Thức trắng đêm đối phó những cơn đói thuốc
Chúng tôi đến thăm nơi đây vào những ngày giữa tháng 2/2019. Theo chân ông Nguyễn Đình Trinh-Trưởng Phòng y tế đến nơi ở của các học viên tại cơ sở xã hội – bộ phận tiếp nhận học viên mới vào và điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Ngang qua cửa phòng nào, các học viên bên trong đều đứng dậy xếp hàng đồng thanh “chào thầy”, “chào cô” khiến chúng tôi có cảm giác như ở trong trường học phổ thông hay cơ sở dạy nghề.
“Lúc tỉnh táo thì lễ phép vậy đó, nhưng khi lên cơn thèm thuốc thì học viên có những hành vi rất khó lường”, ông Trinh nói và đưa cho chúng tôi xem tập hồ sơ quản lý học viên.
Thời điểm hiện tại có 167 học viên đang cai nghiện tại cơ sở, trong đó có 20 học viên được bố trí ở cơ sở xã hội để điều trị cắt cơn. Mỗi ca trực, nhân viên y tế phải chia làm hai nhóm, một nhóm trực ở cơ sở xã hội để điều trị cắt cơn cho học viên mới vào, một nhóm trực bên trong cơ sở cai nghiện để kịp thời khám chữa bệnh cho học viên khi đau ốm. Với 6 y sĩ, trong đó 3 y sĩ nữ, bộ phận y tế phải rất vất vả mới có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ông Trinh chia sẻ, phần lớn các học viên sử dụng ma túy qua nhiều năm, một số người có tiền án, tiền sự hoặc mắc các bệnh truyền nhiễm. Có người bị hen suyễn, lao phổi, có cả người bị nhiễm rút HIV. Về tâm lý, những học viên bị bắt buộc đi cai nghiện thường bức bối.
Nhiều người thiếu sự quan tâm của gia đình còn có diễn biến tâm lý phức tạp hơn. Chính vì vậy, công việc của người thầy thuốc ở đây gặp nhiều khó khăn và không tránh khỏi những rủi ro, không chỉ có nguy cơ phơi nhiễm bệnh mà còn có nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào.
Lướt qua một số tờ biên bản vụ việc có thể hình dung được sự nguy hiểm đối với nhân viên y tế ở cơ sở cai nghiện. 17h50 ngày 12/2/2019, học viên Ng.A.D. (SN 1993, Tam Dân, Phú Ninh, Quảng Nam) la hét, đòi uống rượu, bia; 21h ngày 12/2/2019, học viên L.Đ.K (SN 1988, Tam Thái, Phú Ninh) gây rối, không thực hiện nội quy; 20h ngày 18/2/2019, học viên Ng.T.A. (SN 1972, trú Tam Đại, Phú Ninh) quậy phá, đập đầu vào tường.
Trước đó, vào lúc 15h20 ngày 28/10/2018, học viên Ph.T.Th. (SN 1980, Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam) đập nền gạch lấy mảnh gạch vỡ để cắt mạch máu tự tử khiến nhân viên y tế phải một phen vất vả xử lý.
Gần đây nhất, ngày 28 Tết Kỷ Hợi, khi vừa mới được đưa vào Cơ sở, học viên Lê Tiến T. (SN 1991, Điện ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) trong cơn ngáo đá đã hùng hổ lật đổ bàn làm việc và lao đến đánh nhân viên y tế.
Do ảnh hưởng của ma túy, cộng với bản chất hung hăng, côn đồ, một số học viên không kiểm soát được hành vi của mình. Đặc biệt, lúc lên cơn đói thuốc, học viên la hét cả đêm, chửi bới, tấn công cả nhân viên y tế. Do vậy, khi trực ở cơ sở xã hội, hầu như các nhân viên y tế đều phải thức trắng đêm.
