Hà Nội: Chủ động, trách nhiệm trong phối hợp sửa đổi Luật Thủ đô

(PLVN) - Thực hiện nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, từ năm 2022 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nhiều hoạt động như: hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý các Sở, ngành, chuyên gia, nhà khoa học; đăng tải dự thảo Luật lấy ý kiến nhân dân…
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì cuộc làm việc với Ban soạn thảo và Tổ biên tập Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ động phối hợp triển khai nhiều hoạt động

Thực hiện nhiệm vụ sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô được giao tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị; các Nghị quyết, Kết luận hội nghị của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), từ năm 2022 đến nay, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo UBND Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), tiến hành thẩm định và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023.

Theo đó, việc xây dựng dự án Luật được dự kiến trình Quốc hội tại 2 kỳ họp, kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) Quốc hội sẽ nghe, cho ý kiến về dự thảo Luật và sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2024).

Ngay sau khi trình Chính phủ, UBND Thành phố và Bộ Tư pháp đã chủ động bắt tay vào công tác xây dựng dự thảo Luật. Bộ Tư pháp đã chủ động thành lập tổ công tác nghiên cứu, soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) và ban hành Kế hoạch tổ chức nghiên cứu, xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); Tổ nghiên cứu, soạn thảo Luật đã xây dựng sơ bộ dự thảo Luật để bước đầu thể chế hóa các chính sách được phê duyệt.

Đồng thời, UBND Thành phố tổ chức triển khai việc lấy kiến góp ý của các Sở, ban, ngành UBND các quận, huyện, thị xã, tổ chức nhiều hội nghị góp ý vào dự thảo Luật theo các chuyên đề cụ thể với sự tham gia của các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, các sở, ngành Thành phố, chuyên gia, nhà khoa học để sớm nghiên cứu, chủ động xây dựng dự thảo Luật theo các chính sách đã được Chính phủ thông qua.

Từ tháng 5/2023 đến nay, UBND Thành phố phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các thành viên Tổ biên tập, các Sở, ngành, chuyên gia, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô. Ngày 9/6/2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện việc đăng tải dự thảo Luật tại cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp để tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức và Nhân dân.

UBND Thành phố đã phối hợp với Ban Soạn thảo dự án Luật tổ chức các hội thảo góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đặc biệt ở một số nội dung quan trọng cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, làm rõ, cụ thể hóa các quy định của dự thảo Luật hiện đang chưa rõ, chưa cụ thể và còn có nhiều ý kiến khác nhau. Cùng với đó đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành Thành phố nghiên cứu, bổ sung nội dung giải trình, bổ sung làm rõ, cụ thể hóa các quy định trong dự thảo Luật đối với 24 vấn đề; ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, Nhân dân trên địa bàn Thành phố vào dự thảo Luật để chỉ đạo các cấp, các ngành Thành phố triển khai thực hiện.

Bên cạnh việc triển khai xây dựng Luật, Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tuyên giáo, UBND Thành phố ban hành, tổ chức triển khai kế hoạch thông tin, tuyên truyền về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều hoạt động trên phát thanh truyền hình, tin bài trên các báo Trung ương và Thành phố. Trong đó tập trung vào việc tuyên truyền các chính sách đặc thù, vượt trội, các hoạt động của Trung ương, Thành phố trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo Luật nhằm tạo sự đồng thuận của các cấp, ngành và Nhân dân, thu hút sự quan tâm, tham gia vào cuộc để đóng góp xây dựng dự thảo Luật.

Bổ sung toàn diện nhiều nội dung mới

So với Luật Thủ đô năm 2012, dự thảo Luật được bổ sung mới, toàn diện rất nhiều nội dung mới như: Tổ chức chính quyền Thủ đô, các quy định về thẩm quyền đầu tư, ưu đãi, thu hút đầu tư, cơ chế đầu tư phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD, về phát triển nông nghiệp, nông thôn; về phát triển y tế; về an sinh xã hội. Đồng thời, đối với những nội dung đã quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, tại dự thảo Luật lần này cũng được sửa đổi, bổ sung toàn diện như: các quy định về tài chính – ngân sách, quy hoạch, xây dựng, chỉnh trang đô thị, phát triển văn hóa, giáo dục đào tạo, xử lý vi phạm hành chính, nâng cấp một chương riêng về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô....

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 06 chương, 59 điều (tăng 02 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô năm 2012). Cụ thể: Chương I. Những quy định chung (gồm 08 điều); Chương II. Tổ chức chính quyền tại Thủ đô (gồm 11 Điều); Chương III. Xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô (gồm 16 điều); Chương IV. Chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô (gồm 11 điều); Chương V. Liên kết, phát triển Vùng Thủ đô (gồm 06 điều); Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm 07 điều) .

Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô. Đặc biệt, bổ sung nguyên tắc ưu tiên áp dụng Luật Thủ đô nhằm giúp cho Luật giữ được hiệu lực áp dụng trong trường hợp các luật, nghị quyết của Quốc hội ban hành sau có quy định khác với Luật Thủ đô.

Đọc thêm