Trước thực trạng đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội mới có đề xuất sử dụng phần mềm mô phỏng hoạt động giao thông, phần mềm đếm phương tiện, như một giải pháp quan trọng kéo giảm ùn tắc.
Phát sinh nhiều “điểm đen” ùn tắc
Ùn tắc giao thông kéo dài, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm, từ lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại Thủ đô Hà Nội. Theo đánh giá của Bộ GTVT, lượng phương tiện giao thông, chủ yếu là các phương tiện cá nhân, gia tăng nhanh trong khi hạ tầng chưa thể đáp ứng sẽ khiến tình trạng ùn tắc giao thông tại Thủ đô ngày càng diễn biến phức tạp.
Tính đến tháng 11/2022, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội là hơn 7,7 triệu phương tiện, chủ yếu là ô tô, xe máy, xe máy điện, chưa kể còn khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô.
Ước tính, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình khoảng từ 4 - 5%/năm, góp phần gia tăng lưu lượng giao thông, gây ùn tắc ở Hà Nội. Ngoài ra, còn các nguyên nhân khác như mật độ dân số phân bố không đồng đều tập trung quá đông ở nội đô; vận tải hành khách công cộng vẫn chỉ chiếm tỷ lệ thấp trong giao thông đô thị.
Đáng nói, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỷ lệ diện tích đất giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị cần đạt 20 - 26% cho đô thị trung tâm; đạt 18 - 23% cho các đô thị vệ tinh và đạt 16 - 20% cho các thị trấn. Tuy nhiên, diện tích đất dành cho giao thông so với đất xây dựng đô thị còn thấp, bài toán tăng quỹ đất cho giao thông ở Hà Nội vẫn là một thách thức lớn đối với các cơ quan chức năng.
Để kéo giảm ùn tắc, năm 2022, TP Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng. Lực lượng chức năng đã giải quyết 08 điểm ùn tắc giao thông, không để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài, xử lý kịp thời những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc mới, giải quyết các “điểm đen” về tai nạn giao thông.
Cơ quan chức năng cũng kết hợp các nhóm giải pháp khác, bao gồm xén mở rộng tối đa mặt đường tăng khả năng thông hành, tăng diện tích đất dành cho giao thông; xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng; cấm rẽ trái tại một số nút giao để hạn chế xung đột giao thông…
Tuy nhiên, giao thông Hà Nội vẫn trong tình trạng ùn tắc, có nhiều “điểm đen” mới phát sinh, như đường Nguyễn Xiển đoạn đi qua công trường dự án xử lý nước thải Yên Xá; khu vực ngã ba Kim Đồng - Giải Phóng; khu vực cầu Kim Đồng trên đường Kim Đồng; ngã tư Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch; khu vực ngã tư Trần Phú - Phùng Hưng (Hà Đông); khu vực ngã tư Phùng Hưng - Tô Hiệu (Hà Đông); ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; khu vực cống Trung Văn, nút giao Lê Quang Đạo - đường gom đại lộ Thăng Long...
Đề xuất sử dụng phần mềm mô phỏng giao thông
Với nhiều nguyên nhân trên, tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá, triệt để hơn. Bên cạnh yêu cầu cấp thiết về phát triển hạ tầng giao thông, việc áp dụng công nghệ vào giải quyết ùn tắc cũng là một giải pháp quan trọng đối với giao thông Thủ đô.
Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã có đề xuất với UBND TP Hà Nội cho phép ứng dụng phần mềm mô phỏng hoạt động giao thông, phần mềm đo đếm lưu lượng phương tiện làm công cụ phân tích một cách trực quan, giúp cho công tác tổ chức giao thông hiệu quả hơn. Đề xuất này hiện đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều người tham gia giao thông, với kỳ vọng sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Công nghệ đếm phương tiện và mô phỏng các tình huống giao thông đã được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng và cho thấy nhiều hiệu quả tích cực. Các chuyên gia đánh giá, việc ứng dụng phần mềm đếm xe và mô phỏng tình huống giao thông tại Hà Nội sẽ là bước tiến lớn trong việc xây dựng dữ liệu phương tiện và mạng lưới giao thông đô thị.
Từ đó, các cơ quan quản lý có thể đánh giá đúng được thực trạng giao thông và có hướng đi đúng đắn hơn trong các mục tiêu tổ chức, phát triển giao thông ngắn hạn và dài hạn của Thủ đô. Ngoài ra, ứng dụng phần mềm hiệu quả còn góp phần tiết kiệm chi phí, giảm được nhân lực của các lực lượng chức năng phải làm việc trực tiếp trên đường.
Đơn cử, tuyến vành đai 3 TP Hà Nội bởi có lưu lượng phương tiện di chuyển cao nên thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ, ùn tắc kéo dài. Nhưng số liệu thống kê lưu lượng phương tiện của tuyến này theo như Sở GTVT Hà Nội công bố chỉ ước lượng số phương tiện có thể gấp 8 đến 10 lần thiết kế.
Nhiều năm nay, các cơ quan chức năng vẫn chỉ áng chừng số lượng phương tiện lưu thông, chưa có số liệu cụ thể, bởi vậy chưa thể đánh giá chính xác mức độ ảnh hưởng đến mạng lưới giao thông. Đặc biệt, vào các khung giờ cao điểm, dịp cao điểm như sau các đợt nghỉ lễ, Tết, lực lượng chức năng đều phải tăng cường làm việc trên đường, phân luồng, điều tiết giao thông nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, chưa thể giải quyết được triệt để tình trạng ùn tắc.
Ùn tắc giao thông không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế. Theo Viện Chiến lược và phát triển GTVT, một số nghiên cứu cho thấy thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội vào khoảng 1,2 tỷ USD/năm (số liệu năm 2018). Ùn tắc giao thông cũng chính là “thủ phạm” gây thiệt hại hơn 1 triệu giờ lao động/năm bởi làm gia tăng thời gian đi lại của người dân.