Có nhiều học viên không muốn cai nghiện nên sau khi vào cơ sở giả vờ bệnh để được ra ngoài. Một lần, giữa đêm khuya, Cơ sở phải cấp tốc đưa 15 học viên xuống Trung tâm y tế huyện cấp cứu vì họ đồng loạt uống nước tẩy rửa nhà vệ sinh. Nhiều học viên không chịu phối hợp trong việc điều trị cắt cơn, không chịu uống thuốc hoặc giả vờ uống rồi lén nhả bỏ.
Tuy nhiên, hiểu được tâm lý học viên, với mong muốn cai nghiện thành công cho các học viên, các thầy thuốc lại chịu khó gần gũi, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của học viên để tư vấn, cảm hóa, giúp học viên qua cảm giác “giòi bò trong xương” của quá trình cắt cơn và tiếp tục động viên họ suốt quá trình cai nghiện.
"Tôi tin rằng dù thế nào bản tính lương thiện vẫn tồn tại trong mỗi học viên, chỉ là nhất thời họ bị ma túy chi phối mà thôi", ông Trinh tâm sự.
Kiêm luôn vai trò người nhà
Do học viên cai nghiện được xem như người bệnh nên việc đưa học viên đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện là chuyện khá thường xuyên đối với các thầy thuốc ở cơ sở. Tuy nhiên, có nhiều gia đình không hợp tác hoặc bỏ mặc người thân nên các thầy thuốc phải làm thay vai trò người nhà.
Điển hình là trường hợp của học viên Nguyễn Văn T (SN 1985, Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam). Khi T. bị bệnh nặng phải đưa đến bệnh viện điều trị, cán bộ Cơ sở liên hệ với gia đình T. thì gia đình trả lời rằng không có tiền đón xe đến bệnh viện. Thế là các thầy thuốc phải gửi lộ phí để phụ huynh đến bệnh viện chăm sóc T.
Lại có những trường hợp gia đình học viên bỏ mặc không đến bệnh viện dù con em mình bệnh nặng. Những lúc như vậy, với trách nhiệm và tình thương, các thầy thuốc thay nhau trực 24/24h tại bệnh viện để chăm sóc học viên và làm rất nhiều việc như bón cháo, bón sữa, tắm rửa, hỗ trợ bệnh nhân đi vệ sinh.
Theo các nhân viên y tế nơi đây, người nghiện là những bệnh nhân, nạn nhân của ma túy. Với suy nghĩ đó, ông Trinh và các đồng nghiệp đã luôn gần gũi, động viên, chia sẻ để bệnh nhân của mình có thêm quyết tâm và niềm tin để vượt qua khó khăn, sớm được trở về với cuộc sống đời thường. Đó cũng là liều thuốc tinh thần mà những người thầy thuốc mang đến cho học viên.
Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Cơ sở chia sẻ: "Theo lẽ thường, bệnh nhân cần và tự tìm đến bác sĩ. Tuy nhiên, ở đây thì ngược lại, chúng tôi tìm họ, cần họ hợp tác để cai nghiện. Bên cạnh nhiệm vụ tư vấn, tâm lý trị liệu, giáo dục phục hồi hành vi, dạy nghề, dạy văn hóa... việc điều trị bệnh, phục hồi sức khỏe là rất quan trọng.
Học viên thường mắc đủ các loại bệnh xã hội, truyền nhiễm, cán bộ y tế có nguy cơ cao bị phơi nhiễm. Thậm chí trong giai đoạn cắt cơn, họ còn đe dọa, tấn công. Nếu không xuất phát từ một trái tim nhân hậu và tinh thần trách nhiệm cao thì những người thầy thuốc nói riêng và cán bộ của cơ sở đã không thể hoàn thành nhiệm vụ".
Còn với ông Trinh, mặc dù cuộc sống có nhiều khó khăn nhưng ông đã có 23 năm liên tục gắn bó với Cơ sở. Mỗi trường hợp học viên cai nghiện thành công là một niềm vui lớn của ông và các đồng nghiệp nơi này.