Hà Nội cần định vị sản phẩm du lịch độc đáo, sắc nét

(PLO) -“Định vị sản phẩm, quảng bá xúc tiến, quản lý điểm đến để đảm bảo an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường và thu hút đầu tư” là bốn vấn đề Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tuấn đưa ra trong “Hội nghị gặp gỡ các cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức.
Hà Nội cần định vị sản phẩm du lịch độc đáo, sắc nét

Hội nghị nằm trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hanoi) 2017. Đây là hoạt động nhằm tăng cường phối hợp, liên kết phát triển du lịch giữa các ngành, các tỉnh, thành phố, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương cũng như tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng, tổ chức trong nước và quốc tế.

Hà Nội cần định vị sản phẩm du lịch độc đáo, sắc nét ảnh 1
Hà Nội cần định vị sản phẩm du lịch độc đáo, sắc nét

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn đánh giá cao những thành tựu đạt được của TP. Hà Nội trong thời gian qua; năm 2016, lượng khách quốc tế đến Hà Nội đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 23% so với năm 2015; 3 tháng đầu năm 2017, lượng khách này ước đạt 1,2 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, những kết quả này còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và tầm vóc của du lịch Thủ đô. "Với mức tăng trưởng trên dưới 10% thì Hà Nội đã thấy thiếu khách sạn phân khúc 3-5 sao. Nếu đạt tốc độ tăng trưởng 30% thì vấn đề gì sẽ xảy ra?”, ông Tuấn chia sẻ. 

Thời gian tới, Du lịch Hà Nội cần tiếp tục có những giải pháp để phát triển hơn nữa. Dựa trên những thế mạnh về tự nhiên và nhân văn, Hà Nội cần định vị cho việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy các giá trị văn hóa, di sản trên địa bàn thành phố. Hà Nội đã có những chiến lược quảng bá du lịch không chỉ đưa hình ảnh Hà Nội ra thế giới mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu cho du lịch Việt Nam, thời gian tới cần tiếp tục phát huy, thực hiện tập trung và chuyên nghiệp hơn. Về việc phát triển cơ sở lưu trú, Hà Nội đã và đang có những giải pháp để thu hút đầu tư để kịp thời đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch. Cùng với đó cần quan tâm tới vấn đề quản lý điểm đến - điều kiện quan trọng để đảm bảo tính bền vững cho phát triển du lịch. Tăng cường thu hút các nhà đầu tư chiến lược để du lịch Thủ đô có thể phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn. Việc liên kết du lịch giữa Hà Nội với các địa phương lân cận cũng cần được đẩy mạnh…

Ông Nguyễn Quang Lân, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội đề xuất thành phố cần tập trung xây dựng một đến hai khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc tế, tập trung quỹ đất để xây dựng các khách sạn trung, cao cấp, nâng số cơ sở lưu trú lên gấp 2 lần hiện tại để có sức chứa 5-7 triệu khách quốc tế trong thời gian tới. Theo UBND Hà Nội, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ có thêm khoảng 20 khách sạn 5 sao, với tổng số 15.000 - 20.000 phòng.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Công ty du lịch TransViet đưa ra ý kiến: Tạo không gian áo dài trên phố đi bộ Hoàn Kiếm. Theo ông Đạt, hiện nay nhiều du khách đến không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm có chung cảm giác các hoạt động ở đây nhỏ lẻ, manh mún. Vì vậy, thành phố Hà Nội cần tạo thêm các hoạt động văn hóa tại khu vực này để tăng tính hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Đỗ Đình Hồng- Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, những vấn đề các đại biểu nêu lên: cơ hội và thách thức phát triển của du lịch Thủ đô giai đoạn hiện tại; nguồn nhân lực du lịch chất lượng, yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển của du lịch Hà Nội; Liên kết phát triển du lịch giữa Hà Nội và ba địa phương miền Trung (Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam)… sẽ được nghiên cứu bổ sung vào kế hoạch, giải pháp phát triển của ngành Du lịch Thủ đô trong thời gian tới. Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải phát, chính sách nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp.

Đọc thêm