Hạ dự báo tăng trưởng, ADB vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ mức dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam từ 6,7% xuống còn 3,8% trong năm nay. Dù vậy, ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 22/9, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021. Theo Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) 2021, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đã phục hồi trong nửa đầu năm 2021, chủ yếu do lưu lượng thương mại tăng cao, nhưng đã chậm lại trong nửa cuối năm do làn sóng thứ 4 của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động. Lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế trong năm 2021 và 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.

Cụ thể, theo ADB, việc kéo dài giãn cách xã hội ở các thành phố lớn sẽ tiếp tục làm gián đoạn nguồn cung lao động, gây tổn hại đặc biệt đến các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động và làm giảm sản lượng.

Do vậy, tăng trưởng công nghiệp dự báo sẽ giảm xuống 5,0% vào năm 2021 so với mức trước đại dịch là 8,9% vào năm 2019.

Tính đến ngày 15/9, 33% dân số đã được tiêm phòng COVID-19 mũi 1, nhưng chỉ dưới 6% dân số đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Tỷ lệ được tiêm đủ 2 liều còn thấp có thể hạn chế người lao động quay lại sản xuất trong năm 2021, vì chỉ những người được tiêm chủng đầy đủ mới có thể đi làm an toàn.

ADB đánh giá, các thủ tục hành chính rườm rà, đặc biệt là trong việc cấp giấy đi đường, đã làm gián đoạn sự dịch chuyển của lao động và chuỗi cung ứng thực phẩm, làm trầm trọng thêm tác động của đại dịch đối với nền kinh tế.

Ngân hàng này nhận định, đại dịch và giãn cách xã hội kéo dài dự kiến sẽ làm tiêu dùng và đầu tư sụt giảm trong năm 2021. Tình trạng thiếu lao động, thủ tục giải phóng mặt bằng chậm, chi phí vật liệu xây dựng tăng và mùa mưa bão trong quý 3 và quý 4 sẽ làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Theo báo cáo, mặc dù chính sách tài khóa có thể hỗ trợ tăng trưởng, nhưng lại khó có thể kích cầu trong nước do chi tiêu của Chính phủ bị hạn chế khi ngân sách ngày càng trở nên khó khăn và dự kiến mức bội chi là 5% GDP năm 2021, cao hơn một chút so với chỉ tiêu.

Nhu cầu tín dụng cho đến nay vẫn giảm trong năm 2021 do đại dịch làm gián đoạn sản xuất và kinh doanh. Tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ chậm lại ở mức 10% –11% trong năm nay, thấp hơn chỉ tiêu 12%...

Theo đó, ADB giảm dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2021 từ mức dự báo 6,7% trong báo cáo ADO 2021 xuống 3,8%.

Với giả định rằng đến cuối năm 2021, đại dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát và đến quý 2 năm 2022 tỷ lệ tiêm phòng đủ 2 liều vắc xin chiếm 70% dân số, dự báo tăng trưởng cho năm sau được điều chỉnh thành 6,5%, vẫn thấp hơn so với dự báo trước đó.

Dự báo tỷ lệ lạm phát cũng được điều chỉnh giảm xuống mức 2,8% cho năm 2021, do sức cầu trong nước giảm đã đẩy tỷ lệ này xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tỷ lệ lạm phát được dự báo ở mức 3,5% vào năm 2022 khi tăng trưởng tăng tốc.

Theo ADB, triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn còn thách thức. Nguy cơ chính đối với triển vọng phát triển là một đợt bùng phát COVID-19 kéo dài nếu tỷ lệ tiêm phòng tăng không đáng kể.

Do vaccine chưa đến Việt Nam đủ nhanh nên nỗ lực của Chính phủ để bắt đầu sản xuất vắc xin COVID-19 trong nước trong năm 2021, kết hợp với tăng cường mua vaccine từ các nguồn bên ngoài, sẽ là yếu tố quan trọng để Việt Nam ngăn chặn cuộc khủng hoảng về y tế do đại dịch gây ra.

Triển vọng tăng trưởng trong năm nay và năm sau cũng sẽ phụ thuộc vào việc cung ứng kịp thời và đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, như lương thực thực phẩm và tiền mặt, cho những người bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát đại dịch. ADB cũng nhận định nợ xấu có thể trở thành rủi ro trong năm 2022.

ADB cho rằng, việc cắt giảm gánh nặng hành chính không cần thiết và thực hiện số hóa các thủ tục của chính phủ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả của các biện pháp ngăn chặn đại dịch và hỗ trợ phục hồi nền kinh tế của Việt Nam trong năm nay và năm sau.

Đọc thêm