Hà Giang: Phấn đấu đến năm 2025 không còn nhà tạm, nhà dột nát

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Tỉnh Hà Giang phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Hà Giang: Phấn đấu đến năm 2025 không còn nhà tạm, nhà dột nát

Ngay sau khi phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước" được Thủ tướng Chính phủ phát động, tỉnh Hà Giang đã ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Giang; các huyện, thành phố đã phát động khởi công triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát; chủ động ứng trước kinh phí để hỗ trợ triển khai làm nhà ở cho người có công.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và toàn thể nhân dân, nhiều ngôi nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được sửa chữa, xây mới.

Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, tỉnh Hà Giang đã xây dựng được 2.175 nhà trên tổng số 10.688 hộ cần hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó có 2.009 nhà xây mới, 166 nhà sửa chữa.

Tỉnh Hà Giang đã hỗ trợ xóa hơn 2.000 căn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Ảnh: A.TTỉnh Hà Giang đã hỗ trợ xóa hơn 2.000 căn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Ảnh: A.T

Năm 2025, tỉnh Hà Giang quyết tâm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát. Để hoàn thành nhiệm vụ đó, địa phương này chỉ đạo các cấp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức thực hiện việc triển khai ở cơ sở, đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công. Việc triển khai xây dựng nhà ở gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phòng chống thiên tai, đảm bảo chất lượng công trình.

Bên cạnh đó, Hà Giang sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân làm nhà theo mẫu nhà truyền thống của địa phương; Vận động các lực lượng vũ trang, đoàn viên các hội đoàn thể, cộng đồng dân cư, các nhà hảo tâm hỗ trợ hộ nghèo về ngày công, vật liệu; Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào; Nâng cao nhận thức của người dân thuộc đối tượng hỗ trợ để tích cực tham gia vào chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Để hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025, đòi hỏi địa phương phải đổi mới phương pháp huy động nguồn lực theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, ngoài huy động nguồn lực từ trung ương, địa phương cần có sự chung tay, giúp sức của cả cộng đồng, trong đó có các doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện cùng “chia ngọt, sẻ bùi”. Muốn thực hiện được điều này đòi hỏi sự phát huy vai trò của cá nhân người đứng đầu trong công tác dân vận, cũng như quyết tâm, quyết liệt triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Cùng với đó, cần giám sát chặt chẽ để bảo đảm việc sử dụng nguồn lực dành cho chương trình được hiệu quả, công khai minh bạch, tránh phát sinh tiêu cực, lãng phí, tham nhũng khi thực hiện chương trình.

Ngoài ra, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Xóa hết nhà tạm, nhà dột nát để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đọc thêm