Ngay từ đầu tháng 5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (TTKSBT) tỉnh đã có văn bản gửi trung tâm y tế các huyện, thành phố, thị xã về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè. Trong đó, đề nghị các đơn vị phối hợp và tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, như giám sát, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, quản lý và hướng dẫn cách ly y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh; thực hiện thường trực chống dịch 24/24h tại tất cả các cơ sở y tế; tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;
Tăng cường giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh dịch đầu tiên, đặc biệt là các bệnh dịch sởi, cúm, tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết (SXH) và các vụ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn, virus; chủ động lấy mẫu bệnh phẩm, bảo quản và gửi xét nghiệm hoặc thông báo ngay cho TTKSBT tỉnh phối hợp lấy mẫu, khoanh vùng và xử lý ổ dịch theo đúng quy định; Phối hợp với phòng giáo dục & đào tạo các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền và chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong nhà trường, như: thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, thực hiện các giải pháp chống nóng cho học sinh, cung cấp đủ nước uống, nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm; chỉ đạo quản lý tốt sức khỏe học sinh và trẻ mầm non, phát hiện sớm và thông báo kịp thời tới các đơn vị y tế các trường hợp mắc bệnh.
Với nhiều biện pháp dự phòng hiệu quả, 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 10 ca SXH, 3 ca sởi, 1 ca ho gà, 13 ca thủy đậu, 880 ca tiêu chảy và 2.700 ca có hội chứng cúm xuất hiện rải rác. Trong đó, chỉ có SXH tăng 4 ca so với cùng kỳ năm 2019, còn lại các ca bệnh khác đều giảm rất nhiều. Theo Giám đốc TTKSBT tỉnh Nguyễn Thanh Dương, đơn vị đã chủ động xây dựng phương án cụ thể để khi có tình huống dịch bệnh mùa hè xảy ra có thể sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị trong triển khai các biện pháp phòng, chống. Trung tâm và các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện, các trạm y tế xã, phường, thị trấn đặc biệt quan tâm thực hiện công tác giám sát, báo cáo tình hình dịch, bệnh và tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ.
Tuy nhiên, để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao hơn nữa, cùng với sự nỗ lực của ngành y tế đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp và mỗi người dân. Trong đó, tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng thông qua các hoạt động thiết thực, như thường xuyên vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh; đến cơ sở y tế gần nhất khi thấy các dấu hiệu bất thường nghi nhiễm bệnh để được tư vấn, điều trị kịp thời… Đặc biệt, cần đưa trẻ trong độ tuổi đi tiêm chủng đầy đủ bởi đây là biện pháp hiệu quả để phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm.