viên, chị luôn lấy công việc và học trò làm nguồn vui. Bận bịu cả ngày, chỉ buổi tối, khi ở nhà vò võ chỉ 2 mẹ con mới thấy nhớ da diết...
Chúng tôi điện thoại kết nối với anh Thanh ngoài đảo Trường Sa lớn. Anh Thanh nói: “Hiện đảo Trường Sa đã được phủ sóng điện thoại Viettel nên tôi thường xuyên điện thoại về nhà hỏi thăm sức khỏe bố, mẹ, vợ và con”. Anh Thanh chia sẻ với chúng tôi niềm vui của anh: “Nhiều năm phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tôi vừa được phong quân hàm từ Đại úy lên Thiếu tá”.
Niềm vui của Thiếu tá Thanh cũng là niềm vui của gia đình. Những ngày này, khi Hà Nội lãng đãng gió heo may của trời chớm Thu thì ở Trường Sa vẫn thừa thãi nắng. Nước ngọt không nhiều, việc tăng gia sản xuất khó khăn vì thiếu nước và gió biển xâm lấn. Nếu không che chắn cẩn thận gió biển đầy muối sẽ làm hỏng các vườn rau. Dù vất vả, thiếu thốn tình cảm nhưng Thiếu tá Thanh và đồng đội luôn xác định nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Quân đội đã giao phó, anh và đồng đội luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Tạm biệt chị Hằng cùng gia đình, chúng tôi đến thăm gia đình chiến sỹ Nguyễn Văn Thắng (ở thôn Bãi, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai). Nghe tiếng gọi cửa, bố mẹ anh Thắng vồn vã chạy ra đón chúng tôi như đón những người lính đảo trở về.
Anh Thắng hiện là y sĩ tại đảo Đá Lớn B. Bác Nguyễn Văn Chín-thân sinh anh Thắng kể: Thắng là con lớn trong nhà. Sau khi học hết cấp 3, ông đã động viên con trai xung phong nhập ngũ vào quân đội nối nghiệp ông cha. Nghe lời cha, Thắng đã nhập ngũ năm 1992. Trong thời gian quân ngũ anh đã được đơn vị (Tổng Cục Hậu cần) cử đi học lớp y sỹ. Sau khi ra trường anh về công tác tại Bộ Tư lệnh vùng C Hải quân (Khánh Hòa). Hiện anh đã có thâm niên hơn 6 năm bám trụ tại đảo Đá lớn B. Ông Chín tự hào: “Ngày còn nhỏ, Thắng là đứa yếu ớt nhất và nhút nhát nhất, không ngờ hôm nay nó lại vững vàng trước sóng gió Trường Sa”.
Còn nhiều lắm những tấm lòng người vợ, người mẹ ngày đêm đảm việc nhà để chồng, con yên tâm nơi biên cương, hải đảo. Chính những người ở hậu phương là điểm tựa vững chắc cho những người lính đảo chắc tay súng, bảo vệ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
Thế Hà