Hà Nội "bó tay" với lạm thu trong trường học?

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Lạm thu ở các trường học luôn là vấn đề bức xúc của người dân. Các sở, ngành cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều biện pháp đưa ra để giải quyết vấn đề. Bộ cũng nhận được nhiều văn bản đề nghị của các sở về vấn đề này, nhưng vẫn rất khó “chữa” do bệnh đã nhờn thuốc.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vừa có công văn gửi Sở GD&ĐT yêu cầu chấn chỉnh việc thu chi trong trường học do báo chí nêu trong thời gian qua...

Các khoản thu “trời ơi’

Công văn yêu cầu Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND TP việc thực hiện quy định pháp luật về thu học phí và các khoản thu khác trong các cơ sở giáo dục. Đồng thời, tham mưu văn bản của UBND TP chỉ đạo thống nhất các khoản thu trong nhà trường thuộc TP Hà Nội (trong khi chờ quy định mới về thu chi học phí và các khoản thu khác được ban hành), báo cáo UBND TP.

Trước đó, mặc dù rất nhiều quy định được đưa ra nhằm chấn chỉnh lạm thu, nhưng trên thực tế không phụ huynh nào không phải móc hầu bao trước các khoản thu “ngoài luồng” đầu năm học.
Chị N.T (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trong buổi họp phụ huynh, nhiều bậc cha mẹ ngỡ ngàng khi cô giáo mang máy chiếu ra trình chiếu cho phụ huynh xem để chứng minh rằng, việc dạy bằng máy chiếu sẽ khiến bài học sinh động, hấp dẫn hơn. Đặc biệt, cô giáo tự quyết định ứng 20 triệu đồng để mua máy chiếu. Vì vậy, Ban phụ huynh lớp đã “vận động” mọi người tùy tâm đóng góp. “Sự đã rồi” nên hầu hết cha mẹ đều tự nguyện đóng góp 300.000 - 1.000.000 đồng. “Thực tế, chiếc máy chiếu đó chỉ dùng cho vài tiết học, nên không nhất thiết mỗi lớp phải mua một chiếc mà có thể cả khối dùng chung một chiếc. Như vậy sẽ đỡ lãng phí hơn”, phụ huynh này chia sẻ.
Học sinh vui, phụ huynh lo...
Học sinh vui, phụ huynh lo...
Anh H.A, có con học ở khối 2 một trường Tiểu học thuộc quận Đống Đa cho biết: Vì con anh học lớp “chọn” nên các khoản đóng góp cũng trội hơn các lớp khác. Nhà trường có chủ trương thực hiện mô hình dạy học tương tác với một số lớp, nhưng toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho lớp này (khoảng hơn 100 triệu đồng) hoàn toàn lấy từ nguồn thu của phụ huynh học sinh.

Xem danh mục chi của họ thì thấy đúng là cách tiêu tiền “chùa”, vì cái gì cũng “xịn”. Máy chiếu hơn 28 triệu đồng/chiếc; máy tính xách tay hơn 24 triệu đồng/chiếc... Thông tin từ phía nhà trường, phụ huynh có thể không tham gia nhưng phải cho con mình chuyển sang lớp khác. Nhiều phụ huynh đành rút tiền ra đóng, dù chẳng biết hiệu quả đến đâu.

Về vấn đề này, ông Đoàn Hoài Vĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thừa nhận, Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh do Bộ GD&ĐT ban hành quy định, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc thu và sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, tuy nhiên, đến nay, Hà Nội vẫn chưa đưa ra được mức thu cụ thể nên dẫn tới việc có nhiều mức thu khác nhau.

Cần tăng học phí?

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng thừa nhận: “Lạm thu ở các trường học luôn là vấn đề bức xúc của người dân. Các sở, ngành cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều biện pháp đưa ra để giải quyết vấn đề. Bộ cũng nhận được nhiều văn bản đề nghị của các sở về vấn đề này, nhưng vẫn rất khó “chữa” do bệnh đã nhờn thuốc. Trước tình hình trên, Bộ GD&ĐT đã mở diễn đàn bàn về lạm thu để nhiều nhà giáo dục, người dân hiến kế về vấn đề này”.

PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nêu: “Năm nào Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT cũng ra văn bản, chỉ thị nói về “lạm thu” chứng tỏ các giải pháp đưa ra là chưa khả thi. Khi đối diện với các khoản thu, phụ huynh ngại nói và nghĩ họ đóng được mình cũng cố đóng cho xong, vì sợ ảnh hưởng đến con mình. Bộ GD&ĐT nói phụ huynh giúp nhà trường là không hợp lý. Trong thu có khoản đúng, có khoản không đúng. Theo tôi chỉ có cách là tăng học phí. Tất cả các khoản thu đó đều nằm trong mức học phí này, như vậy các phụ huynh không phải đóng thêm khoản nào nữa và nhà trường lấy tiền trong khoản đó để chi tiêu theo quy định".

Thầy Đặng Đình Đại (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội) lý giải: Trước khi nói về “lạm thu” thì nên hiểu rõ “lạm thu” ở các khoản nào, vì nhiều khoản học sinh phải đóng theo quy định. Theo tôi, vấn đề lạm thu nhiều nhất là ở quỹ cha mẹ học sinh và khoản “xã hội hóa” giáo dục như mua máy chiếu, rèm phòng học... Do vậy, Ban đại diện cha mẹ trường nên đưa ra mức thu trần cho các lớp và Hiệu trưởng là người duyệt. Nên giao quyền cho Hiệu trưởng để chịu trách nhiệm và giải trình với cấp trên.

Đồng thời, nhiều ý kiến cho rằng, không nên để trưởng ban phụ huynh là các đại gia. Và xem ra, câu chuyện này dù cấm này, cấm khác vẫn là câu chuyện không hồi kết vào đầu mỗi năm học.

Uyên Na

Đọc thêm