Trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (gọi tắt là Dự án đường Vành đai 4) là dự án quan trọng Quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng BOT.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận 3 tỉnh, TP là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Dự án được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần với tổng mức đầu tư dự kiến là 85.813 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027.
Dự kiến, nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội triển khai dự án là 23.524 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng.
UBND TP cam kết đảm bảo nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hàng năm sẽ được UBND TP trình HĐND TP quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo luật định.
Tại phiên họp, sau khi thảo luận, các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết, nhất trí thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách TP là khoảng 23.524 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 là 19.400 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng.
Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021- 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của Dự án như sau: Năm 2020 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 8.397 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 5.025 tỷ đồng.
HĐND TP Hà Nội thống nhất chủ trương, trong trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án thành phần do TP Hà Nội là cấp quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện theo cơ chế được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư của dự án phải điều chỉnh tăng, thì phần vốn tăng thêm sẽ được xem xét bố trí từ nguồn vốn Ngân sách TP.
HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP triển khai cân đối đủ vốn ngân sách TP để tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đảm bảo tiến độ được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư; đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công và các quy định khác liên quan.
Trường hợp huy động nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn ngân sách TP cần được lập đề án cụ thể, trình cấp thẩm quyền và HĐND TP quyết nghị theo đúng quy định.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc đầu tư xây dựng dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là nội dung rất cần thiết và cấp bách, nằm trong khâu đột phá để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XVII Đảng bộ TP, Chương trình số 03 của Thành uỷ Hà Nội về chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị, kinh tế đô thị…
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, nội dung được HĐND TP thông qua tại kỳ họp là nội dung lớn, quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao của TP để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Từ đó, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị, ngay sau Kỳ họp này, UBND TP, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để Dự án Đường Vành đai 4 sớm được hoàn thành, đảm bảo chất lượng, tiến độ, phát huy hiệu quả đầu tư.
Trước mắt, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP tập trung khẩn trương phối hợp các bộ, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ dự án theo Thông báo số 983 ngày 15/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đảm bảo tiến độ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 3.
Đồng thời, triển khai các giải pháp tăng cường nguồn lực, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn ngân sách TP để triển khai thực hiện Dự án đảm bảo theo quy định pháp luật; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách để khai thác hiệu quả quỹ đất 2 bên tuyến đường và các cơ chế để huy động tối đa nguồn lực triển khai, thực hiện dự án.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, UBND TP Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các đơn vị liên quan; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc triển khai các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của TP đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tạo đồng thuận cao để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng đề nghị Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và các vị đại biểu HĐND TP tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện dự án và báo cáo HĐND TP theo quy định.