Hà Nội đổi mới các hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật

(PLVN) - Thời gian qua, TP Hà Nội đã không ngừng đổi mới áp dụng các hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) có hiệu quả cao. Qua đó, công tác này được TP thực hiện đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ và đi vào nề nếp, hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội.
Bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội.

Nhiều kết quả khả quan

Theo bà Phạm Thị Thanh Hương – Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, trong 10 năm qua, Sở Tư pháp Hà Nội đã triển khai các hoạt động PBGDPL đến với người dân trên địa bàn TP đạt được nhiều kết quả khả quan và được Bộ Tư pháp, Thành ủy, HĐND, UBND TP ghi nhận.

Sở Tư pháp TP Hà Nội luôn xác định công tác PBGDPL là nhiệm vụ quan trọng, là cầu nối đưa pháp luật đến với cuộc sống, là cơ sở để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị có sự tham gia vào cuộc của các ngành, các cấp.

Sở Tư pháp Hà Nội đã tham mưu TP ban hành chính sách, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác PBGDPL được thực hiện đồng bộ, toàn diện, chặt chẽ và đi vào nề nếp gắn với trách nhiệm của từng công dân, cá nhân, tổ chức, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức đoàn thể trong việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL.

Sở cũng đã kịp thời tham mưu ban hành Các chương trình, Đề án, Kế hoạch PBGDPL theo chỉ đạo của Trung ương và theo đặc thù trên địa bàn TP để đáp ứng thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế- xã hội của TP.

Sở Tư pháp đã thể hiện tốt vai trò chủ động, sáng tạo trong việc tham mưu Hội đồng, UBND TP chỉ đạo nội dung và hình thức tuyên truyền trong từng thời điểm, từng giai đoạn phù hợp tình hình thực tế dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Đó là bên cạnh việc tuyên truyền, PBGDPL thông qua các hình thức truyền thống, TP đã không ngừng đổi mới áp dụng các hình thức, mô hình PBGDPL có hiệu quả cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL.

Điển hình như đẩy mạnh tuyên truyền qua phương tiện truyền thông, qua hệ thống cơ quan báo, đài Trung ương và TP. Trang thông tin điện tử PBGDPL của Hội đồng PHPBGDPL TP. Tuyên truyền trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, mạng xã hội để thực hiện lan tỏa các bài viết tuyên truyền pháp luật.

Tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật qua hình thức mới sáng tạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng nhu cầu tuyên truyền nhanh, rộng, kịp thời, thu hút nhiều người tham gia dự thi như thi trực tuyến, thi xây dựng vi deo clip và bình chọn (Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cuộc thi tìm hiểu PL về dịch vụ công trực tuyến, cuộc thi tìm hiểu PL về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, thi tìm hiểu pháp luật về ứng xử trên môi trường mạng trên địa bàn TP).

Tổ chức hội nghị tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến thu hút đông đảo người tham dự từ TP đến cơ sở. Tuyên truyền PBGDPL trên nền tảng mạng xã hội, qua ứng dụng Hà Nội Media Box, mạng xã hội Lotus, tài khoản zalo, facebook, fanpage, tin nhắn điện tử… tương tác nhanh trong công tác tuyên truyền đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền pháp luật trong thời kỳ chuyển đổi số.

Tuyên truyền trên màn hình điện tử, xây dựng mô hình cầu thang pháp luật tại các tòa nhà cao tầng trong khu chung cư. Tuyên truyền qua tổ tự quản tại cộng đồng dân cư, tổ dân phố điện tử, “tổ phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý”, nhóm nòng cốt, tổ tự quản khu nhà trọ, cầu thang pháp luật, câu lạc bộ pháp luật, PBGDPL qua các loại hình văn hóa, văn nghệ…

Hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đi vào nề nếp theo Kế hoạch, chương trình cụ thể, được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác phối hợp trong PBGDPL của các ngành, thành viên trong Hội đồng ngày một chặt chẽ, hiệu quả.

“Việc triển khai Ngày pháp luật Việt Nam trên địa bàn TP đã được thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, hiệu quả thực sự trở thành sự kiện chính trị, pháp lý của Thủ đô đã tạo sự lan tỏa ý thức thượng tôn, chấp hành và bảo vệ pháp luật trong đội ngũ cán bộ, CCVC, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và Nhân dân trên địa bàn Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nhấn mạnh.

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân ngày càng được nâng cao

Bà Phạm Thị Thanh Hương khẳng định, qua triển khai các hoạt động PBGDPL đến với người dân trên địa bàn TP đã hình thành thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; gắn kết chặt chẽ với hòa giải ở cơ sở, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chú trọng các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô chấp hành tốt các quy định kỷ cương hành chính, pháp luật trong công tác chuyên môn.

Ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn TP ngày càng được nâng cao, thể hiện qua kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cuộc bầu cử được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, dân chủ, an toàn, ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân. Tỷ lệ người dân tham gia bầu cử trên địa bàn TP Hà Nội đạt cao, lên tới 99,16 %.

Trong công tác phòng, chống dịch COVID- 19, đại đa số người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng và chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch góp phần đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn TP. Nhiều phong trào vận động, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong đại dịch đã được người dân, tổ chức trên địa bàn TP triển khai.

Điều này cũng thể hiện qua việc xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật. Nhờ việc triển khai tốt công tác PBGDPL, số xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2017, TP có 428/584 xã, phường, thị trấn được công nhận chuẩn tiếp cận (chiếm tỷ lệ 73,28%); Năm 2018 đã có 515/584 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 88,2%); năm 2019 đã có 546/584 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 88,2%); năm 2020 đã có 558/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37%; năm 2021 đã có 557/579 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (chiếm tỷ lệ 96,2%); qua số liệu công tác hoà giải.

Tỷ lệ hoà giải tăng, số vụ việc hoà giải giảm. Trung bình từ năm 2017 đến nay tỷ lệ hoà giải đạt 83,36 % tăng gần 2% so với giai đoạn 2014-2016, số vụ việc hoà giải trung bình giai đoạn 2017-2021 (4.365 vụ/năm) giảm khoảng 4.500 vụ việc so với giai đoạn 2014-2016 (8.911vụ /năm).

Nhằm tăng cường công tác PBGDPL, hiện nay, TP Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong công tác PBGDPL.

Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương về trách nhiệm triển khai nhiệm vụ PBGDPL, chủ động tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về PBGDPL.

Phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong tham mưu, triển khai công tác PBGDPL, tăng cường trách nhiệm của các thành viên Hội đồng trong thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.

Đổi mới, sáng tạo trong triển khai công tác PBGDPL đảm bảo phù hợp với tình hình, đối tượng, địa bàn; hình thức, nội dung PBGDPL cần xuất phát từ nhu cầu của đối tượng, tránh dàn trải gây lãng phí, không hiệu quả, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.

Gắn công tác PBGDPL với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thường xuyên kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác PBGDPL, quan tâm đội ngũ chuyên trách làm công tác PBGDPL.

Quan tâm bảo đảm kinh phí cho hoạt động PBGDPL, tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa, có giải pháp thu hút, huy động sự tham gia đóng góp, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, theo dõi việc thực hiện công tác PBGDPL kết hợp với việc xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật; thường xuyên sơ kết, tổng kết nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác PBGDPL, động viên, khen thưởng cho tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác PBGDPL.

Đọc thêm