Hà Lan - 'Thiên đường thuế' nổi tiếng

(PLO) - “Paradise Papers” - “Hồ sơ thiên đường” với 13,4 triệu tài liệu, tiết lộ các hoạt động trốn thuế ở nước ngoài của hơn 120 doanh nghiệp hàng đầu, chính khách và người nổi tiếng thế giới. Trong số các “thiên đường” có Hà Lan, với các quy định pháp luật cho phép các tập đoàn lớn được miễn một phần thuế nếu như đặt chi nhánh tại nước này. 
Ảnh minh họa

Hà Lan vốn nổi tiếng với hình ảnh thanh bình của màu xanh cây lá, hoa tulip và các cối xay gió nằm rải rác. Là một trong những nước sáng lập ra Liên minh Châu Âu, Hà Lan cũng đã trở thành một “thiên đường” thuế thực sự. 

Núp bóng đối tác

Vào năm 2009, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu đích danh Hà Lan, cùng với Bermuda và Ireland, là những “thiên đường” thuế cho các công ty đa quốc gia: “Gần một phần ba lợi nhuận từ nước ngoài theo báo cáo của các công ty Mỹ vào năm 2003 đến từ ba quốc gia bé nhỏ và đánh thuế thấp này”. Nike, General Electric, Heinz, Caterpillar, Foot Locker, Uber, Tesla…”. Danh sách các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ có tài sản khổng lồ trong các công ty con ở Hà Lan dài hơn nhiều so với “Hồ sơ Panama”. Trong số 2.500 tỷ USD lợi nhuận từ nước ngoài của nền kinh tế Mỹ, ít nhất 500 tỷ đang nằm ở Hà Lan. 

Chẳng cần phải tìm hiểu sâu xa mới biết được lý do: Không bị nhiều tai tiếng như vùng Caribê, Hà Lan cung cấp cho các tập đoàn Mỹ cơ hội để có thể giảm thuế của họ xuống mức tối thiểu, với điều kiện là biết khai thác những lỗ hổng của hệ thống thuế của nước này. Cách tốt nhất là thông qua công ty hợp danh “vennootschap”, có sức mạnh gần như phép thuật: Thay vì phải có tư cách pháp nhân riêng của mình, loại doanh nghiệp này được coi là một đối tác đơn giản của nhiều công ty nước ngoài, và do đó có thể thoát khỏi tất cả các loại thuế.

Cơ quan thuế Hà Lan cho rằng các công ty nước ngoài phải có nghĩa vụ đóng thuế tại quốc gia của chính mình. Về phần mình, cơ quan thuế của Mỹ dựa trên một quy tắc cho phép các công ty đa quốc gia khai rằng đối tác hợp danh “vennootschap” của họ không phải chịu thuế ở Mỹ mà là ở Hà Lan. Sự lập lờ này đem lại lợi ích cho các tập đoàn Mỹ, khi không phải đóng thuế cho các đối tác hợp danh cả ở Mỹ và Hà Lan. 

Như vậy, các công ty đa quốc gia thu được lợi nhuận khổng lồ dưới hình thức cổ tức hoặc tiền bản quyền sở hữu trí tuệ (các chi nhánh trả chi phí cho việc khai thác nhãn hiệu). Rất thường xuyên, như trường hợp của Nike, phần lớn số tiền thu được từ việc bán các sản phẩm và dịch vụ bên ngoài nước Mỹ lại được chuyển về Hà Lan. Đó là những khoản tiền lớn không hề bị đánh thuế tại nhiều quốc gia nơi mà các tập đoàn Mỹ thực sự hoạt động. 

“Thiên đường”

Được cảnh báo về những lỗ hổng của hệ thống thuế, Chính phủ Hà Lan năm 2002 đã đưa ra một điều khoản chống lạm quyền trong hiệp định thuế ký với Mỹ, quy định mức thuế tối thiểu là 15% đối với các đối tác hợp danh “vennootschap”. Đối với các công ty Mỹ, quy định này thật khó nhằn nhưng chỉ kéo dài một thời gian ngắn. 

Lên nắm quyền năm 2003, Quốc vụ khanh về tài chính Joop Wijn của Hà Lan tỏ ra nhạy cảm hơn với việc vận động của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Trong năm 2006, ông đã đáp ứng nguyện vọng của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham), bằng cách loại bỏ điều khoản chống lạm quyền của hiệp ước thuế. Các cơ quan dưới quyền ông nhận thức rõ rằng các công ty đa quốc gia của Mỹ sẽ kiếm nhiều lợi nhuận, nhưng lại làm mất đi các khoản thu thuế đáng kể của chính phủ nước ngoài. Nhưng Wijn không quan tâm, theo một tài liệu của phóng viên báo De Correspondent công bố hồi đầu năm nay, ông tuyên bố: “Hà Lan không cần phải đóng vai trò kiểm soát viên thuế cho phần còn lại của thế giới”. 

AmCham nhiệt liệt hoan nghênh và trao tặng Quốc vụ khanh  Hà Lan giải thưởng đầu tư vì “sự đóng góp phi thường” cho môi trường kinh doanh. Sáu năm sau, “thiên đường” thuế Hà Lan đã trở nên đáng báo động. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Ủy ban châu Âu năm 2012 đã đề nghị Tòa án quốc tế La Haye can thiệp. AmCham đã hy vọng rằng “chính phủ Hà Lan không sớm áp dụng những thay đổi”. Dưới áp lực chung của Ủy ban châu Âu và của nội bộ chính phủ, đầu năm 2017 Bộ trưởng Tài chính Jeroen Dijsselbloem đã tuyên bố sẽ chấm dứt sự hoạt động của hệ thống đối tác hợp danh “vennootschap” vào đầu năm 2020. 

Vẫn còn quá sớm để biết liệu các chuyên gia thuế Mỹ có tìm thấy những sơ hở mới trong luật thuế của Hà Lan hay không. Trong bất kỳ trường hợp nào, AmCham đã đề xuất một vài giải pháp khác để “giải quyết những thách thức đối với các điều kiện đầu tư ở Hà Lan”. Hơn nữa, theo Giáo sư luật thuế Hà Lan Jan Vleggeert, cơ quan thuế Hà Lan đang tích cực xem xét các “cấu trúc thay thế” cho hệ thống đối tác hợp danh “vennootschap”, nhất là khi “các chính trị gia tin rằng Hà Lan có lợi khi giữ được sự hấp dẫn về thuế”... 

Đọc thêm