Hết lòng với người dân
Phà Lõm là bản làng biên giới xã Tam Hợp, huyện miền núi Tương Dương, nơi sinh sống 112 hộ dân/ 700 nhân khẩu đồng bào dân tộc Mông. Cách đây gần 30 năm, địa bàn Phà Lõm hết sức phức tạp, khu vực giáp ranh biên giới nên bọn phỉ lợi dụng tuyên truyền, kích động chống phá cách mạng.
Với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, cùng với sự giúp sức sức của BĐBP Nghệ An, cuộc sống nơi đây đã trở lại bình yên. Bản Phà Lõm đã có điện lưới quốc gia để sử dụng, đường giao thông ô tô vào tận bản. Tuy thế, việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân vẫn còn những hạn chế nhất định.
Để ra trung tâm y tế huyện, người dân phải vượt hơn 75km đường rừng trong 3-4 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nếu trường hợp cấp bách mới phải di chuyển quãng đường xa như thế, còn với những bệnh bình thường thì Trạm Quân dân y kết hợp bản Phà Lõm là một điểm đến mà người dân tin tưởng.
Trước đây, người dân thường sử dụng các phương pháp chữa bệnh dân gian, nhưng cũng có bệnh khỏi, bệnh thì không khỏi mà còn nặng hơn. Từ ngày thành lập Trạm quân dân y tại bản Phà Lõm, người dân đã yên tâm hơn khi đau ốm xảy ra.
Ngoài những liều thuốc Tây y được đưa từ miền xuôi lên để phục vụ khám chữa bệnh, vườn thuốc nam với đủ loại dược liệu luôn xanh tốt dưới bàn tay của các chiến sỹ quân y.
Hôm chúng tôi đến, chứng kiến cảnh đang chăm sóc vườn thuốc Nam thì bỗng có người đến với chứng đau bụng, y sĩ, Thiếu tá Trần Xuân Phương lập tức rửa chân tay để vào thăm khám cho dân. Trên giường bệnh, anh Xồng Rà Lầu, người dân trong bản đang nhăn nhó với cái đau, miệng liên tục rên nhỏ. Xồng Rà Lầu cho biết, cái u nhọt đang sưng lên mấy ngày nay, nhưng vẫn cố gắng chịu đựng vì nghĩ là nó tự khỏi.
Qua thăm khám cho thấy cái nhọt được dùng thuốc lá đắp vào đã sưng tấy lên do nhiễm trùng. Sau khi sát trùng, bệnh nhân được phát một liều thuốc kháng sinh về nhà uống, trước khi về y sĩ Phương không quên nhắc nhở phải giữ gìn vệ sinh ít hôm nữa quay lại để nặn ra mới khỏi. Lầu nhăn nhó: “Ta đau quá không chịu được mới phải bỏ dở khi đang đi rẫy về nên chưa có mang tiền, cán bộ Phương cho nợ tiền thuốc nhé”…
Vừa chia tay Xồng Rà Lầu để chuẩn bị bữa cơm tối thì một thanh niên chân máu me bê bết được người thân cõng vào Trạm quân dân y. Lầu Nhìa Lồng vừa được cõng từ trên rẫy xuống, do chặt cây rừng làm gậy nhưng không may dao va vào chân rách toác cả mảng da. Lập tức bệnh nhân được sơ cứu cầm máu, vệ sinh, băng bó rồi mới cho thuốc về nhà điều trị.
Từ ngày về đây công tác, y sĩ Phương cũng như những đồng đội khác đều cố gắng học và nói thành thạo được tiếng đồng bào Mông để thuận tiện hơn trong giao tiếp. Nhờ sự nhiệt tình, chăm chỉ và luôn hết lòng với người dân nên y sĩ Phương được già làng Xồng Chống Của nhận làm con nuôi, Phương gọi già làng là bố.
Qua lời kể của Già làng Xồng Chống Của cho thấy ông rất tự hào về người con nuôi của mình. “Thằng Phương không những mang thuốc chữa bệnh cho dân bản mà còn chỉ cho dân ta biết sống hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh nên bà con ở đây quý lắm…”, già Của chia sẻ.
“Bệnh viện thu nhỏ” của dân bản
Công việc tại Trạm quân dân y như một bệnh viện thu nhỏ, hết người này lại đến người khác đến, người thì đến hỏi thăm, người thì xin thuốc, người chữa bệnh. Công việc liên tục suốt cả ngày, có khi cả đêm, đang ngủ cũng có người đến nhờ khám.
Y sĩ Phương cũng luôn cởi mở, sẵn sàng với tất cả các bệnh nhân. Từ đau ốm bệnh tật cho đến sinh đẻ cũng đều được đưa đến trạm để nhờ giúp đỡ, điều đó cho thấy người dân nơi đây tin tưởng vào lực lượng biên phòng nói chung và sự tận tâm của các chiến sỹ quân y. “Không những chỉ người Việt đau ốm mới tìm đến, nhiều người dân Lào bên kia biên giới những lúc đau ốm cũng chạy sang Trạm quân dân y để khám chữa bệnh”, Thiếu tá Phương nói.
Tại Trạm quân dân y, dụng cụ hỗ trợ cho cán bộ quân y rất đơn giản chỉ có ống nghe, bộ đo huyết áp, cặp nhiệt kế cùng những thiết bị có thể dùng cho ca tiểu phẫu thông thường. Thượng tá Phạm Huy Hoàng, Chính trị viên Đồn BP Tam Hợp cho biết, trang thiết bị còn thiếu thốn nhiều, thuốc cấp cho các trạm quân dân y cũng không đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân. Ngoài thuốc được cấp ra thì y sĩ Phương còn phải dùng tiền lương để mua bổ sung phục vụ việc khám chữa bệnh cho bà con.
Thiếu tá Phương chia sẻ, thuốc cấp phát có một số được miễn phí, một số phải thu tiền vì thuốc đó phải mua từ miền xuôi lên. Nếu bắt được bệnh mà thuốc không đảm bảo cũng không thể điều trị dứt điểm nên cũng cần phải mua thuốc tốt để đảm bảo hơn.
Để đảm bảo an toàn cho người bệnh thì cần thận trọng trong việc chữa bệnh tại chỗ cho bà con hay chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì phải hết sức thận trọng.
Hơn 20 năm công tác ở nhiều địa bàn, y sĩ, Thiếu tá Phương có thể sử dụng thành thạo tiếng của đồng bào Thái, đồng bào Mông và Khơ Mú trong giao tiếp cũng như để thăm khám bệnh. Cũng có những lúc dân bản lại thấy y sĩ Phương cùng đồng đội giúp dân làm rẫy, trồng cây, dựng nhà… Bên cạnh đó tuyên truyền vận động nhân dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa tại khu dân cư, luôn thầm lặng làm tròn trách nhiệm mỗi ngày…